Từ hôm nay, 20.10 đến 10.11.2020, 4 dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII sẽ được công bố để thảo luận, lấy ý kiến của nhân dân. Đó là các văn kiện: Dự thảo báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Dự thảo báo cáo tổng kết công tác xây dựng đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ đại hội XII; Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Báo Lao Động lược trích giới thiệu Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.
Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá XII vừa công bố Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng để lấy ý kiến nhân dân
Dự thảo Báo cáo Chính trị
Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường; đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và nhiều khó khăn, thách thức đan xen, nhiều vấn đề mới đặt ra phải giải quyết; cán bộ, đảng viên, nhân dân đặt kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng để phát triển đất nước ta nhanh và bền vững hơn. Đại hội được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; đất nước trải qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Đại hội XIII có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII gắn với đánh giá tổng quát tiến trình đổi mới; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khoá XII; kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Đại hội được tiến hành theo phương châm: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển, với chủ đề: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Dự thảo Báo cáo Chính trị gồm các phần 15 chương
Chương I dự thảo Báo cáo nêu rõ những Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và Cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới. Phần này sẽ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, nguyên nhân và kinh nghiệm. Nội dung thứ hai trong phần này là Đánh giá chung về 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới.
Chương II của Dự thảo Báo cáo chính trị có tên Tầm nhìn và định hướng phát triển.
Trong Chương III, Dự thảo Báo cáo Chính trị đề cập tới Đổi mới Mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Chương IV của Dự thảo Báo cáo Chính trị có nội dung về hoàn thiện toàn diện, đồng bộ, thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nội dung chương V bàn về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người; Chương VI đề cập tới vấn đề thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ; Chương VII có nội dung về xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam; Chương VIII nêu về quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; Chương IX nêu về quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; Chương X đề cập tới vấn đề tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa; Chương XI đề cập tới nội dung triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Chương XII của dự thảo Báo cáo Chính tị đề cập tới việc phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân. Trong đó, 2 nội dung được phân tích, làm rõ đó là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và phát huy dân chủ Xã hội Chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.
Chương XIII của Dự thảo báo cáo chính trị đề cập tới vấn đề Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Chương XIV bàn về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Trong đó, phần này làm rõ các nội dung: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Chương XV của dự thảo Báo cáo Chính trị nêu những nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII nêu rõ: Để thực hiện tốt các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ trên đây, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải chủ động, nhạy bén nắm chắc thời cơ, quyết vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, hoàn thiện thể chế, khơi dậy ý chí, tiềm năng, nguồn lực cho phát triển. Phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, Dân chủ Xã hội Chủ nghĩa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam...
Báo Lao Động sẽ giới thiệu các văn kiện trên laodong.vn và báo in Lao Động.
Vương Trần (nguồn: laodong.vn)