Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu nhiều điểm sáng của nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm, làm nền và tạo đà cho tăng trưởng dương của năm 2020 khi chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020 diễn ra tại trụ sở Chính phủ, Trong đó có nhiều điểm sáng đến từ ngành Công Thương.
Những điểm sáng kinh tế được Thủ tướng Chính phủ nêu lên gồm lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2020 tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,01% so với tháng 12 năm trước, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 9 tháng năm 2020, CPI tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý trong 3 tháng qua, các khu vực kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn quý II và là động lực cho tăng trưởng kinh tế chung của đất nước.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 9 tăng 15% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, xuất khẩu tăng 4,2%, khu vực kinh tế trong nước tăng 20,2%.
Có 30 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Xuất siêu đạt kỷ lục, gần 17 tỷ USD. Sản xuất công nghiệp tháng 9 đã có sự khởi sắc, mở ra hy vọng sớm phục hồi và tăng trưởng mạnh trở lại trong những tháng cuối năm. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,95% và dịch vụ tăng 2,75%.
Phiên họp tháng 9/2020 của Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm
Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Việt Nam (do Nikkei đánh giá) đã tăng lên 52,2 điểm trong tháng 9, cao nhất ASEAN và so với 45,7 điểm tháng 8, thể hiện xu hướng phục hồi rõ nét của nền kinh tế Việt Nam. Trong đó GDP quý III/2020 đạt 2,62%, đây là cơ sở để nhận định rằng chúng ta Việt Nam có thể tăng trưởng dương trong năm 2020. Đây là cố gắng rất lớn trong bối cảnh các nước ASEAN đều tăng trưởng âm.
“Mục tiêu kép đã được tổ chức thực hiện hết sức nghiêm túc và đạt kết quả tốt”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét.
Tuy nhiên Thủ tướng lưu ý, nhiều lĩnh vực vẫn còn gặp nhiều khó khăn như dịch vụ, hàng không, vận tải. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động là vấn đề cần quan tâm. Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng mức tăng trưởng còn ở mức thấp so với tiềm năng, kỳ vọng được đặt ra đầu năm.
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp và ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “tự lực, tự cường mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển đất nước”.
Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế
Tinh thần như Thủ tướng Chính phủ nêu lên là lạc quan nhưng không chủ quan, khối lượng công việc cần làm trong tháng 10 và trong quý IV sắp tới vẫn còn rất nhiều, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức cần vượt qua, các bất cập, vướng mắc cần xử lý để có thể đạt cao nhất các chỉ tiêu đề ra.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2020, Chính phủ đã dành nhiều thời gian đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01 và 02, tình hình phòng, chống dịch Covid-19.
Cùng đó Chính phủ xem xét, thảo luận công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Báo cáo phân bổ dự toán ngân sách Trung ương năm 2021, tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP về Chính phủ điện tử và một số nội dung khác.
Bên cạnh những vấn đề cấp bách cần làm ngay trong 3 tháng cuối năm, các thành viên Chính phủ còn tập trung thảo luận các định hướng cho năm tới trong bối cảnh tình hình mới.
Bình quân xuất khẩu tháng đã tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2019
Ngay sau khi kết thúc phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ, chiều 2/10/2020, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời, làm rõ nhiều vấn đề được báo chí và dư luận quan tâm.
Liên quan đến câu hỏi Chính phủ có những giải pháp như thế nào để hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp dệt may, da giày… với việc các đơn hàng của doanh nghiệp rất ít, dòng tiền của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất nhiều, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Các doanh nghiệp trên toàn cầu, trong đó doanh nghiệp Việt Nam không phải là ngoại lệ, đều bị ảnh hưởng. Tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả rất đáng khích lệ.
Nhiều vấn đề kinh tế xã hội được làm rõ tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020
Hiện nay, một số ngành chúng ta đang có thế mạnh về xuất khẩu, trong đó có dệt may, da giày. So với các năm trước, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về đơn hàng cho sản xuất. Chính vì vậy, Chính phủ đã có chỉ đạo cho các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất-kinh doanh, quan trọng nhất là mức xuất khẩu.
Thứ nhất, phải hỗ trợ tổ chức khai thác, vận dụng tốt các cơ hội của FDI, các Hiệp định thương mại tự do, tìm các giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới.
Thứ hai, cần tăng cường công tác thông tin, định hướng dịch vụ xuất khẩu. Đây là việc rất quan trọng vì các doanh nghiệp hiện nay trong bối cảnh COVID-19 không thể đi ra nước ngoài. Do đó, thông tin được cung cấp kịp thời, chính xác, phù hợp sẽ giúp cho doanh nghiệp có những đơn hàng thông qua trực tiếp giao dịch trực tuyến, hoặc qua các phương thức khác.
Thứ ba, phải tăng cường công tác xúc tiến thương mại. Mặc dù chúng ta không đi được theo các con đường cũ, truyền thống như tổ chức các đoàn khảo sát từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam nhưng chúng ta đã tổ chức nhiều diễn đàn, giao dịch trực tuyến.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, gỡ bỏ rào cản trong các quy định để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam.
“Tin rằng với sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, 3 tháng cuối năm chúng ta sẽ vượt qua khó khăn, đạt được kết quả tốt hơn không những cho quý IV và năm 2020 mà tạo tiền đề để bước sang năm 2021”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại họp báo Chính phủ tháng 9/2020
Liên quan đến câu hỏi vừa qua, bão số 5 làm khoảng 600 cột điện ở miền Trung bị gãy đổ, Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản có chỉ đạo gì với các đơn vị thành viên làm rõ chất lượng cột điện và có kế hoạch cử đoàn thanh tra về vấn đề này hay không, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói, bão số 5 đổ bộ vào khu vực miền Trung đã gây ra thiệt hại đáng kể đối với nhân dân và cả các cơ sở hạ tầng trong khu vực, trong đó lưới cung cấp điện cũng bị ảnh hưởng và thiệt hại, gây mất điện trên diện rộng, đặc biệt là tại các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Trị.
Theo số lượng mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo cáo thì có tới hơn 300 cột điện trung thế và hạ thế thuộc quản lý vận hành của Tổng công ty Điện lực miền Trung bị đổ gãy do ảnh hưởng của bão. Ngay trong bão và sau khi bão tan, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo và EVN, trực tiếp là Tổng công ty Điện lực miền Trung, đã nỗ lực huy động lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, vật tư để khắc phục sự cố.
“Chỉ trong vòng 3 ngày, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã khắc phục, cấp điện trở lại cho 100% khách hàng, bảo đảm đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng ở trong vùng bị tác động của cơn bão số 5’- Thứ trưởng cho biết.
Liên quan đến chất lượng cột điện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin, cột điện là một phần của công trình lưới điện, được các đơn vị điện lực xây dựng thực hiện trên cơ sở tuân thủ quy định của Luật Xây dựng cũng như Nghị định số 46/2015/NĐ-CP (ngày 12/5/2015) của Chính phủ quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát và nhà thi công, kể cả cung cấp vật liệu sản phẩm, kết cấu, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng.
Về quản lý Nhà nước, Bộ Xây dựng là đơn vị phụ trách và cũng đã rất kịp thời ban hành Công văn số 4777 ngày 2/10/2020 tăng cường công tác quản lý chất lượng cột điện bê công cốt thép li tâm sử dụng trên các công trình đường dây chuyển tải điện trên không, yêu cầu tất cả các công trình có các cột điện bê tông cốt thép li tâm phải lưu ý và có biện pháp kiểm tra để khắc phục tốt nhất những nguy cơ như do cơn bão số 5 gây ra.
Về phía Bộ Công Thương, ở lĩnh vực điện, Bộ đã đã yêu cầu ngành điện và EVN trực tiếp rà soát, phân tích, đánh giá và đề xuất giải pháp tổng thể trong công tác thiết kế, quản lý xây dựng công trình, mua sắm hàng hóa và quản lý vận hành các công trình này.
Cùng với đó cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện và tăng cường kiểm tra, quản lý công tác vận hành, kịp thời phát hiện, xử lý các điểm xung yếu trên lưới điện để bảo đảm an toàn lưới điện. Khẩn trương lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược của ngành điện.
“Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ phối hợp với với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng rà soát tiêu chuẩn, quy chuẩn về tải trọng và tác động – tiêu chuẩn thiết kế lưới điện để xem xét sửa đổi, đặc biệt là vấn đề phân vùng gió theo địa giới hành chính”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Quang Lộc (nguồn: congthuong.vn)