banner2019
 
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Cần tiếp tục giữ ổn định kinh phí công đoàn theo quy định của Pháp luật hiện hành
Cập nhật lúc 10:04 ngày 24/08/2020
Hội thảo “Sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012, chuyên đề Tài chính Công đoàn” do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức diễn ra tại Hà Nội ngày 21/8.
Các đồng chí Nguyễn Đình Khang – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trưởng ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội chủ trì Hội thảo.
Đến dự Hội thảo có các đồng chí Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; đại diện các cơ quan của Đảng, Chính phủ; các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ các Bộ, ban, ngành ở Trung ương; đại diện LĐLĐ TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và  lãnh đạo, CĐCS một số doanh nghiệp lớn.
Luật Công đoàn năm 2012 được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Sau 7 năm triển khai thực hiện, công tác tài chính công đoàn có nhiều chuyển biến tích cực, tập trung thực hiện đổi mới mạnh mẽ công tác tài chính công đoàn, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả. Nhờ đó, Công đoàn Việt Nam đã có một nguồn lực cần thiết để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn, thu hút ngày càng đông đảo người lao động tham gia công đoàn, góp phần quan trọng xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, đóng góp trực tiếp vào các thành tựu kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước.
Thực thi Luật Công đoàn năm 2012, việc quản lý, phân phối nguồn tài chính công đoàn từng bước được công khai, minh bạch và công bằng theo hướng tăng dần cho công đoàn cấp dưới, đặc biệt là công đoàn cơ sở. Từ năm 2012 đến nay, tỉ lệ kinh phí công đoàn phân phối cho công đoàn cơ sở tăng dần từng năm từ 65% lên 70% như hiện nay. Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp công đoàn thường xuyên quan tâm, thực hiện công tác quản lý, chi tiêu đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, đồng thời xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân sai phạm, qua đó nhận được sự đồng thuận của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ.
Thực hiện tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nhận diện và khẳng định cần“tạo điều kiện về nguồn lực đủ mạnh để bảo đảm hiệu quả các hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”. Từ đó cho thấy việc tiếp tục giữ ổn định kinh phí công đoàn theo quy định của pháp luật hiện hành là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực từ 1/1/2021 cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp nên vấn đề sử dụng nguồn kinh phí công đoàn dành cho đoàn viên và người lao động cần phải có những bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn theo quy định của pháp luật mới, trong đó có chia sẻ nguồn kinh phí theo tỷ lệ đoàn viên, người lao động cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh, thời gian qua, với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành nghiên cứu, rà soát, xây dựng và hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật theo đúng yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng các phương án sửa đổi, bổ sung, báo cáo đánh giá tác động của việc sửa đổi, bổ sung, nhằm cung cấp thông tin, củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn, giúp cho các cơ quan có thẩm quyền thẩm tra và Quốc hội có đầy đủ cơ sở để quyết nghị thông qua dự án Luật này.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Công đoàn tập trung vào 3 nhóm nội dung gồm hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy công đoàn và cơ chế quản lý cán bộ công đoàn; hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh mới và hoàn thiện các quy định của pháp luật công đoàn để phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật, nhất là Bộ luật Lao động năm 2019.
Tại Hội thảo này, đồng chí Nguyễn Đình Khang đề nghị đại biểu thảo luận, cho ý kiến về hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn, trong đó tập trung vào một số nội dung. Một là, sửa đổi, bổ sung các quy định về thu tài chính công đoàn. Trong đó sẽ yêu cầu có quy định rõ về miễn, giảm đóng kinh phí công đoàn trong một số trường hợp cụ thể; đề xuất cụ thể chế tài xử lý đủ mạnh đối sai phạm của cá nhân, tổ chức trốn, chậm đóng kinh phí công đoàn; quy định về tiếp nhận tài trợ, đặc biệt là tài trợ từ nước ngoài. Hai là, sửa đổi, bổ sung các quy định về chi kinh phí công đoàn cụ thể cho từng cấp công đoàn, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu; tăng cường giám sát, công khai, minh bạch trong quản lý tài chính, tài sản công đoàn. Ba là, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý tài sản công đoàn. Theo đó, việc quản lý, sử dụng tài sản công đoàn chặt chẽ hơn; việc đầu tư mua sắm tài sản công đoàn thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định pháp luật khác.
Minh Ngọc (nguồn: congdoan.vn)