Luật Lao động 2019 đã bổ sung vào danh mục các hành vi có thể khiến người lao động bị sa thải. Đó là hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động.
Trước đó, Luật Lao động 2012 quy định hình thức sa thải được áp dụng trong 11 trường hợp, sau:
Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;
Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm; Người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm mà không có lý do chính đáng.
Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2021, Điều 125 của Luật Lao động 2019 đã bổ sung thêm 1 trường hợp sa thải, đó là: Quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động.
Trong đó, một trong những điều kiện của hình thức này gồm có việc người sử dụng lao động phải xây dựng được nội dung làm việc và ghi rõ quy định kỷ luật là sa thải nếu quấy rối tình dục tại nơi làm việc để làm căn cứ xử lý nếu có hành vi phát sinh.
Bên cạnh đó, hành vi quấy rối tình dục cũng được Luật Lao động 2021 nêu cụ thể hơn so với trước đây.
Theo Khoản 9, Điều 3 Luật Lao động 2019, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.
Theo Luật Lao động 2019, hình thức xử lý kỷ luật người lao động, gồm: Khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng, cách chức, sa thải.
Đồng thời, trong thời gian xử lý kỷ luật người lao động, Luật Lao động 2019 cũng cấm các hành vi: Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động; Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động; Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.
Nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động Theo Điều 122, Luật Lao động 2019, việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau: Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động; Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên; Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trường hợp là người chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật... Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây: Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động; Đang bị tạm giữ, tạm giam; Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 của Bộ Luật Lao động 2019. Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình... |
Dương Tuấn (nguồn Dân trí)