banner2019
 
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Phê chuẩn EVFTA đúng thời điểm, tạo đà khôi phục kinh tế
Cập nhật lúc 08:11 ngày 20/05/2020
Một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp thứ 9 là Quốc hội thông qua Hiệp định EVFTA. Sau khi được Quốc hội phê chuẩn và đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là “cú hích” lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Đây cũng là một động lực, một “cú hích” đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hậu dịch COVID-19.
 Phê chuẩn EVFTA đúng thời điểm 
Về những hiệu quả mà EVFTA tác động lên kinh tế Việt Nam, chia sẻ với Báo Lao Động, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá: “EVFTA được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến việc thực hiện hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, nhất là các chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, tỉ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu và tỉ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP. Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng thêm khoảng 20% và kim ngạch nhập khẩu từ EU tăng khoảng 15,28% trong năm 2020 so với khi không có Hiệp định; GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18%-3,25% trong giai đoạn 2019-2023, tăng việc làm khoảng 146.000 lao động mỗi năm…”.
Một cơ sở chế biến thủy sản của tỉnh Đồng Tháp
Theo ông Thanh, EVFTA điều chỉnh nhiều vấn đề về mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư và mua sắm của các cơ quan chính phủ. Qua đó, sẽ thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
“Trong bối cảnh hiện nay với các tranh chấp thương mại cũng như tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ chịu tác động không nhỏ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng thời cũng bộc lộ rõ hơn các hạn chế, yếu kém của nền kinh tế như vấn đề phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường; việc nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu đầu vào, nhất là cho một số ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam; quy tắc xuất xứ…
Do vậy, việc triển khai hiệu quả EVFTA cũng là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước ưu tiên đầu tư đổi mới công nghệ nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng, năng suất, chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của EU và nâng cao năng lực quản trị, điều hành của doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế tốt. Điều này có ý nghĩa quyết định đối với khả năng tiếp cận thị trường, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nước ta tại thị trường EU, cũng như các thị trường xuất khẩu khác, tránh quá lệ thuộc vào một vài đối tác thương mại lớn. Đồng thời, quan tâm quy tắc xuất xứ hàng hóa để được hưởng lợi nhiều hơn khi tham gia, chủ động phát triển nguyên vật liệu thay thế hàng nhập khẩu, tránh bị lợi dụng làm trạm trung chuyển hàng hóa đi các nước khác” - ông Thanh cho hay.
Trong bối cảnh Quốc hội chuẩn bị phê chuẩn EVFTA và IPA, tình hình xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam cũng đang có những tín hiệu đáng mừng. Mặc dù tác động của dịch COVID-19, tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 3,4%; trong đó xuất khẩu tăng 4,7%; nhập khẩu tăng 2,1%. Xuất siêu trên 3 tỉ USD.
Các chuyên gia kỳ vọng, Việc EVFTA có hiệu lực vào tháng 7 tới, kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, đặc biệt với những ngành hàng Việt Nam có thế mạnh như dệt may, giày dép, nông thủy sản...
Việc Việt Nam phê chuẩn EVFTA vào thời điểm này là phù hợp và đúng thời điểm, tạo đà cho việc phục hồi kinh tế trong nước sau đại dịch COVID-19. Đặc biệt, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp thúc đẩy quan hệ thương mại song phương Việt Nam và EU một cách toàn diện và sâu sắc hơn. Các cam kết giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU sẽ là lợi thế rất lớn của doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hậu dịch bệnh để khai thác thị trường 18.000 tỉ USD.
Theo tính toán, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.
Theo đó, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU được kỳ vọng sẽ có những tác động tích cực, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu nhiều ngành hàng lớn đang chịu ảnh hưởng kép từ dịch COVID-19.
Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, Hiệp định EVFTA còn được khẳng định là cứu cánh mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng trong giai đoạn khó khăn này. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới thay thế cho những chuối cung ứng cũ vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ tại các thị trường truyền thống do dịch COVID-19  thời gian vừa qua. Đây là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp khôi phục và thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh.
Chuẩn bị tốt bằng việc rà soát các Luật
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh: Để chuẩn bị cho việc tiếp cận và triển khai EVFTA, Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành có liên quan đã sớm triển khai nhiều công việc. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), phê chuẩn Công ước 98 của ILO (về quyền tổ chức và thương lượng tập thể) và đang trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi) và các luật khác có liên quan, tập trung vào rà soát, sửa đổi để phù hợp với cam kết của Việt Nam tại EVFTA, cũng như CPTPP và các cam kết quốc tế khác.
Tại kỳ họp Quốc hội tới, Quốc hội sẽ thảo luận về 10 dự án luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Bên cạnh đó, ngoài Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) Quốc hội còn xem xét, thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Đây cũng được coi là những bước để phù hợp với những điều kiện khi tham gia các Hiệp định quốc tế đặc biệt là các Luật liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp.
Trong nhiều kỳ vọng mà cử tri đặt vào kỳ họp Quốc hội lần thứ 9 tới đây, đó chính là Quốc hội sẽ bàn thảo nhiều hơn, kỹ hơn nhằm phát triển, đảm bảo tăng trưởng kinh tế sau dịch mà EVFTA chính là một động lực để thúc đẩy xuất khẩu nói riêng và khôi phục kinh tế Việt Nam hậu dịch COVID-19. 
(Nguồn: laodong.vn)