banner2019
 
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Người dân được giải đáp thỏa đáng về tiền điện và giảm giá điện
Cập nhật lúc 10:57 ngày 07/05/2020
Hàng trăm câu hỏi về các vấn đề liên quan đến giá điện, hóa đơn tiền điện sinh hoạt tăng... trong 3 tháng đầu năm 2020 được gửi tới buổi tọa đàm trực tuyến “Đối thoại với người dân về giá điện, tiền điện” đã được đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) và Tổng công ty Điện lực miền Nam trả lời thỏa đáng.
Cả nước có khoảng 86% hộ gia đình sử dụng dưới 300 kWh
Liên quan đến câu hỏi của bạn đọc về mức hỗ trợ tiền điện sinh hoạt trong 3 tháng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - cho biết, Bộ Công Thương đã sớm có đề xuất chính sách hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện trên cả nước bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời hạn 3 tháng. Uớc tính tổng số tiền điện hỗ trợ giảm cho các khách hàng sử dụng điện là khoảng 11.000 tỷ đồng.
Theo đó, các khách hàng sản xuất và kinh doanh: Giảm giá điện ở tất cả các khung giá giờ cao điểm, giờ bình thường và giờ thấp điểm với mức giảm 10% so với đơn giá tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về điều chỉnh mức giá bán lẻ bình quân và qui định giá bán điện (Quyết định số 648/QĐ-BCT).
Đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, mỗi khách hàng sẽ được giảm 10% so với đơn giá lẻ điện tại Quyết định số 648/QĐ-BCT đối với các bậc thang giá điện sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4 (dưới 300 kWh tháng (các bậc còn lại 5, 6 giữ nguyên giá bán theo quy định).
Khách hàng là các cơ sở lưu trú du lịch: điều chỉnh giá điện giảm từ mức giá điện áp dụng cho khách hàng kinh doanh dịch vụ nay xuống bằng mức giá điện áp dụng cho các hộ sản xuất.
Cụ thể, các DN sản xuất và kinh doanh được hỗ trợ giảm khoảng 6.100 tỷ đồng, các hộ sinh hoạt được hỗ trợ giảm khoảng 2.900 tỷ đồng, các cơ sở lưu trú du lịch được hỗ trợ giảm khoảng 1.800 tỷ đồng. Cùng với gói hỗ trợ an sinh của Chính phủ, việc hỗ trợ tiền điện này sẽ giúp đỡ phần nào khó khăn cho người dân ngay trong mùa dịch.
Đối với ý kiến cho rằng, định mức những hộ sử dụng điện từ 300 kWh/tháng được giảm 10% là quá khiêm tốn so với tình hình hiện nay, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết căn cứ vào thống kê sử dụng điện bình quân người/tháng của Việt Nam.
Nhân viên Tổng công ty Điện lực miền Nam giải thích lý do hóa đơn tiền điện tăng trong tháng 4/2020 với khách hàng
Với câu hỏi mức ghép 2 bậc đầu đối với giá điện sinh hoạt đã phù hợp của người dân hiện nay chưa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, theo thống kê gần nhất, trung bình sử dụng điện của một hộ dân hiện nay là khoảng trên 180 kWh/tháng. Như vậy, chúng ta có khoảng 86% hộ sử dụng dưới 300 kWh. Thiết kế biểu giá điện bậc thang làm sao phù hợp với đa số người dân sử dụng điện trên cả nước là mục tiêu của ngành điện.
“Định kỳ hàng năm, Cục Điều tiết điện lực sẽ kiểm tra, rà soát lại thực tế sử dụng điện. Rõ ràng, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, các thiết bị điện trong nhà ngày càng nhiều lên, thì mức độ sử dụng điện không những ở thành thị mà cả nông thôn cũng tăng lên. Vì vậy, sau một quãng thời gian chúng tôi phải kiểm tra rà soát, điều chỉnh làm sao cho phù hợp nhất so với thực tế sử dụng điện của người dân” - ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.
Đối với ý kiến thắc mắc về kỳ hóa đơn điện tháng 4 vừa qua (tính tiền điện cho tháng 3) đã tăng 15% mà chưa nhận thấy mức giảm giá 10% theo chủ trương hỗ trợ tiền điện trong dịch Covid-19 của Chính phủ, ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, tổng số thời gian khách hàng được hỗ trợ giảm giá điện và giảm tiền điện là 3 tháng. Chu kỳ áp dụng tính tiền điện hỗ trợ các hộ dân bắt đầu trong các tháng 4, tháng 5 và tháng 6/2020. Do đó, người dân sẽ được thực hiện giảm giá tương ứng tại các kỳ hóa đơn tiền điện tháng 5, tháng 6 và tháng 7/2020.
Năng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao
Một bạn đọc ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa thỏa mãn với việc tăng giá tiền điện và cần phải phúc tra, quy trình tiếp nhận khiếu nại của ngành điện, ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam - cho biết, trong thời gian qua, nhất là vào mùa cao điểm nắng nóng rất nhiều khách hàng khiếu nại vì sao hóa đơn tháng sau lại tăng hơn hóa đơn tháng trước. Tổng công ty đã chỉ đạo cho các công ty điện lực trực thuộc, sau khi nhận được ý kiến thắc mắc của khách hàng sẽ tìm hiểu và giải thích cho khách hàng trong vòng 24h.
“Kỳ hóa đơn tháng 4 (sử dụng điện trong tháng 3) có số ngày sử dụng điện nhiều hơn 2 ngày so với kỳ hóa đơn tháng 3 (sử dụng điện trong tháng 2), riêng chênh lệch 2 ngày đó chiếm khoảng 7%, đây cũng là nguyên nhân lượng điện năng tiêu thụ của kỳ hóa đơn này tăng nhiều so với kỳ hóa đơn trước” - ông Nguyễn Văn Lý giải thích.
Bên cạnh đó, tháng 4 nhiệt độ tăng cao, lượng điện tiêu thụ cao hơn 11% so với tháng 3. Như vậy, là nắng nóng nên người dân sử dụng các thiết bị làm mát nhiều hơn. Bản thân các thiết bị làm mát cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng, nên càng tốn nhiều điện hơn.
Đáng chú ý, từ đầu năm nay, do dịch Covid-19, học sinh nghỉ học dài ngày, người dân ở nhà phòng dịch ngay trong thời gian nắng nóng, nên sử dụng điện trong sinh hoạt tăng mạnh hơn, nhất là trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. “Trong tháng 4 chúng tôi đã giải thích hơn 40 khiếu nại như vậy và đại đa số các hộ dân đều thỏa mãn và thấy chính xác” - ông Nguyễn Văn Lý khẳng định.
Theo tính toán của EVN, khi nhiệt độ ngoài trời tăng lên 1 độ, mức tiêu thụ điện năng sinh hoạt sẽ tăng từ 2 - 3% tùy từng loại điều hòa người dân sử dụng. Nếu nhiệt độ tăng khoảng 5 độ thì điện năng tiêu thụ tăng khoảng 10%. Hơn nữa hiện nay, khi cả nước đang bước vào cao điểm nắng nóng, do vậy, ngành điện cũng đã có nhiều cảnh báo và khuyến nghị về việc sử dụng điện của các hộ gia đình, tránh trường hợp hóa đơn tiền điện phát sinh tăng cao đột biến.
Do đó, ngành điện khuyến cáo người dân cần tăng cường thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, qua đó giảm chi phí tiền điện cũng như góp phần cho việc vận hành ổn định nguồn điện cấp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Minh Khuê (nguồn: congthuong.vn)