banner2019
 
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Từ 1-7-2020, thêm hình thức kỷ luật công chức
Cập nhật lúc 10:05 ngày 15/04/2020
Ngoài 6 hình thức kỷ luật hiện nay, từ ngày 1-7-2020 khi Nghị quyết 26-NQ/TW có hiệu lực sẽ bổ sung thêm một hình thức kỷ luật công chức là xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu.
Khi vi phạm quy định của pháp luật, công chức sẽ bị xử lý kỷ luật với các hình thức kỷ luật của Luật Cán bộ, công chức.
Những hành vi vi phạm sẽ bị kỷ luật
Theo quy định tại điều 3 Nghị định 34/2011/NĐ-CP, Chính phủ quy định các hành vi công chức sẽ bị xử lý kỷ luật gồm: Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ, đạo đức và văn hóa giao tiếp của công chức khi thi hành công vụ, những việc công chức không được làm liên quan đến đạo đức, công vụ; Liên quan đến bí mật Nhà nước; Bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật…
Khi vi phạm quy định của pháp luật, công chức sẽ bị xử lý kỷ luật với các hình thức kỷ luật của Luật Cán bộ, công chức
Theo đó, điều 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 Nghị định 34 đã quy định cụ thể từng hành vi vi phạm bị áp dụng hình thức kỷ luật:
1. Khiển trách các hành vi vi phạm: Có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ; Không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng; Gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 3 đến dưới 5 ngày làm việc trong một tháng; Sử dụng tài sản công trái pháp luật; Xác nhận giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện; Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công tác.
2. Cảnh cáo hành vi vi phạm: Cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện; Sử dụng thông tin, tài liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị để vụ lợi; Không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền; Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tham gia đào tạo, bồi dưỡng; được dự thi nâng ngạch công chức; Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 5 đến dưới 7 ngày làm việc trong một tháng; Sử dụng trái phép chất ma túy bị cơ quan công an thông báo về cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức đang công tác; Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng đã thành khẩn kiểm điểm trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật.
3. Hạ bậc lương các hành vi vi phạm: Không thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao mà không có lý do chính đáng, gây ảnh hưởng đến công việc chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Lợi dụng vị trí công tác, cố ý làm trái pháp luật với mục đích vụ lợi; Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.
4. Giáng chức các hành vi vi phạm: Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng đã thành khẩn kiểm điểm trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật; Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn.
5. Cách chức các hành vi vi phạm: Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ; Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng; Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ; Vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.
6. Buộc thôi việc với các hành vi vi phạm: Bị phạt tù mà không được hưởng án treo; Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị; Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền; Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 7 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được cơ quan sử dụng công chức thông báo bằng văn bản 3 lần liên tiếp; Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.
Như vậy, theo quy định hiện hành, nếu vi phạm những điều đã nêu ở trên, tùy vào mức độ, tính chất của hành vi vi phạm mà công chức sẽ bị kỷ luật bằng các hình thức phù hợp.
Xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm
Theo quy định tại điều 79 Luật Cán bộ, công chức, công chức sẽ bị kỷ luật bằng 6 hình thức: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc. Trong đó, việc giáng chức, cách chức chỉ được áp dụng với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Từ ngày 1-7-2020, sẽ có thêm hình thức kỷ luật công chức là xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu
Khi Luật này được sửa đổi, bổ sung vẫn giữ nguyên 6 hình thức kỷ luật nêu trên. Tuy nhiên, bổ sung thêm quy định "hình thức hạ bậc lương chỉ áp dụng với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý".
Đặc biệt, một trong những điểm mới nổi bật của Luật sửa đổi, bổ sung 2019 so với quy định hiện nay là bổ sung hình thức kỷ luật người đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm trong thời gian công tác.
Cụ thể, khoản 18, điều 1 Luật sửa đổi nêu rõ, tùy vào tính chất, mức độ mà công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu vi phạm trong thời gian công tác sẽ phải chịu một trong các hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng.
Điều này có nghĩa là, Luật sửa đổi đã bổ sung thêm hình thức kỷ luật "xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm" với công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có vi phạm trong thời gian công tác. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng cũng như tinh thần của Nghị quyết 26-NQ/TWlà xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức, ngay cả khi đã chuyển công tác và nghỉ hưu vẫn có thể bị xử lý kỷ luật.
Ngoài ra, hiện nay, Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức nhằm thống nhất quy định với Luật Cán bộ, công chức sửa đổi. Theo đó, để hướng dẫn hình thức kỷ luật công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, dự thảo có nhiều quy định nổi bật như: Xử lý kỷ luật người đã nghỉ việc, nghỉ hưu sau khi có quyết định xử lý kỷ luật Đảng; Không phải thành lập Hội đồng kỷ luật khi xử lý kỷ luật người đã nghỉ việc, nghỉ hưu; Được dùng kết luận của cấp ủy, tổ chức Đảng hoặc kết luận của cơ quan Nhà nước về hành vi vi phạm của người đã nghỉ việc, nghỉ hưu để kỷ luật mà không cần điều tra, xác minh lại…
Ngoài 6 hình thức kỷ luật hiện nay là khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc, từ 1-7-2020 sẽ bổ sung thêm một hình thức kỷ luật công chức nữa là xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu.
So với hiện nay, từ 1-7-2020, các quy định về kỷ luật công chức càng phù hợp với thực tiễn hơn đồng thời cũng chính thức chấm dứt suy nghĩ "hạ cánh an toàn" của một bộ phận không nhỏ công chức hiện nay.
H.Lê (nguồn: nld.com.vn)