Hàng loạt gói hỗ trợ bao gồm hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ cho vay lãi suất 0 đồng được cho là “lớn chưa từng thấy” đã được Chính phủ bàn thảo và triển khai trong thời gian tới. Tổng gói hỗ trợ này từ ngân sách nhà nước lên tới hơn 61.500 tỉ đồng.
Có bao nhiêu gói hỗ trợ?
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.2020, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Về nội dung hỗ trợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin có các gói hỗ trợ: Hỗ trợ thêm, hỗ trợ hộ nghèo, hỗ trợ cho đối tượng bị hoãn hợp đồng, nghỉ không lương, hỗ trợ cho hộ kinh doanh cá thể, hỗ trợ cho lao động bị mất việc nhưng không có bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ lãi suất 0 đồng, ngừng đóng quỹ và tử tuất, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng…
Cụ thể, gói hỗ trợ thêm (ngoài mức trợ cấp thường xuyên) 500.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các đối tượng là người có công với cách mạng (1,135 triệu người) đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 6.470 tỉ đồng, tổng số người được hỗ trợ 4,315 triệu người.
Hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các đối tượng là hộ nghèo (984.000 hộ), hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31 tháng 12 năm 2019. Dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 6.730 tỉ, tổng số hộ được hỗ trợ 2.244.000 hộ.
Hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp. Dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 5.400 tỉ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ 1 triệu lao động.
Hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho đối tượng là hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27.3.2020 của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 2.280 tỉ đồng, tổng số hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ 760.000 hộ.
Hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 - 6.2020 cho các đối tượng là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm. Dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 15.000 tỉ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ là 5 triệu lao động.
Người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động (dự kiến số tiền cho vay là 16.200 tỉ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ 3 triệu lao động).
Trường hợp đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 2 chính sách hỗ trợ trở lên tại Nghị quyết này thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất.
Bên cạnh đó, có 02 chính sách hỗ trợ đặc thù và cho áp dụng quy trình đơn giản hóa tạo điều kiện người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Cụ thể, người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian tối đa không quá 12 tháng khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 50% số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội trở lên (kể cả lao động ngừng việc). Dự kiến số tiền được tạm dừng khoảng 6.500 tỉ đồng.
Cho phép người sử dụng lao động được hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động theo quy định của Luật Việc làm. Thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng, mức hỗ trợ tối đa là 1.000.000 đồng/người/tháng. Dự kiến số tiền được hỗ trợ là 3.000 tỉ đồng.
Những đối tượng nào được hỗ trợ?
Về các nội dung hỗ trợ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ thống nhất cao với nội dung dự thảo Nghị quyết, đồng thời nhấn mạnh đến nguyên tắc hỗ trợ là: Chỉ hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập; mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19 gây ra.
Không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng; bảo đảm nguyên tắc chia sẻ khó khăn, nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm, trong đó Chính phủ chỉ hỗ trợ một phần với mức phù hợp với khả năng nguồn lực.
Trước đó, chủ trì họp Thường trực Chính phủ về chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Thủ tướng nêu rõ, tình thế cấp bách hiện nay đòi hỏi chúng ta trước mắt phải lo cuộc sống cho nhân dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, người làm bán thời gian, người mất việc làm, thu nhập để bảo đảm đời sống ở mức cơ bản tối thiểu.
Thủ tướng cho rằng, cần trả lời 3 câu hỏi, trước hết là xác định rõ đối tượng, ai cần hỗ trợ. Thủ tướng yêu cầu phải đủ 5 nhóm đối tượng: Người nghèo và cận nghèo; đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội; người lao động theo hợp đồng phải tạm thời ngưng việc; hộ kinh doanh cá thể ngừng hoạt động; người lao động tự do mất việc. Nguyên tắc đặt ra là chỉ hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, không bỏ sót đối tượng và cũng không được để lợi dụng chính sách để hỗ trợ tràn lan.
Minh bạch, công khai để người hưởng đúng, hưởng đủ, hưởng nhanh nhất Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết: Về nguồn tiền, các gói hỗ trợ này tập trung chủ yếu với nguồn tiền từ ngân sách. Với địa phương có nguồn ngân sách chuyển về trung ương trên 50% thì tự cân đối. Miền núi thì ngân sách trung ương hỗ trợ 70%, địa phương 30%. Tổng số hơn 61.500 tỉ đồng sẽ hỗ trợ 20 triệu đối tượng. Phải làm sao thực hiện nghị quyết chi đúng, minh bạch, công khai để người hưởng đúng, hưởng đủ, hưởng nhanh nhất. Đối với người có công, hộ nghèo có danh sách thì trực tiếp giao cho các địa phương trực tiếp chuyển tiền. các đối tượng khác. Các đối tượng khác thì rà soát kỹ, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm. Trên cơ sở đó công khai minh bạch trong dân để Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể giám sát, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi. Lê Phương |
Minh Bằng (nguồn: laodong.vn)