Chiều 23/3, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong 10- 15 ngày tới sẽ quyết định thất bại hay thành công trong chống dịch của nước ta. Do đó, cả hệ thống chính trị cần quyết liệt hơn.
Xử lý nghiêm các trường hợp không cách ly, không khai báo theo quy định
Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo tin vui là cuộc vận động hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 đến nay đã nhận được 305 tỷ đồng do các tổ chức, cá nhân ủng hộ cả về tiền và hiện vật, trong đó, riêng nhắn tin ủng hộ qua số 1407 là 60 tỷ đồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ xuất nhập cảnh, cách ly tập trung đúng quy định, không để dịch bệnh lây ra cộng đồng
“Đây là sự nghiệp của toàn dân, nhân dân ủng hộ chúng ta rất nhiều, kể cả doanh nghiệp hiện nay gặp khó khăn cũng chung tay, chung sức để bảo vệ sức khỏe nhân dân” - Thủ tướng đánh giá.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, trong 10 đến 15 ngày tới sẽ quyết định thất bại hay thành công trong chống dịch Covid-19, do đó, các cấp, các ngành, hệ thống chính trị cần quyết liệt, chặt chẽ hơn, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Nêu rõ phải đảm bảo 3 vòng chống dịch, Thủ tướng nêu rõ, cần “Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ xuất nhập cảnh một cách quyết liệt, cả đường bộ, đường thủy, hàng không, đường sắt; tiếp tục cách ly tập trung đúng quy định quyết liệt dù tốn kém; có phương thức cách ly đặc biệt tại gia đình hoặc khu vực giám sát của ngành y tế với quy trình chặt chẽ, không để lây ra cộng đồng”.
Về các biện pháp cấp bách, tạm thời trong lúc dịch sang giai đoạn mới, Thủ tướng nêu rõ, sự đồng lòng, chung tay vào cuộc, sự nghiêm túc, quyết liệt trong phòng chống, đặc biệt là sự phối hợp trong nhân dân, trong từng đường phố, từng chung cư, từng ngôi nhà và người dân rất quan trọng.
Thủ tướng cũng chỉ đạo, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, yêu cầu cung cấp thông tin về các trường hợp đi từ nước ngoài về từ ngày 8/3/2020 để xác định đối tượng tiếp xúc gần nhằm phân loại, xét nghiệm, cách ly.
Đối với công tác mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch, Thủ tướng giao Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 xem xét, xử lý việc mua sắm với tinh thần công khai, minh bạch, kịp thời, làm nhanh nhưng chống tham ô, tham nhũng. Đồng thời Chính phủ đồng ý mở rộng xã hội hóa, đóng góp tự nguyện trong điều kiện cách ly tập trung.
Đối với công tác mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch, Thủ tướng giao Ban chỉ đạo xem xét, xử lý việc mua sắm với tinh thần công khai, minh bạch, kịp thời, làm nhanh nhưng chống tham ô, tham nhũng. Cùng đó, Bộ Y tế nhanh chóng có các phương án mua, sử dụng các loại test xét nghiệm kịp thời hơn, báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo và khẩn trương triển khai xét nghiệm nhanh tại các khu cách ly, tại cộng đồng để sàng lọc người nhiễm Covid-19, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm.
“Nếu máy xét nghiệm và test kit xét nghiệm trong nước bảo đảm chất lượng thì tập trung mua sản phẩm trong nước phục vụ công tác phòng chống dịch” – Người đứng đầu Chính phủ nói và nêu rõ: “Việt Nam kiên trì nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch” và “Sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không cách ly, không khai báo và nếu gây hậu quả thì sẽ xử lý hình sự”.
Đủ khẩu trang vải phục vụ nhu cầu trong nước và có thể xuất khẩu
Tại cuộc họp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình sản xuất, cung ứng khẩu trang vải kháng khuẩn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện các doanh nghiệp đã bắt đầu sản xuất loại khẩu trang vải kháng giọt bắn và kháng khuẩn.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Các doanh nghiệp khẳng định sẽ đảm bảo số lượng, chất lượng khẩu trang không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu sang các quốc gia khác
“Trước đó, các doanh nghiệp không phải không sản xuất được loại khẩu trang này mà đến ngày 12/3/2020, Bộ Y tế mới ban hành Quyết định số 870/QĐ-BYT về việc hướng dẫn kỹ thuật tạm thời cho khẩu trang vải kháng giọt bắn và kháng khuẩn"– Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải báo cáo và cho biết thêm, đến ngày 16/3, các doanh nghiệp mới bắt đầu sản xuất theo quy định mới và đến nay, theo báo cáo của Tập đoàn Dệt may Việt Nam thì đến hết tháng 3 có thể sản xuất được khoảng 60 triệu khẩu trang theo tiêu chuẩn nói trên của Bộ Y tế.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, theo tính toán trong nửa đầu tháng 4/2020, các doanh nghiệp khẳng định sẽ đảm bảo số lượng, chất lượng khẩu trang không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu sang các quốc gia khác.
Thứ trưởng Hải cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để có chính sách ký đơn đặt hàng sản xuất khẩu trang với các doanh nghiệp. Do đó, thời điểm này, các doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng sớm ký kết các hợp đồng với doanh nghiệp để có cơ sở tổ chức sản xuất, cung ứng sản phẩm.
Nêu đề nghị với Chính phủ, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, theo quy định hiện không được phép xuất khẩu khẩu trang y tế, tuy nhiên với loại khẩu trang vải theo tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 870/QĐ-BYT, cần có quy định, hướng dẫn cụ thể để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu.
Hoàng Châu (nguồn: congthuong.vn)