Tổng LĐLĐVN tổ chức Hội nghị đánh giá các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2020
Với sự chuẩn bị chu đáo, vào cuộc tích cực, chủ động của tổ chức công đoàn, cùng với sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, sự phối hợp hiệu quả các cấp ủy và chính quyền các cấp, sự đồng hành, hỗ trợ tich cực của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, hoạt động chăm lo Tết cho đã đạt được những kết quả quan trọng, thiết thực, qua đó giúp hàng triệu NLĐ, nhất là những người có hoàn cảnh khó được động viên, đón nhận hỗ trợ vật chất và tinh thần trong dịp Tết Nguyên đán, góp phần ổn định tình hình quan hệ lao động nói chung, trong dịp Tết nói riêng. Thông qua hoạt động này, thể hiện mạnh mẽ vai trò, vị thế và tiếp tục khẳng định sự đổi mới, thực chất, đi vào chiều sâu, hướng mạnh về cơ sở và NLĐ của tổ chức công đoàn, từ đó, củng cố lòng tin của đông đảo đoàn viên, NLĐ và xã hội đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Ngày 20.1, Tổng LĐLĐVN tổ chức Hội nghị đánh giá các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2020 với ự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đình Khang, ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Cùng dự có các đồng chí: Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực TLĐ; các đồng chí Phó Chủ tịch: Ngọ Duy Hiểu, Phan Văn Anh.
Thưởng Tết có sự khác biệt lớn giữa các ngành nghề
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, thực hiện Nghị định số 90/2019/NĐ-CP, hầu hết CĐCS đã tích cực phối hợp với người sử dụng lao động (NSDLĐ) xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng. Trong quá trình tham gia xây dựng phương án, đã chú trọng để doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc ban đêm, làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến 15/01, đã có khoảng 70% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tiến hành xong việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu.Một số doanh nghiệp tuy chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu của doanh nghiệp theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP nhưng lương thực trả cho NLĐ đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Nghị định. Nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục điều chỉnh lương sau Tết Nguyên đán.
Về thưởng Tết Nguyên đán, theo tổng hợp tình hình, 100% doanh nghiệp báo cáo dự kiến có thưởng Tết Nguyên đán với mức bình quân khoảng 6,5 triệu đồng/người, tăng khoảng 6% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán 2019. Trong đó: doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thưởng bình quân 6 triệu đồng/người; doanh nghiệp dân doanh bình quân 6,3 triệu đồng/người; doanh nghiệp FDI bình quân 6,9 triệu đồng/người.
Mức thưởng có sự khác biệt lớn giữa các ngành, nghề. Mức thưởng cao tập trung trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tốt trong năm 2019 như điện tử, ngân hàng, dịch vụ tài chính, kế toán, bất động sản… Các ngành nghề giá trị gia tăng thấp, gia công là chủ yếu, gặp khó khăn thì mức thưởng không cao, có một số doanh nghiệp mức thưởng chỉ khoảng 200.000 đồng/người.
Bên cạnh hình thức thưởng bằng tiền mặt, các doanh nghiệp tùy tình hình sản xuất kinh doanh còn thực hiện thưởng bằng các hình thức khác như: hiện vật, hàng hóa, phiếu mua hàng siêu thị, các chuyến tham quan, du lịch trong và ngoài nước, cổ phiếu hoặc sản phẩm của chính doanh nghiệp sản xuất.... Ngoài ra, vẫn còn có một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khó khăn không có thưởng tết cho NLĐ.
Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tiếp tục còn doanh nghiệp nợ tiền lương, không nộp BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. Tại các DN này, công đoàn đã tích cực, chủ động đề xuất giải pháp tham gia cùng các cơ quan chức năng giải quyết quyền lợi của NLĐ. Một số doanh nghiệp đã cam kết trả một phần nợ lương trước Tết và có lộ trình trả hết sau Tết.
Công đoàn góp phần mang niềm vui Tết cho NLĐ
Trong dịp Tết Nguyên đán, các cấp công đoàn đã chủ động phối hợp với chính quyền, cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng, thiết thực, cụ thể, nhằm triển khai thực hiện "Chương trình phúc lợi cho đoàn viên và người lao động". Các hoạt động chủ yếu gồm: thăm, tặng quà, chúc Tết công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn, có thành tích trong sản xuất, công tác; tặng vé xe, vé tàu, vé máy bay về quê ăn Tết; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian, bốc thăm trúng thưởng; mở các gian hàng bán giảm giá, bán giá 0 đồng; tặng nhà Mái ấm công đoàn…Nhiều đơn vị lồng ghép tôn vinh, biểu dương đảng viên, cấp ủy viên là công nhân lao động; tuyên truyền về Đảng và tổ chức Công đoàn.
Việc tổ chức chăm lo đã gắn với tình hình nắm và xử lý các vấn đề về quan hệ lao động; quan tâm tuyên truyền về tổ chức Công đoàn Việt Nam để đoàn viên, người lao động thêm tin yêu, gắn bó với tổ chức công đoàn. Đã có hàng chục ngàn Chương trình “Tết sum vầy- Mừng xuân, ơn Đảng”, nhiều chương trình gắn với tổ chức “Ngày hội công nhân – Phiên chợ nghĩa tình” được tổ chức ở các cấp công đoàn trên phạm vi toàn quốc, hàng triệu công nhân lao động được thụ hưởng các hoạt động chăm lo Tết cả về vật chất và tinh thần của tổ chức Công đoàn. Cùng với hoạt động tặng quà, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương đã tham dự hoạt động Tết Sum vầy, Chương trình “Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình” do các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố và công đoàn ngành Trung ương, tổng công ty tổ chức.
Theo thống kê ban đầu, đến nay có 10.302.443 lượt đoàn viên, người lao động được hỗ trợ Tết với tổng số tiền trên 3.039 tỷ đồng (tăng 5.697.163 lượt người, bằng 223% so với năm 2019). Trong đó: 232.285 đoàn viên, người lao động được hỗ trợ vé tàu, xe với số tiền trên 93 tỷ đồng; 9.807.493 lượt đoàn viên, người lao động được tặng quà Tết, tăng 5.661.076 lượt đoàn viên, NLĐ với số tiền gần 2.816 tỷ đồng (trong đó số đoàn viên và NLĐ được tặng quà bằng tiền mặt là 4.834.275 người với số tiền gần 1.724 tỷ đồng; số đoàn viên và người lao động được tặng quà bằng hiện vật là 4.973.2178 người với số tiền là trên 1.091 tỷ đồng). Các cấp Công đoàn trao tặng 1.626 nhà “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 95,2 tỷ đồng (tăng 1.408 nhà và trên 70,5 tỷ đồng so với năm 2019).
Việc chăm lo Tết cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, lao động đặc thù, lao động nữ mang thai được các cấp CĐ quan tâm đắc biệt trong quá trình giải quyết lương, thưởng, các chế độ BHXH, BHYT, BHTN. Trong 21 DN đang phá sản, chủ bỏ trốn, nợ lương, các Liên đoàn Lao động đã trích kinh phí trợ cấp 366,5tr/1.066 NLĐ, các suất quà trợ cấp từ 500.000 đ – 1.000.000đ/người lao động. Tổng số tiền trao quà Tết cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn là: 1.723 tỷ đồng/ 4.779.054 người.
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu, những điểm nhấn trong chăm lo Tết cho đoàn viên, CNLĐ năm nay là: Công tác xã hội hóa và huy động nguồn lực được chỉ đạo quyết liệt, mang lại kết quả hết sức tích cực. Số người được thụ hưởng, giá trị phần quà và tổng số tiền, quà đều tăng mạnh. Từ sự vận động của tổ chức Công đoàn, công tác chăm lo Tết cho NLĐ đã có sức lan tỏa sâu rộng, đều khắp ở các cấp, được các cấp chính quyền, doanh nghiệp và toàn xã hội. Cùng với đó, Tết Sum vầy được tổ chức với chủ đề Mừng xuân, ơn Đảng, gắn với hoạt động Ngày hội công nhân-Phiên chợ nghĩa tình mang lại hiệu ứng cao, thu hút đông đảo người lao động tham gia, có tác dụng tuyên truyền to lớn. Hoạt động chăm lo Tết ngày càng đi vào chuyên sâu, thực chất hướng tới chuyên nghiệp, gắn với nhiệm vụ theo dõi, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định; không để phát sinh những vụ việc phức tạp xảy ra.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đánh giá, với tinh thần chủ động, sáng tạo, hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán của tổ chức Công đoàn năm nay đạt được một số kết quả nổi bật, trong đó bắt nguồn từ công tác chỉ đạo tập trung, quyết liệt, có nhiều đổi mới. Việc lựa chọn chủ đề “Tết Sum vầy - Mừng Xuân, ơn Đảng” gắn với các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020) và phương châm “Tất cả công nhân lao động đều có Tết, vui Tết”phù hợp với nguyện vọng nên được đông đảo người lao động đồng tình, hưởng ứng, xã hội đánh giá cao.
“Việc tham mưu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành và lãnh đạo địa phương thăm, động viên, tặng quà, chúc Tết CNVCLĐ, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn đối với đoàn viên, người lao động, góp phần củng cố mối quan hệ giữa Đảng với giai cấp công nhân và người lao động, khẳng định và nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn Việt Nam”- đồng chí Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.
Đặng Lợi