banner2019
 
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024
Nhân Giỗ tổ Hùng Vương: Tình nước non, nghĩa đồng bào
Cập nhật lúc 03:00 ngày 07/04/2014

Hằng năm cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch, mỗi người Việt Nam đều xúc động hướng về đất Tổ, hướng về cội nguồn thấm đượm hồn thiêng sông núi, nghe thấy tiếng vọng ngày xưa, như thấy tổ tiên Lạc Hồng vẫn đang hiển hiện, đúng như câu đối ở đền Hùng:

 Lăng tẩm tự năm nao, núi Tản, sông Đà, non nước vẫn quay về đất Tổ,

Văn minh đương buổi mới con Hồng cháu Lạc, giống nòi còn biết nhớ Mồ ông.

Đền Hùng và thời đại Hùng Vương có một vị trí quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Thời đại Hùng Vương để lại những dấu ấn không chỉ ở các di sản văn hóa vật thể, mà quan trọng hơn là những giá trị phi vật thể, tạo nên cốt cách, tâm hồn người Việt.

Truyền thống uống nước nhớ nguồn, tư tưởng gắn kết: Tình non nước, nghĩa đồng bào đã được sản sinh từ thời đại Hùng Vương và được các thế hệ nối tiếp ra sức vun đắp, giữ gìn.

Nhận thức rõ ý nghĩa lớn lao của việc thờ cúng và kỵ giỗ các Vua Hùng, xưa cũng như nay, nhân dân đất Tổ Phú Thọ cùng nhân dân cả nước và chính quyền các cấp đã rất chăm lo việc xây dựng, tôn tạo khu lăng tẩm các vua Hùng và mở hội lớn để tưởng nhớ công đức trời bể của những người đã khai sinh ra nhà nước Văn Lang. Còn nhớ, ngày 10-3 âm lịch, từ năm 1917 đã được triều Khải Định quy định là ngày quốc lễ.

Mùa Xuân năm 1941, khi từ nước ngoài trở về Tổ quốc, Nguyễn Ái Quốc đã viết những vần thơ thể hiện tinh thần yêu nước, khẳng định truyền thống lịch sử của dân tộc trong bài  Lịch sử nước ta: 

Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.

Kể năm hơn bốn nghìn năm,

Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hoà.

Hồng Bàng là Tổ nước ta.

Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang.

Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 22CNV/CC cho công nhân, viên chức được nghỉ trong ngày Đại lễ giỗ các vị Tổ của cả nước. 

Những năm sau Cách mạng Tháng Tám, Chính phủ lâm thời đã cử cụ Huỳnh Thúc Kháng, quyền Chủ tịch nước lên dự Giỗ Tổ năm đầu tiên (1946). Sau 9 năm kháng chiến thắng lợi với thiên sử vàng Điện Biên Phủ (7-5-1954), ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản thủ đô: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Lời căn dặn cũng là lời hứa quyết tâm ấy của vị đứng đầu đất nước, dân tộc đã được thực hiện vào mùa xuân 1975: Sau 30 năm gian khổ hy sinh, nhân dân ta đã quét sạch bọn xâm lược ra khỏi bờ cõi, giang san thống nhất, quy về một mối vẹn toàn. Có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có chung một gốc gác tổ tiên - một ngày giỗ Tổ như dân tộc ta. Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nửa theo cha xuống biển, nửa theo mẹ lên rừng đã khơi dậy ý thức về dân tộc, nghĩa đồng bào và gắn kết chúng ta thành một khối đại đoàn kết. Hai chữ đồng bào là khởi nguồn của yêu thương, đùm bọc, của sức mạnh Việt Nam.


 

Cùng với thời gian và sự phát triển của đất nước, đền Hùng và Giỗ Tỗ Hùng Vương ngày càng được quan tâm một cách toàn diện, đánh dấu sự thay đổi vượt bậc mối quan tâm, tôn vinh đền Hùng của dân tộc ta lên một tầm cao mới. Nhà nước đã ban hành một loạt văn bản về quản lý đối với Di tích lịch sử đền Hùng và ngày lễ hôi. Năm 2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-Cp ngày 6/11/20001 về nghi lễ Nhà nước, trong đó Giỗ tổ Hùng vương là một trong 6 ngày lễ lớn của dân tộc. Chúng ta càng tự hào hơn, vào lúc 18h10 ngày 6/12/2012, tại Paris (Pháp), Ủy ban Liên Chính phủ thuộc UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại.

Hôm nay, hành hương về miền đất Tổ chúng ta thật tự hào ông cha ta đã gieo trồng và để lại cho con cháu vùng đất Tổ tài sản tinh thần vô giá, chúng ta sẽ được thỏa sức tìm tòi, khám phá những nét đẹp truyền thống của nền văn hóa đa dạng và độc đáo; được hòa mình vào các lễ hội nỗi tiếng như: lễ hội Đền Hùng, lễ hội đền Mẫu Âu Cơ, hội Phết Hiền Quan, hội bơi chải Bạch Hạc, Hội trò Trám, Tứ Xã, hội rước voi Đài Xã… được thả tâm hồn bởi sự mượt mà, đằm thắm, rạo rực tình đất tình người của các làn điệu dân ca: Xoan, ghẹo, ca trù, chèo cổ, được chiêm ngưỡng tài hoa, sự tinh tế và sôi nổi các trò diễn, trò chơi dân gian; dâm đuống, đánh trống đồng, rước kiệu, thi nấu cơm, thi gói bánh chưng; thi giã bánh dầy, múa lân, múa sư tử, được thỏa sức mua các sản vật thiên nhiên và hàng thủ công mỹ nghệ trong các làng nghề truyền thống hoặc trong các hội chợ; được thưởng ngoạn thiên nhiên tươi đẹp kỳ vĩ; được tri âm, tri kỷ, thể hiện nghĩa “đồng bào” và đạo  lý “uống nước nhớ nguồn”.

Hướng về cội nguồn dân tộc với nén hương thơm từ trầm tích lịch sử, kết tinh văn hóa gốc cội nguồn Việt Nam làm cho hương thơm ấy càng ngát hơn, đượm hơn, lan tỏa hơn cũng chính là để góp phần xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời phát huy truyền thống yêu nước, thương nòi, tiếp tục cũng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh. 

 

Nguyễn Văn Thanh