Sáng 27/12, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trì hội nghị.
12/12 chỉ tiêu chung đều đạt và vượt mức
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, những vấn đề lớn của ngành Công Thương trong hoạt động, điều hành đều hướng tới mục tiêu đảm bảo tăng trưởng chung các chỉ tiêu của nền kinh tế, đặc biệt liên quan tới tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với năng lực cạnh tranh các ngành hàng, sản phẩm từ các khâu sản xuất vật chất đến phát triển thị trường, cũng như có sự ứng phó kịp thời trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới của đất nước và cục diện phức tạp của khu vực, quốc tế. “Năm 2019 đã chứng kiến các kết quả tích cực, khi 12/12 chỉ tiêu chung của Chính phủ đề ra đều đã đạt và vượt mức. Tổng kết sắp tới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có những xác định và khẳng định về những tầm vóc, ý nghĩa của những thành tựu này”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị
Bộ Công Thương đã rất nỗ lực và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra, tuy nhiên còn nhiều vấn đề đang đặt ra cho ngành Công Thương để tiếp tục giải quyết và khắc phục những tồn tại, bất cập trong chiến lược phát triển, công tác điều hành, tham gia điều hành trong quản lý kinh tế ngành, cũng như quản lý nhà nước, nhiệm vụ liên quan đến thể chế, pháp luật.
“Năm 2020 là năm quyết định, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc kết thúc Chiến lược 10 năm của đất nước, cũng như trong Kế hoạch 5 năm của nhiệm kỳ của Chính phủ và Quốc hội. Với những kết quả có được trong những năm trước, cũng như tiếp tục trong năm 2020, mục tiêu không chỉ hoàn thành kế hoạch năm 2020 mà hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu của cả Chiến lược và Kế hoạch 5 năm. Đây được coi là nhiệm vụ dài hạn gắn với nhiệm vụ Chiến lược, lẫn cả mục tiêu trong trung, ngắn hạn của năm 2020, đặc biệt đối phối với cục diện chung của trong nước và thế giới sẽ là những nhiệm vụ hàng đầu”- Bộ trưởng nêu rõ.
5 nhiệm vụ trọng tâm
Để thực hiện yêu cầu này, Bộ Công Thương cần nhìn nhận và đánh giá thực chất những vấn đề đang là nút thắt trong hoạt động phát triển ngành Công Thương. Từ đó có giải pháp, thực hiện dưới sự chỉ đạo của Chính phủ để xử lý và tháo gỡ, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng của cả nước, đặc biệt theo hướng bền vững, đồng thời thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành quốc gia phát triển trong thời gian tới .
Thứ nhất, tập trung giải quyết chuyển đổi cơ cấu công nghiệp, xuất nhập khẩu theo hướng bền vững. Bộ Công Thương đã duy trì hàng loạt về chiến lược phát triển xuất nhập khẩu bền vững, tái cơ cấu công nghiệp, thương mại, dịch vụ theo hướng bền vững. Mặc dù, thời gian qua đã đạt nhiều tiến bộ, nhưng những việc tái cơ cấu này chưa triển khai kịp với tiến độ, chưa đạt được nền tảng hướng tới bền vững của khu vực và toàn cầu.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhìn nhận, tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp diễn ra chậm, chưa thực sự hình thành được các ngành công nghiệp mũi nhọn, có vai trò dẫn dắt công nghiệp hóa, hiện hóa của đất nước. Liên kết và hợp tác trong cùng một ngành, giữa các ngành còn chưa phát triển. Đã thấy có rất nhiều ngành công nghiệp hạ nguồn là cơ sở, tiền đề tạo nền tảng cho công nghiệp chế biến, chế tạo của công nghiệp cơ bản. Tuy nhiên bản thân các ngành công nghiệp này chưa duy trì và tạo dựng nền tảng bền vững. Đặc biệt liên kết doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI trong nhiều lĩnh vực còn chậm khắc phục, hiệu quả thu hút và quản lý, sử dụng đàu tư nước ngoài còn chưa hiệu quả, còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ và xử lý trong thời gian tới.
Thứ hai, liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ trưởng cho rằng mặc dù có kết quả khả quan, phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của khu vực và thế giới. Tuy nhiên xuất nhập khẩu còn nhiều chiều rộng, mức độ phát triển về chiều sâu chưa tương xứng với nỗ lực với yêu cầu. “Đặc biệt trong bối cảnh khi bảo hộ mậu dịch đang phát triển phức tạp, có nguy cơ làm cản trở sự hoàn thiện phát triển chống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, cũng như tự do hóa thương mại hóa của toàn cầu hóa, chúng ta thấy yêu cầu bức thiết hơn bao giờ hết, phải tiếp tục phát triển bền vững thị trường nước ngoài, dựa trên cơ sở tăng cường năng lực cạnh trạnh trên cơ sở tái cơ cấu lại nền công nghiệp, để đảm bảo khả năng tham gia thị trường quốc tế một cách bền vững”- Bộ trưởng chỉ ra. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, năm 2020, công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu, xây dựng chính sách với Chính phủ, Đảng, Nhà nước được đặt lên hàng đầu. Quan trọng là Bộ Công Thương tự khẳng định mình để phối hợp với bộ ngành, cơ quan chức năng khác để thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Thứ ba, vai trò của thị trường trong nước sẽ ngày càng khẳng định trong năm tới. Năm 2019, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường trong nước, với mức độ tăng trưởng 18%/năm cao hơn so với mục tiêu kế hoạch năm 2019. Điều này thấy rõ dư điạ, sức sống nội nhu trong phát triển kinh tế. Thị trường gần 100 triệu dân với mức thu nhập ngày càng cao, cũng như sự phát triển ngành sản xuất, đặc biệt sự hoàn thiện từng bước về thể chế, pháp luật để tạo dựng cho các ngành sản xuất vật chất có điều kiện phát triển trong khai thác cơ chế và điều kiện của thị trường nội địa cũng như đóng góp nhu cầu ngày càng cao của người dân. Để từ đó có những quyết sách phát triển thị trường nội địa bền vững, gắn với bảo vệ quyền lợi của thị trường doanh nghiệp sản xuất, phân phối và người tiêu dùng với những yêu cầu của hội nhập.
“Đặc biệt hình thành các trung tâm logistics lớn, với sự tham gia của các địa phương, các khu vực doanh nghiệp cũng như mối quan hệ hợp tác quốc tế ở nhiều cấp độ, nhiều bình diện sẽ là nền tảng tiếp tục tháo gỡ những khó khăn rào cản, thúc đẩy cho phát triển nội nhu cũng như đóng góp vào phát triển giao thương quốc tế của Việt Nam”- Bộ trưởng lưu ý.
Thứ 4, ngành Công Thương thực sự tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong quá trình nâng cao năng suất chất lượng của nền kinh tế, đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất kinh doanh và quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế. Trong đó, chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ là nền tảng, vai trò quan trọng để đảm bảo tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình, cũng như tạo điều kiện cho đất nước chuyển hướng mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó không chỉ là việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào các ngành sản xuất, công nghiệp mà còn tập trung ở lĩnh vực thương mại cả ở bình diện trong nước và quốc tế. Đặc biệt cơ chế chính sách thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử, kinh tế số, gia tăng nhanh quy mô thị trường trên không gian mạng, tạo môi trường lớn hơn cho thành phần nền kinh tế phát triển. Đó cũng là nội dung lớn trong chính sách khởi nghiệp sáng tạo của quốc gia mà hệ sinh thái khởi nghiệp đang đẩy mạnh phát triển mạnh mẽ và cần những nội hàm và nội dung cụ thể trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ thương mại trong vai trò quản lý của ngành Công Thương.
Thứ năm, việc triển khai thực hiện tốt các cam kết hội nhập, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, gắn vào đó là Chương trình phổ biến kiến thức, tăng cường năng lực thể chế, cũng như tiếp tục hỗ trợ và tạo ra tương tác giữa khu vực công và tư một cách hiệu quả trong các lĩnh vực về hội nhập. Đặc biệt, hướng vào bảo vệ những lợi ích chính đáng và phù hợp với khuôn pháp quốc tế và cam kết hội nhập của Việt Nam cho các doanh nghiệp Việt ở thị trường trong nước và ngoài nước, kể cả liên quan đến tranh chấp thương mại quốc tế có trực tiếp và gián tiếp đối với Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2019 đã chứng kiến sự tăng trưởng rất nhanh chóng thương mại quốc tế của Việt Nam, đồng thời cũng thấy sự gia tăng nhanh chóng nhiều xung đột thương mại giữa trực tiếp của Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác khu vực trên thế giới. Chưa bao giờ, số lượng điều tra về chống chống bán phá giá, cuộc tranh chấp thương mại khác với hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế tăng nhanh như vậy. Điều đó cho thấy không chỉ còn là vai trò của một cơ quan trong điều phối chính sách chung về thương mại quốc tế, mà đặc biệt tập trung vào trong việc tổ chức thực thi các cam kết hội nhập trên những nền tảng để xử lý kinh tế thương mại, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, chủ thể khác của nền kinh tế trong quá trình phát triển bền vững ở thị trường quốc tế đang là những yêu cầu đặt ra nóng bỏng hơn bao giờ hết cho Bộ Công Thương, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan. “Vì vậy, trong năm 2020, Đề án tăng cường quản lý nhà nước và chống lẩn tránh phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ (Đề án 824) Thủ tướng Chính phủ trực tiếp ký ban hành sẽ phải đi vào thực thi với sự tham gia sâu rộng của toàn bộ các hệ thống chính trị. Với vai trò bộ đầu mối, cơ quan thực thi trong biện pháp phòng chống gian lận xuất xứ, gian lận thương mại cũng như tăng cường quản lý nhà nước nói chung về chống gian lận thương mại, từ đó có biện pháp cụ thể, tạo sự tương tác kết dính chặt chẽ hơn nữa cộng đồng doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, giữa khu vực trong và các đối tác trong khu vực, quốc tế”- Bộ trưởng quyết liệt.
Công tác quản lý thị trường và bảo vệ ngành sản xuất, thị trường, bảo vệ người tiêu dùng đang chấn chỉnh một bước theo hướng chuyên nghiệp, hệ thống, hiện đại hơn với sự ra đời của Tổng cục Quản lý thị trường. Trong một năm, ngoài việc tổ chức tái cơ cấu về cơ bản bước đầu đã thành công theo hướng cắt giảm, tinh giảm bộ máy của lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc, cán bộ quản lý thị trường đang được xác định với yêu cầu tăng cường nâng cao hơn nữa chất lượng, phẩm chất cũng như chuyên môn, để có vai trò ngày càng mạnh mẽ hơn nữa, cùng phối hợp với các lực lượng 389 quốc gia, cũng như lực lượng chức năng toàn quốc để đảm bảo đấu tranh chống buôn lậu, chống gian lận thương mại trên các bình diện một cách có hiệu quả, thực chất.
Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong toàn ngành Công Thương có phương thức đổi mới, bám sát phương châm nhiệm vụ năm 2020 mà Chính phủ nêu ra, với tư tưởng chỉ đạo “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, chắc chắn trong Nghị quyết 01, 02 và các nghị quyết sắp tới sẽ hàm chứa đầy đủ đề ra cho từng ngành, từng bộ. Riêng đối với Bộ Công Thương, những nhiệm vụ này cần tiếp tục thực hiện với quyết tâm và tâm thế mới. Việc tập trung, xây dựng cơ chế chính sách hoàn thiện văn bản pháp luật, đặc biệt theo hướng cải cách, tạo dựng môi trường kiến tạo, liêm chính, là then chốt.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, cắt giảm điều kiện đăng ký kinh doanh, điều kiện đầu tư tiếp tục là giai đoạn 2 của Bộ. Bộ Công Thương đã hoàn thành chương trình giai đoạn 2 cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh với 202 điều kiện kinh doanh, chiếm 36% trong tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh và hoàn thành Dự thảo nghị định điều chỉnh cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh đang trình lên Thủ tướng sớm ban hành. Tinh thần cải cách hành chính sẽ tiếp tục thực hiện mạnh mẽ trong năm 2020. Đã có hơn 292 dịch vụ công của ngành Công Thương đã được đưa lên dịch vụ công trực tuyến và trong đó 166 dịch vụ đang ở cáp độ 3 và 4. Trong năm nay, toàn bộ dịch vụ công của ngành Công Thương tiếp tục được nâng cấp và đưa vào cơ chế cấp độ 3 và 4. Ngoài 2 dịch vụ công đang liên kết với dịch vụ công quốc gia, sẽ tiếp tục đưa hàng loạt dịch vụ công khác lên dịch vụ công quốc gia.
“Tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính và xây dựng thực hiện kiểm tra chuyyên ngành, hiện nay Bộ Công Thương đã thực hiện 66%, chắc chắn trong năm 2020 mỗi đơn vị trong Bộ sẽ có tiếp tục tham gia rà soát và kế hoạch, triển khai biện pháp kiểm tra chuyên ngành, vẫn đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời hướng tới việc đổi mới những yêu cầu trong quản lý nhà nước và có sự đồng bộ với các bộ, ngành để đảm bảo những thủ tục kiểm tra chuyên ngành này không trở thành cản trở, hạn chế cho cộng đồng doanh nghiệp trong khai thác phát triển cũng như tiếp cận trong thương mại quốc tế, trong các hoạt động từ đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, phân phối”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Trong tinh thần đó, kỷ cương, kỷ luật hành chính của ngành Công Thương sẽ được quan tâm và tập trung chỉ đạo giám sát mạnh mẽ xuyên suốt trong năm 2020. Đi kèm với đó, Bộ Công Thương với tinh thần đổi mới theo hướng phân cấp và tổ chức thực thi các hoạt động phân cấp cho các địa phương, cũng như phối hợp với các bộ, ngành, lực lượng chức năng để đảm bảo môi trường mới, đúng như Thủ tướng chỉ đạo. Điều này sẽ được Bộ Công Thương tiếp tục xử lý, đôn đốc trong năm 2020.
“Mục tiêu năm 2020, công tác thể chế, hoàn thiện thế chế, cải cách, hoàn thiện pháp luật, tham mưu chính sách, điều hành chính sách đều hướng tới mục tiêu duy nhất phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong tâm thế của Chiến lược mới, của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, của hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kỳ vọng.
PV (nguồn: congthuong.vn)