banner2019
 
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
50 năm “truyền lửa cho thế hệ trẻ” đã làm nên Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam hôm nay
Cập nhật lúc 07:38 ngày 15/10/2019
“Truyền lửa cho thế hệ trẻ” là một hành trang quan trọng để mỗi thành viên trong Tập đoàn thêm tự hào, vững tin vào sức mạnh và truyền thống 50 năm qua, nỗ lực đóng góp vì một ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam “xanh”, phát triển bền vững.
Sản phẩm của Cao su Đà Nẵng xuất khẩu đến hơn 25 quốc gia thuộc châu Á, Nam Mỹ, châu Âu
Những dấu mốc trên đường phát triển
Công nghiệp hoá chất được hình thành từ nhu cầu của cuộc kháng chiến, với ba mục tiêu quan trọng: phục vụ quốc phòng, nông nghiệp và dân sinh. Trong thời kỳ này chúng ta đã sản xuất được thuốc nổ, ngòi nổ, than cốc dùng trong công nghiệp. Các xưởng phốt phát nghiền được xây dựng ở nhiều nơi phục vụ cho nông nghiệp. Ngoài ra còn có những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như xà phòng, diêm, bát đĩa, đồ da thuộc…
Hòa bình lập lại, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ, sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác, một loạt các nhà máy hóa chất như Supe Phốt phát Lâm Thao, Hóa chất Việt Trì, Cao su Sao Vàng, Xà phòng Hà Nội, mỏ Apatit Lào Cai, Pin Văn Điển, Phân lân Văn Điển được xây dựng và đưa vào hoạt động.
Nhưng cột mốc dánh dấu bước phát triển của ngành Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, bắt đầu từ ngày 19/8/1969 với sự kiện thành lập Tổng cục Hóa chất. Những năm tháng chiến tranh ác liệt càng làm nổi bật lên vai trò của Tổng cục và sự quả cảm anh dũng của CBCNV trong ngành, vừa làm tốt công tác sản xuất vừa trực tiếp chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ vừa chi viện đắc lực cho cách mạng miền Nam góp phần làm nên thắng lợi Mùa Xuân 1975 thống nhất đất nước.
Trong những năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Tổng cục Hóa chất đã lãnh đạo toàn ngành chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, nhanh chóng vượt qua nhiều thử thách, tạo ra bước phát triển lớn về quy mô, năng lực sản xuất, cơ cấu sản phẩm. Trải qua những lần sắp xếp lại tổ chức, đổi tên từ Tổng cục Hóa chất thành 2 Tổng công ty Phân bón và Hóa chất cơ bản (Tổng Công ty Hóa chất I) và Tổng Công ty Hóa chất công nghiệp và Hóa chất tiêu dùng (Tổng Công ty Hóa chất II); Hợp nhất 2 Tổng Công ty thành Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam (Vinachem); Thành lập Công ty mẹ - Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam; Thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Lịch sử 50 năm của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là lịch sử của một doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt trong việc phát triển các ngành trong lĩnh vực hóa chất, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khai thác triệt để thế mạnh các tài nguyên, chủ động được nguyên liệu đầu vào, hạn chế nhập khẩu nguyên liệu và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm mang thương hiệu Vinachem ra thị trường nước ngoài.
Làm nên những thương hiệu mạnh
Với vai trò nòng cốt này, Vinachem đã tạo thuận lợi cho việc chủ động đầu tư, mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp thành viên. Từ đó, xây dựng nên các thương hiệu mạnh. Những Pin Văn Điển, Lân Văn Điển, Supe Phốt phát Lâm Thao, phân bón Đầu trâu (Bình Điền); pin Con Ó (Pinaco); săm lốp CASUMINA, DRC, SRC; các sản phẩm tẩy rửa mang thương hiệu Bột giặt LIX, Bột giặt NET, các sản phẩm thuốc sát trùng, thuốc trừ sâu, trừ bệnh, trừ cỏ dại, bảo quản kho tàng mang thương hiệu VIPESCO ngày càng có sức lan tỏa trên thị trường và đi sâu vào lòng người tiêu dùng.
Lixco luôn chú trọng đầu tư cả chiều sâu lẫn chiều rộng để đáp ứng nhu cầu của thị trường
Những năm qua, việc cơ cấu lại và đa dạng hóa sở hữu các đơn vị thành viên; kinh doanh tập trung vào ngành nghề chính; huy động được các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu trọng điểm, các chiến lược phát triển quan trọng; tích cực nghiên cứu, triển khai ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, chú trọng nâng cao năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật, tay nghề của đội ngũ công nhân kỹ thuật và người lao động trong các doanh nghiệp đã giúp những thương hiệu trong Tập đoàn không chỉ khẳng định vị thế trên thị trường nội địa, mà còn có chỗ đứng vững chắc ở nhiều thị trường nước ngoài.
Có thể nói, một trong những thành tựu nổi bật suốt 50 năm qua là công tác ứng dụng, làm chủ khoa học công nghệ triển khai mạnh mẽ và liên tục trong toàn Tập đoàn đã góp phần tích cực đảm bảo sản xuất ổn định, nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường và sức khỏe người lao động… Các doanh nghiệp của Tập đoàn đã tích cực đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ, thiết bị đồng thời chủ động tham gia các chương trình, đề án trọng điểm về KH&CN; ứng dụng thành tựu KH&CN, sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng trong sản xuất.
Nhiều công nghệ tiên tiến đã được đầu tư và khai thác có hiệu quả tại Tập đoàn. Điển hình như:
-  Trong lĩnh vực sản xuất săm lốp, công nghệ sản xuất lốp ô tô radial đã được đầu tư áp dụng tại các nhà máy sản xuất cao su của Tập đoàn (Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng, Công ty cổ phần Cao su Miền Nam) với dây chuyền thiết bị hiện đại, cho phép tạo ra sản phẩm lốp radial bán thép và toàn thép đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, từng bước thay thế hàng nhập khẩu và xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
-  Trong lĩnh vực khai thác quặng apatit, Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam đã thực hiện đổi mới, hiện đại hóa công nghệ lọc quặng tinh tuyển đồng thời sử dụng thiết bị công nghệ mới trong công tác khai thác quặng 1, quặng 2 giúp tăng sản lượng khai thác, tăng hệ số thu hồi tài nguyên và đảm bảo chất lượng quặng khai thác. Trong 5 năm trở lại đây, hệ số thu hồi tài nguyên trong khai thác quặng 1, quặng 2 tăng khoảng 7-8%, tương ứng với tăng sản lượng quặng khai thác được từ 80.000 đến 100.000 tấn/năm trên cùng trữ lượng địa chất.
-  Trong lĩnh vực sản xuất phân bón, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền đã đầu tư, ứng dụng công nghệ sản xuất phân bón NPK một hạt trên nền tảng urea hóa lỏng giúp tăng hàm lượng dinh dưỡng; tăng độ tan của phân bón, cho phép đa dạng hóa công thức phối liệu, giảm chi phí sản xuất và giá thành. Nhờ các sản phẩm NPK được tạo ra từ công nghệ sản xuất mới, người nông dân có thể sử dụng phù hợp với từng điều kiện canh tác, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
-  Trong lĩnh vực sản xuất xút - clo, các công ty của Tập đoàn (Hóa chất Việt Trì, Hóa chất cơ bản Miền Nam) đã áp dụng công nghệ, thiết bị điện phân hiện đại, được điều khiển tự động (công nghệ Màng trao đổi ion – Membrane) cho phép tạo sản phẩm có chất lượng cao, giảm định mức tiêu hao nguyên nhiên liệu, đảm bảo môi trường và đảm bảo sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Công nghệ mới cho phép tiết kiệm khoảng hơn 14% lượng điện năng tiêu thụ (vốn chiếm tỷ trọng cao 40% trong cơ cấu chi phí sản xuất của sản phẩm).
-  Một số công nghệ điều khiển tự động, công nghệ thông tin..đã được ứng dụng rộng rãi tại nhiều doanh nghiệp của Tập đoàn.
Tiếp nối truyền thống
Việc ứng dụng những thành tựu KH&CN, sáng kiến cải tiến kỹ thuật có thể được triển khai một cách phổ biến, thường xuyên và liên tục qua các năm ở các đơn vị thành viên bắt nguồn từ một truyền thống quý báu: Việc truyền lửa cho thế hệ trẻ luôn được các doanh nghiệp thành viên và Tập đoàn quan tâm, tạo điều kiện.
Công ty CP Hóa chất cơ bản miền Nam là nhà sản xuất hóa chất vô cơ cơ bản hàng đầu Việt Nam
Trong xu hướng hội nhập hiện nay, truyền thống truyền lửa cho thế hệ trẻ trở thành một thành tố quan trọng tạo thêm nguồn năng lượng mới, tư duy mới cho Tập đoàn, và đang được Tập đoàn tổng kết, nhân rộng triển khai theo 3 hướng. Thứ nhất, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, cập nhật xu hướng công nghệ mới. Thứ hai, định hướng tư tưởng giúp CBCNV hiểu về giá trị cốt lõi, vai trò của lực lượng trẻ. Thứ ba, tạo điều kiện để thế hệ trẻ có cơ hội làm việc, cống hiến và phát huy khả năng đổi mới, sáng tạo cùng Tập đoàn tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.
Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn khẳng định, 50 năm qua, những thành tựu, đóng góp hết sức to lớn của những cá nhân, tập thể các đơn vị thành viên là những dấu son để những thế hệ CBCNVC ghi dấu, phấn đấu và phát huy. Với bề dày truyền thống gắn bó và với những thành tích đã đạt được, với những bài học kinh nghiệm thu được trong 50 năm hình thành và phát triển, các doanh nghiệp thành viên trong Tập đoàn phấn đấu trở thành những thương hiệu mạnh, phát huy sản xuất, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, tạo ra các sản phẩm cạnh tranh và xây dựng ngành hóa chất trở thành ngành hóa chất xanh cho đất nước.
Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Tập đoàn, Phùng Quang Hiệp cho rằng, con người là yếu tố then chốt cho sự phát triển của mỗi một doanh nghiệp. Vì vậy Tập đoàn sẽ tạo điều kiện để cán bộ trẻ được giao lưu, học hỏi với thế hệ đi trước để có thêm động lực và niềm tự hào về 50 năm xây dựng và phát triển Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, với nhiều tên gọi khác nhau, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam vẫn luôn phát huy lòng yêu nước, đoàn kết, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn thử thách, nắm bắt thời cơ, vận hội, thi đua phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành, góp phần thiết thực đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội và chủ quyền của đất nước. Vinachem đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều danh hiệu thi đua và nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2004, 2009), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1985), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 1999, 2014); nhiều Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động và danh hiệu Anh hùng lao động cho các tập thể, cá nhân; cùng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Bộ, Ban ngành Trung ương…
Đây là những hành trang quan trọng để mỗi thành viên trong Tập đoàn thêm tự hào và vững tin vào sức mạnh và truyền thống của 50 năm qua, tiếp tục nỗ lực đóng góp vì một mái nhà Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đoàn kết, phát huy sức mạnh, phát huy kinh nghiệm, tạo ra các sản phẩm cạnh tranh và xây dựng ngành hóa chất trở thành ngành hóa chất "xanh" cho đất nước.
Trần Bản