banner2019
 
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
9 kiến nghị của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong việc chăm lo cho người lao động
Cập nhật lúc 11:54 ngày 26/09/2019
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã báo cáo Chính phủ 5 trọng tâm phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2019-2020 cùng 9 đề xuất, kiến nghị để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc
Sáng 25.9, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp công tác thời gian qua và xử lý một số kiến nghị về những vấn đề nổi cộm đối với công nhân, người lao động.
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đình Khang – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã báo cáo những kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN năm 2018. Theo đồng chí Nguyễn Đình Khang, thời gian qua, trong quá trình triển khai, thực hiện, có một số nội dung công việc được Thủ tướng kết luận nhưng trong quá trình phối hợp thực hiện vẫn còn khó khăn vướng mắc, chưa đạt nhiều kết quả.
Từ những kết quả đã đạt được và những vấn đề còn vướng mắc, thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, đồng chí Nguyễn Đình Khang đặt ra 5 trọng tâm phối hợp công tác năm 2019-2020 giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN.
5 trọng tâm phối hợp công tác
Thứ nhất, tham gia xây dựng thể chế, thực hiện phản biện xã hội đối với các chính sách liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Thứ hai, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, người lao động.
Thứ ba, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp, tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật, xây dựng đời sống văn hóa công nhân.
Thứ tư, tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, khích lệ, động viên người lao động hoàn thành nhiệm vụ được giao, đóng góp vào sự phát triển của đơn vị và của đất nước.
Thứ năm, phối hợp triển khai thực hiện Chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.
Toàn cảnh Hội nghị 
9 kiến nghị, đề xuất 
Để thực hiện được những nhiệm vụ trọng tâm, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã đề xuất với Chính phủ 9 kiến nghị.
Thứ nhất, Tổng LĐLĐVN đề nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết theo hướng ưu tiên giải quyết nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể, đảm bảo sự đồng bộ với Luật Phá sản doanh nghiệp và Bộ luật Lao động.
Thứ hai, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng đánh giá, xác định và sớm công bố “mức sống tối thiểu” của người lao động và gia đình họ”, tạo cơ sở cho các bên tham gia Hội đồng tiền lương quốc gia thương lượng, đàm phán mức lương tối thiểu vùng hàng năm.
Thứ ba, đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2025”. Đề án “Xây dựng đời sống văn hoá công nhân tại các khu công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030”.
Thứ tư, đề nghị Chính phủ giao Tổng Liên đoàn nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đổi mới, nâng cao công tác tuyên truyền trật tự an toàn giao thông trong công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2020 - 2025”.
Thứ năm, Tổng LĐLĐVN đề nghị Chính phủ cho phép Tổng LĐLĐVN phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng Cục thống kê và các bộ, ngành liên quan kiểm kê toàn bộ cơ sở vật chất các đơn vị kinh tế, sự nghiệp của tổ chức Công đoàn để xây dựng chiến lược kinh doanh, hoạt động có hiệu quả đối với “Đề án quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức Công đoàn phục vụ tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Thứ sáu, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét bố trí 1 chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia về an toàn vệ sinh lao động và giao Tổng Liên đoàn chủ trì thực hiện.
Thứ bảy, trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Bộ luật Lao động 2012, Luật Công đoàn, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm lắng nghe, tập hợp ý kiến từ đại diện người lao động trực tiếp để Bộ luật đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ, khả thi và tạo sự đồng thuận xã hội trong quá trình thực thi luật.
Thứ tám, đề nghị Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh căn cứ vào điều kiện hiện có về nhân lực, cơ sở vật chất để phối hợp với ngành BHXH thực hiện triển khai khám chữa bệnh vào ngày lễ, ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính cho người bệnh có thẻ BHYT.
Thứ chín, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục phối hợp với Tổng LĐLĐVN thực hiện một số nội dung đã được Thủ tướng kết luận theo thông báo số 319/TB-VPCP ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ trong việc giải quyết các vướng mắc khó khăn về cơ chế, chính sách trong quá trình triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”; triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình hạ tầng xã hội tại 50 thiết chế của Công đoàn; tăng thêm nguồn vốn cho các chương trình dự án tài chính vi mô của tổ chức Công đoàn…
Nhóm PV (nguồn: laodong.vn)