banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Một số suy nghĩ về việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu dưới góc nhìn của một tổ chức Công đoàn
Cập nhật lúc 10:58 ngày 13/05/2019
Kể từ năm 1946 đến nay, trải qua nhiều giai đoạn phát triển của đất nước cùng những thành tựu to lớn về mọi mặt từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến đời sống của nhân dân, quy định về tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 60 tuổi, nữ là 55 tuổi vẫn được giữ nguyên trong môi trường lao động bình thường, sức khỏe người lao động bình thường (không bao gồm những trường hợp bị suy giảm khả năng lao động).   
Sự cần thiết của việc tăng tuổi nghỉ hưu  
Trong thời gian qua, đã có nhiều diễn đàn trao đổi, thảo luận, phản biện xã hội về dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng kéo dài tuổi nghỉ hưu. Bản dự thảo mới đây nhất mà Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dự kiến đưa ra trình Quốc hội xem xét theo hai phương án, kể từ ngày 1/1/2021 (Phương án 1: Lao động đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi; Phương án 2 là: Lao động đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi….). Với nội dung điều chỉnh này, Tổng LĐLĐVN đồng ý với phương án điều chỉnh tăng chậm hơn (Phương án 1).
Nhìn chung, xét về góc độ xã hội, xu thế toàn cầu và vấn đề bình đẳng giới, già hóa dân số… thì việc điều chỉnh này  này là cần thiết. Tham khảo tuổi nghỉ hưu trung bình ở các nền kinh tế tiên tiến hiện tại là 65 với nam, 63 đối với nữ (theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới - WEF). Nhiều nước như Mỹ, Anh, Hà Lan, Nhật Bản… đang xem xét tăng tuổi nghỉ hưu lên 67, 68. Trong khi đó, tuổi thọ của người Việt Nam trong 30 năm qua đã có sự cải thiện đáng kể. Theo kết quả điều tra mới nhất của WEF, tuổi thọ trung bình của Việt Nam xếp thứ 2 Đông Nam Á, thứ 56 trên 138 nước, vùng lãnh thổ khảo sát. Tuổi thọ được tính bằng công thức: Thời gian chưa đến độ tuổi lao động (không thay đổi) + Thời  gian lao động + thời gian hưởng lương hưu, như vậy, khi tuổi thọ tăng cao mà tuổi được nghỉ hưu không tăng thì sẽ dẫn đến mất cân đối.  
Tuy nhiên, vẫn còn không ít ý kiến trái chiều, thậm chí băn khoăn, lo lắng khi tuổi  nghỉ hưu sẽ được kéo dài bắt đầu từ năm 2021 tới đây, đặc biệt là đối với lực lượng lao động trực tiếp, lao động nữ. Trong khi đó, những vấn đề khác như: Sức khỏe của người lao động nhất là lao động trực tiếp trong môi trường nặng nhọc, độc hại; đảm bảo năng suất lao động của các đối tượng lao động thuộc nhiều độ tuổi khác nhau với biên độ rộng trong cùng môi trường làm việc; nguy cơ bị đào thải, mất việc làm trong tình hình mới khiến người lao động khó duy trì có việc làm đến độ tuồi được nghỉ hưu… vẫn chưa được xem xét và đề cập một cách thấu đáo.
Vai trò của tổ chức Công đoàn trước vấn đề này
Dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động rất có thể sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 8, quốc hội khóa XIV tới đây. Trước thực tế này, tổ chức Công đoàn các cấp cần có một kế hoạch đủ chi tiết và toàn diện để đồng hành và bảo vệ quyền lợi tối đa cho người lao động trên tình thần tuân thủ tính tối thượng của pháp luật. Dưới góc nhìn của một tổ chức Công đoàn ngành Trung ương, người viết đề xuất cần trọng tâm vào một số nội dung sau: 
Thứ nhất, tổ chức Công đoàn các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người lao động nhằm thích ứng sự thay đổi có thể coi là lớn trong lần sửa đổi Luật này. Tuyên truyền để người lao động lớn tuổi không bị ‘sốc’ vì đích đến nghỉ hưu xa hơn; định hướng cho lao động trẻ từ rất sớm để họ chuẩn bị kiến thức, sức khỏe sẵn sàng ‘chạy quãng đường dài hơn’; giáo dục ý thức trách nhiệm xã hội đối với người lao động để việc tăng tuổi nghỉ hưu của các nhóm đối tượng lao động đều vì mục tiêu tiến bộ, an toàn và bền vững, phù hợp với chủ trương, chính sách bình đẳng giới cũng như cam kết tại các điều ước quốc tế. Hướng dẫn một số kỹ năng tự học như tận dụng các cơ hội mới do kỷ nguyên số mang lại trong việc học trực tuyến hoặc nhân rộng cách học qua công việc (on- the- job training) đã được áp dụng hiệu quả ở nhiều nước; ‘khơi dậy sự khát khao học hỏi các kỹ năng thị trường đang cần cho người lao động chính là mấu chốt để tồn tại trên thị trường việc làm hiện nay và sắp tới’ (WEF).          
Thứ hai, việc quy định tuổi lao động, tuổi nghỉ hưu có tương quan chặt chẽ với tuổi thọ, sức khỏe của người lao động. Tuổi thọ của lao động Việt Nam đã tăng, vậy vấn đề ở đây là phải tăng cường sức khỏe, thể chất cho người lao động. Công đoàn có thể tham gia đảm bảo chế độ ăn ca khoa học, đủ dinh dưỡng; tổ chức tập thể dục tại chỗ giữa giờ làm việc (theo Bộ Y tế phát động); tổ chức phong trào thể thao với các môn đông đảo lao động tham gia; phổ biến lối sống lành mạnh, tích cực… Tại một số đơn vị trong ngành Công Thương, công đoàn đã duy trì thể dục giữa giờ cho người lao động đều đặn và thỏa thuận với người sử dụng lao động tính thời gian này trong thời gian làm việc. Thông thường, người lao động hay quan tâm tiền lương, tiền thưởng nhưng đây là thời điểm cần thiết để công đoàn tuyên truyền vấn đề sức khỏe- một yếu tố quan trọng giúp người lao động có thể đáp ứng công việc trong điều kiện hội nhập, CMCN 4.0 và tăng tuổi nghỉ hưu.   
Thứ ba, Công đoàn cần tham gia tư vấn, điều chỉnh sắp xếp các vị trí công tác phù hợp với lứa tuổi nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu, quản lý hoặc công nhân trực tiếp sản xuất ví dụ công nhân ngành xăng dầu… và một số phương thức khác như cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng lực người lao động… để họ đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ đến tuổi nghỉ hưu.
Thay lời kết
Việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động tại nước ta xét về tổng thể được cho là khách quan và phù hợp về tính thời điểm. Một chính sách khi ban hành chắc chắn không thể làm cho tất cả mọi người thỏa mãn, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Hy vọng rằng, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, trong đó có tổ chức Công đoàn cần có những phương án, giải pháp mang tính hài hòa nhằm tránh những băn khoăn, lo lắng cho người lao động khi Dự thảo Bộ luật được thông qua.
Lan Phương