Đây là khẳng định của Thứ trưởng Đặng Hoàng An tại buổi làm việc ngày 3/5/2019 với Đoàn Khảo sát của Trung ương về kết quả 10 năm thực hiện Quyết định số 221-QĐ/TW ngày 27/4/2009 (Quyết định 221) của Ban Bí thư về Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi làm việc
Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thanh Long - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng đoàn Khảo sát; đồng chí Đặng Hoàng An - Ủy viên ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương; lãnh đạo Công đoàn Công Thương Việt Nam, Đảng ủy Bộ Công Thương và các vụ chức năng.
Báo cáo của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương do đồng chí Lý Quốc Hùng, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ tại buổi làm việc cho biết, ngay sau khi có Quyết định 221, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã phối hợp với Đảng ủy Bộ tổ chức quán triệt, tuyên truyền và triển khai tới các đảng bộ, chi bộ trực thuộc.
Đồng chí Lý Quốc Hùng trình bày báo cáo về kết quả thực hiện Quyết định 221 của Ban Bí thư
Bộ Công Thương và Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã ký Chương trình hợp tác tập trung vào các nội dung: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận với các chủ trương của Đảng, Nhà nước; phối hợp hướng dẫn và kiểm tra tình hình triển khai thực hiện và tổng kết các văn bản của Đảng trong các lĩnh vực thuộc ngành Công Thương; phát hiện giải quyết kịp thời những vấn đề nhạy cảm bức xúc trong lĩnh vực của ngành Công Thương có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng, dư luận xã hội.
Đồng chí Lý Quốc Hùng cũng cho biết, hàng năm Ban cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ đều bám sát hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương để chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế xã hội. Bộ Công Thương đã duy trì thường xuyên việc cung cấp thông tin về hoạt động của ngành Công Thương cho Ban Tuyên giáo Trung ương, đặc biệt là các chương trình đề án lớn cua ngành cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ của Ban Tuyên giáo Trung ương. Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan báo chí của Bộ là Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về tuyên truyền, xây dựng các chuyên mục thường kỳ để triển khai thực hiện.
Kết quả thực hiện Quyết định 221 của Ban Bí thư trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân liên quan đến ngành Công Thương có thể nói là tích cực. Trong đó đáng chú ý là ngành Công Thương đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ, hưởng ứng tích cực của Quốc hội, Chính phủ và nhân dân trong việc triển khai các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước liên quan đến ngành; tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ công chức viên chức của Bộ trong việc thực hiện các chính sách mới của ngành Công Thương.
“Dư luận xã hội đã hiểu và chia sẻ đối với những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án của ngành, đặc biệt là trong việc xử lý các dự án tồn đọng, thua lỗ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương”, báo cáo nhấn mạnh.
Trên cơ sở quá trình thực hiện Quyết định số 221, báo cáo của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đề xuất, Bộ Công Thương và Ban Tuyên giáo T.Ư tiếp tục ký chương trình phối hợp 5 năm, hàng năm về triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân. Báo cáo cũng đề xuất nghiên cứu sửa đổi Quyết định 221 theo hướng xác định rõ hơn nội dung, trách nhiệm chính trong công tác phối hợp giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân, nhất là sự phối hợp của các bộ, ngành với các cấp ủy, chính quyền địa phương có các đề án, dự án, lĩnh vực quản lý trên địa bàn nhằm tạo sự thống nhất cao trong định hướng dư luận cũng như việc giải quyết các vấn đề bức xúc phát sinh.
Tại buổi làm việc, các ý kiến phát biểu của các thành viên trong Đoàn Khảo sát Trung ương đều thống nhất đánh giá cao những nỗ lực, những điểm sáng của Bộ Công Thương trong việc thực hiện Quyết định 221 của Ban Bí thư, nhất là trong thời gian gần đây, cũng như những bài học thành công trong công tác phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân. Với tư cách là Bộ kinh tế đa ngành, các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương là rất rộng, có tác động trực tiếp tới đời sống của người dân nhất là các lĩnh vực nhạy cảm như điện, xăng dầu, quản lý thị trường. “Bộ Công Thương là bộ đi đầu trong cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh cũng như cương quyết chống lại lợi ích nhóm. Bộ Công Thương cũng đã tổ chức tốt công tác họp báo thông tin định kỳ cho các cơ quan truyền thông”, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long nhìn nhận về những điểm sáng của Bộ Công Thương trong thực hiện Quyết định 221.
Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Thanh Long cũng thẳng thắn chỉ ra 6 vấn đề cần quan tâm hơn trong thời gian tới trong việc thực hiện Quyết định 221. Đó là việc nâng cao ý thức về tầm quan trọng của việc thực hiện Quyết định 221; cần chủ động làm tốt công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện Quyết định 221; cần bám sát hơn nữa dư luận xã hội; chủ động phối hợp triển khai thực hiện các đề án thuộc Bộ Công Thương quản lý; kịp thời xử lý các bức xúc của xã hội; kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí chính thống. “Đặc biệt cần quan tâm phổ biến chính sách ngay cả với đội ngũ chuyên gia kinh tế” - đồng chí Nguyễn Thanh Long đề xuất. Bên cạnh đó Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ nghiên cứu, tham mưu Ban Bí thư ban hành quy chế chỉ đạo thống nhất việc phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp và các cơ quan, đơn vị cùng cấp.
Đồng chí Đặng Hoàng An làm rõ thêm một số nội dung trong báo cáo của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, trong quá trình thực hiện Quyết định 221 của Ban Bí thư còn nhiều khâu chưa thật bài bản, nhiều Sở Công Thương còn tâm lý e ngại, chờ đợi sự chỉ đạo của cấp trên. Khắc phục các nhược điểm này có thể giúp việc thực hiện Quyết định 221 được tốt hơn. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đến vai trò của việc tăng cường công tác định hướng cũng như các chỉ đạo chính thống, kịp thời phát hiện và nhân rộng các điển hình, nhân tố mới. “Trong công tác triển khai triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân, tới đây từ lãnh đạo các cục, vụ chức năng của Bộ Công Thương đến các lãnh đạo Bộ phụ trách đều sẽ sẵn sàng “xung trận” trong việc giải quyết các bức xúc phát sinh” - Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Quang Lộc (nguồn: congthuong.vn)