banner2019
 
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Hội nghị Đoàn Chủ tịch TLĐLĐVN lần thứ 4
Cập nhật lúc 04:11 ngày 26/04/2019
Chiều 24.4, tại Hà Nội, đồng chí Bùi Văn Cường- Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN chủ trì Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN lần thứ 4 (khóa XII). Tham dự có đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra TƯ, Văn phòng TƯ Đảng.
Đồng chí Bùi Văn Cường- Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN chủ trì Hội nghị
Theo đồng chí Bùi Văn Cường, hội nghị lần này cho ý kiến 13 vấn đề quan trọng, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội XII CĐ Việt Nam; đây đều là các chương trình mang tính chất đột phá của cả nhiệm kỳ.
Đóng góp ý kiến vào Chương trình đẩy mạnh công tác truyền thông CĐ, giai đoạn 2019-2023, các đại biểu đều cho rằng, trong bối cảnh Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, có sự cạnh tranh của tổ chức đại diện NLĐ, việc đẩy mạnh truyền thông là rất cần thiết.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch LĐLĐ TP. Hà Nội nêu ý kiến, cần nêu rõ nguồn lực để đẩy mạnh truyền thông tại CĐCS có trên 1.000 đoàn viên như nêu trong dự thảo; bên cạnh đó, cần kết hợp truyền thông bằng kênh truyền thống và mạng xã hội; công tác truyền thông chuyên đề cần phải cụ thể để mang lại hiệu quả cao nhất.
Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN phát biểu tại hội nghị
Còn đồng chí Nguyễn Thị Kim Liên – Chủ tịch CĐ KKT Tây Ninh cho rằng, tại CĐCS, cần phải có người phụ trách và chịu trách nhiệm về truyền thông; đồng thời phải xét đến trình độ, khả năng tiếp nhận của NLĐ để đảm bảo tốt nhất hiệu quả truyền thông.
Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Thị Kim Liên cho rằng, cần có tài liệu tuyên truyền về CPTPP để đoàn viên, NLĐ hiểu rõ về Hiệp định này. Trong khi đó, đồng chí Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của các giải pháp công nghệ trong truyền thông; đồng thời cho rằng, hệ thống thông tin phải tạo sự kết nối giữa cán bộ CĐ và đoàn viên tại cơ sở.
Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN nhấn mạnh, tổ chức CĐ cần đầu tư nguồn lực để xây dựng truyền thông CĐ đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; trong 5 năm tới, cần thành hình thành kênh truyền hình CĐ.
Các đại biểu còn đóng góp vào các nội dung quan trọng khác: Báo cáo kết quả thực hiện quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN năm 2018, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019; Hướng dẫn CĐ tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định mới của nhà nước; sửa đổi Quy chế luân chuyển cán bộ lãnh đạo trong cơ quan CĐ các cấp…
Sáng 25.4, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN lần thứ 4 tiếp tục làm việc ngày thứ hai. Đồng chí Bùi Văn Cường - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN chủ trì hội nghị. Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải và Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Thuật cùng các đồng chí trong Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN dự hội nghị. Các Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã tập trung nêu góp ý vào Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần thứ 2.
Nêu ý kiến góp ý vào Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần thứ 2, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, LĐLĐ TP đã tổ chức các hội thảo lấy ý kiến của NLĐ, chủ DN tại cơ sở. Qua đó có 3 vấn đề trọng tâm được nêu ra, liên quan đến giờ làm thêm, tuổi nghỉ hưu, tổ chức đại diện cho NLĐ (không phải tổ chức CĐ) tại DN.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội phát biểu tại hội nghị
Về giờ làm thêm, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cho biết, nhiều anh chị em NLĐ không muốn phải làm thêm giờ quá nhiều, họ chỉ muốn làm thêm từ 200-300 giờ/năm. “Do đó, LĐLĐ TP.Hà Nội đề nghị Tổng LĐLĐVN khi góp ý vào Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần thứ 2 cần có quan điểm: Giữ nguyên các mức và phương án chi trả như hiện nay là NLĐ làm thêm không quá 200-300 giờ/năm. Bởi hiện nay, nhiều CNLĐ do mức thu nhập không đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu nên sức giảm sút, nhiều DN sa thải NLĐ trên 35-37 tuổi, nên họ không muốn bị “vắt sức” khi còn trẻ, họ muốn có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức LĐ” - đồng chí Nguyễn Thị Tuyến nêu ý kiến.
Liên quan đến việc điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu, đại diện LĐLĐ TP.Hà Nội đề xuất giữ nguyên quy định hiện nay: Nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi thì đến thời điểm nghỉ hưu. Những trường hợp đặc biệt thì Chính phủ có quy định riêng.
Về tổ chức đại diện cho NLĐ tại DN, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, Ban Quan hệ LĐ cần xây dựng hồ sơ, có báo cáo với căn cứ pháp lý chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, nguyện vọng của NLĐ để Đoàn Chủ tịch đưa ra ý kiến cụ thể đối với các cơ quan chức năng… 
Đồng chí Trương Bích Hạnh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương (người đứng) phát biểu tại hội nghị
Đồng chí Trương Thị Bích Hạnh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương chia sẻ, hiện nay nhiều CN tại các KCN-CX đang làm việc trong tỉnh là người ngoại tỉnh, quê xa - dẫn tới thời gian rất dài mới có điều kiện về quê, nên họ có nhu cầu làm thêm để có thêm thu nhập.
“Quan điểm LĐLĐ tỉnh Bình Dương là có thể tăng giờ làm thêm cao hơn quy định hiện nay. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khoẻ, quyền lợi của NLĐ, cần phải xây dựng được mức chi trả tiền làm thêm theo phương án luỹ tiến - CN làm thêm nhiều giờ thì mức chi trả càng cao và CĐ phải giám sát chặt chẽ việc chủ sử dụng chi trả tiền làm thêm giờ cho NLĐ theo đúng quy định”…
Quế Chi - Việt Lâm - Hải Nguyễn (nguồn: laodong.vn)