Thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ phối hợp xây dựng 1.000 địa chỉ nhân đạo là công nhân nghèo để kêu gọi ủng hộ.
Đó là một phần nằm trong Chương trình phối hợp thực hiện công tác nhân đạo, giai đoạn 2019-2023 được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ký kết chiều 14/3/2019.
Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu và Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường ký kết Chương trình phối hợp
Theo chương trình phối hợp đã ký kết, hai bên hực hiện các hoạt động trợ giúp nhân đạo đối với các đối tượng dễ bị tổn thương, đoàn viên công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, qua đó góp phần nâng cao việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên công đoàn và người lao động Việt Nam.
Cụ thể, hai bên sẽ thực hiện có hiệu quả phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” và “Tết Sum vầy”; triển khai các hoạt động cao điểm trong tháng 5 (“Tháng Công nhân” của Tổng LĐLĐ Việt Nam và “Tháng Nhân đạo” của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Hai bên cũng sẽ thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” với mục tiêu cụ thể: Phối hợp xây dựng 1.000 địa chỉ nhân đạo là công nhân nghèo, quản lý trên phần mềm “Ngân hàng địa chỉ nhân đạo” của Cuộc vận động; hàng năm hỗ trợ xây dựng 200-250 căn nhà chữ thập đỏ, Mái ấm công đoàn cho người lao động nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương.
Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh phối hợp truyền thông về phòng tránh tai nạn thương tích và huấn luyện kỹ năng đào tạo sơ cấp cứu; tuyên truyền, vận động hiến máu, hiến tặng mô tạng nhân đạo; tổ chức các hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa...
Hai bên bàn chương trình phối hợp giai đoạn 2019-2023
Về phía Tổng LĐLĐ Việt Nam, sẽ vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên công đoàn tham gia các hoạt động xã hội nhân đạo và ủng hộ về tinh thần, vật chất khi có thiên tai, thảm họa xảy ra; cung cấp cho Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam các địa chỉ nhân đạo là công nhân nghèo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn để xây dựng “Ngân hàng địa chỉ nhân đạo” và kế hoạch vận động trợ giúp.
Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ chỉ đạo hệ thống Công đoàn và vận động đoàn viên, CNVCLĐ tham gia hiến máu tình nguyện, đăng ký hiến tặng mô tạng nhân đạo; trang bị kiến thức, kỹ năng về sơ cấp cứu, phòng tránh tai nạn thương tích, an toàn lao động.
Về phía Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, sẽ triển khai các khóa đào tạo, huấn luyện về sơ cấp cứu, phòng tránh tai nạn thương tích cho cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên của hai bên; quản lý, cập nhật thường xuyên các địa chỉ nhân đạo là công nhân nghèo, đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp vận động nguồn lực, tổ chức hoạt động trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn...
Phát biểu tại lễ ký kết, bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam bày tỏ vui mừng về sự phối hợp giữa hai tổ chức. Theo bà Thu, hai bên có khá nhiều điểm chung như: Có chung hoạt động cao điểm trong tháng 5 - với Tổng LĐLĐ Việt Nam là Tháng Công nhân, tập trung chăm lo cho đoàn viên, người lao động; với Trung ương Hội Chữ thập đỏ là Tháng Nhân đạo, tháng cao điểm tập trung chăm lo cho người nghèo.
Hai bên cũng có chung chương trình tập trung chăm lo Tết cho người nghèo, người lao động dịp Tết Nguyên đán; có chương trình hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa, Mái ấm công đoàn... Theo đó, Trung ương Hội Chữ thập đỏ sẽ chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng năm để phối hợp hiệu quả với Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng hướng tới mục tiêu: Chăm lo cho các hoàn cảnh khó khăn, những đối tượng yếu thế trong xã hội, để không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đồng tình với mục tiêu trên, phát biểu tại lễ ký kết, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường khẳng định: Từ mục tiêu chung của cả giai đoạn (2019-2023), hai bên cần đề ra chương trình hoạt động cụ thể hàng năm, có hoạt động đánh giá để rút kinh nghiệm, phát huy những nội dung hiệu quả, qua đó cùng chăm lo tốt hơn cho đoàn viên, người lao động, người nghèo và đối tượng còn yếu thế trong xã hội.
Bảo Duy (nguồn: laodongthudo.vn)