Sáng ngày 17/01/2019, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019.
Phát biểu và chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việt Nam có thể trở thành con hổ, con rồng hay không chính là phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển đột phá của ngành Công Thương Việt Nam trong thời gian tới. Thủ tướng tin tưởng rằng toàn ngành Công Thương "chỉ có tiến và không có lùi" vì quyền lợi của dân tộc, vì đời sống của nhân dân.
Năm 2018: Xuất khẩu tăng vượt kế hoạch, nhập khẩu được kiểm soát tốt
Kinh tế Việt Nam năm 2018 khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất, cung - cầu của nền kinh tế được củng cố và bảo đảm cân đối. Tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08% so với năm 2017 là mức tăng cao nhất 11 năm qua. Mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu 6,7% đặt ra là kết quả sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế năm 2018, khu vực công nghiệp tăng 8,79%, đóng góp 2,85 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng cao và ổn định, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất phân phối điện tiếp tục có mức tăng trưởng tốt là những yếu tố tạo động lực vững chắc để đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp (tăng 10,2%, cao hơn mục tiêu Chính phủ giao là 9%).
Tiếp theo kết quả tích cực đạt được của năm 2017, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2018 của Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng: Quy mô xuất nhập khẩu tăng trưởng ở mức cao, vượt mốc 480 tỷ USD. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 482,236 tỷ USD, tăng 12,64% so với năm 2017. Xuất khẩu tăng mạnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra (chỉ tiêu Quốc hội giao tăng 7 - 8%; chỉ tiêu Chính phủ giao tăng 8 - 10%). Nhập khẩu được kiểm soát tốt, cán cân thương mại duy trì thặng dư năm thứ 3 liên tiếp. Kim ngạch nhập khẩu năm 2018 ước đạt 237,5 tỷ USD, tăng 11,5%; Thặng dư thương mại năm 2018 đạt khoảng 7,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Con số xuất siêu của Việt Nam trong năm nay đã gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2018, cùng với tăng trưởng GDP chung cả nước, thương mại trong nước đã nỗ lực vượt qua khó khăn để đạt được các chỉ tiêu của ngành. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội đạt khoảng 4.395,7 nghìn tỷ đồng tăng 11,7% so với năm 2017, vượt kế hoạch đề ra năm 2018 là tăng 10-10,5% so với năm 2017. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm nay ước tính đạt 3.306,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,21% tổng mức và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.
Về công tác hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã có những bước đi khá vững chắc để đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, giúp nền kinh tế có khả năng chống chọi tốt hơn với các biến động trên quy mô toàn cầu trong bối cảnh xung đột thương mại đang diễn ra trên bình diện quốc tế.
Ngày 10 tháng 11 năm 2018, Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã ký Biên bản bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đang quản lý 432 TTHC (291 TTHC thực hiện ở Trung ương, 141 TTHC thực hiện ở địa phương). Tất cả 291 TTHC thực hiện ở cấp Trung ương đã được Bộ Công Thương triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 2 trở lên; trong đó, có 151 DVCTT ở mức độ 3 và mức độ 4 (Bộ Công Thương trực tiếp thực hiện 143 DVCTT và ủy quyền cho VCCI thực hiện 8 DVCTT) đã được tích hợp trên Cổng DVCTT của Bộ, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Bộ Công Thương hiện đã kết nối 11 DVCTT với Cổng thông tin một cửa quốc gia (VNSW).
Về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ Công Thương đã hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh; kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Danh Mục ngành nghề kinh doanh có Điều kiện của Luật Đầu tư tại Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Năm 2019: Quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra
Bàn về mối quan hệ hợp tác thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng nông sản của Việt Nam với Bộ Công Thương, phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thộn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh đến việc hai Bộ cần tăng cường hơn nữa việc mở rộng, phát triển thị trường, đặc biệt tăng cường kỹ năng bảo vệ thị trường trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương đã thống nhất năm 2019 tổ chức các Hội nghị, Hội thảo để bàn luận cụ thể nhằm tăng cường liên kết, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng nông sản của Việt Nam ngày càng tăng trưởng.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá cao sự phối hợp của Bộ Công Thương với các địa phương trong các hoạt động sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại. Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, nhờ hệ thống Thương vụ của Bộ tại các nước, các địa phương như Hà Nội đã thuận lợi trong việc kết nối, tiếp cận thị trường nước ngoài, thúc đẩy hàng hóa vào chuỗi bán lẻ của các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Úc, Pháp...
Ảnh: Báo Công Thương
Báo cáo trước hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2019 tăng 6,8%, ngành Công Thương quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu sau đây:
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 9 - 10%.
Cân đối xuất nhập khẩu: Xuất khẩu năm 2019 dự kiến đạt khoảng 265 tỷ USD, tăng khoảng 8 - 10% so với năm 2018; nhập khẩu khoảng 268 tỷ USD, tăng khoảng 11,7%. Nhập siêu ước khoảng 3 tỷ USD. Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức dưới 2%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 11,5 - 12%.
Cân đối về điện: Nhu cầu điện năm 2019 dự kiến tăng khoảng 10,4% so với năm 2018, điện sản xuất và mua năm 2019 khoảng 232,5 tỷ kWh .
Năm 2019, ngành Công Thương xác định những nhiệm vụ trọng tâm là:
Tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Triển khai tích cực Đề án và Kế hoạch cơ cấu lại các ngành công nghiệp; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Rà soát cơ chế, chính sách tác động đến công nghiệp của từng ngành, sản phẩm. Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu để hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, chủ động tham gia và tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế.
Phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, ổn định cung - cầu hàng hóa; tăng cường kiểm soát chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khỏe nhân dân; thắt chặt công tác quản lý thị trường.
Tập trung phát triển, khai thác cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng cho các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn.
Thực hiện đồng bộ và khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, đồng thời tích cực chuẩn bị trong nước cho việc thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới.
Đẩy nhanh việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết có hiệu lực.
Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển các công trình, dự án ngành công nghiệp có tính kết nối, lan tỏa phát triển giữa các ngành, lĩnh vực, vùng miền.
Tập trung bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu phát thải đối với các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là các ngành có nguy cơ ô nhiễm môi trường và phát thải cao như sắt thép, xi măng, hóa chất, nhiệt điện.
Thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch về cải cách hành chính, trọng tâm là đơn giản hóa thủ tục hành chính; kiểm soát thủ tục hành chính, rà soát, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; đổi mới mạnh mẽ việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức. Công khai, minh bạch hoạt động quản lý, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước.
Thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, không để các vụ việc tồn đọng kéo dài.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền theo hướng công khai, minh bạch và hiệu quả.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Ngành Công Thương "chỉ có tiến, không có lùi"
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, sau nhiều năm đổi mới ngành Công Thương Việt Nam đã liên tục phát triển, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, và động lực quan trọng cho sự phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước, đặc biệt là những năm gần đây.
Bộ Công Thương đã xây dựng thể chế, tái cơ cấu đổi mới phương thưc quản lý với những bước đi vững chắc trong đó đặc biệt Bộ đã trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội ban hành một số Luật như Luật quản lý cạnh tranh, Luật quản lý xây dựng vật liệu nổ, Pháp lệnh Quản lý thị trường...
Thủ tướng biểu dương cao năm 2018, Bộ Công Thương đã cắt giảm đến 677/1216 điều kiện của 27 ngành nghề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ. Bộ Công Thương vẫn là Bộ đi đầu trong việc phát triển dịch vụ công trực tuyến, Cổng thông tin một cửa quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng 37 bậc, xếp thứ 27 thế giới và thuộc nhóm đầu ASEAN là điểm bất ngờ tiến bộ của Bộ Công Thương. Việt Nam là một trong những nước tự hào là chỉ số tiếp cận điện năng tốt nhất, tăng nhanh nhất.
Tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân viên và người lao động của Ngành Công Thương về những kết quả quan trọng mà Bộ đạt được trong năm 2018 đã góp phần quan trọng trong thành tựu chung của cả nước. Bộ Công Thương đã hết sức cố gắng, có nhiều cải cách mạnh mẽ, quyết liệt đồng hành với sự phát triển của ngành Công Thương nói riêng và các ngành kinh tế nước ta nói chung. Thủ tướng biểu dương đánh giá cao tập thể lãnh đạo Bộ, đứng đầu là Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đoàn kết quyết tâm triển khai đồng bộ, chỉ đạo tập trung trọng điểm để thúc đẩy mạnh mẽ, toàn diện trong thời gian qua. Thủ tướng đánh giá cao nhiều địa phương trong cả nước, trước hết là các tỉnh, thành phố trọng điểm đã quyết liệt tổ chức sản xuất, chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ.
Thủ tướng cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của Bộ Công Thương cần khắc phục trong thời gian tới như: tính chủ động trong công tác lập, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch; chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn có giá trị gia tăng cao ổn định; tổ chức thị trường trong nước còn nhiều bất cập, giải phóng mặt bằng tạo điều kiện sản xuất công nghiệp phát triển của các tỉnh chưa được quan tâm...
Thủ tướng biểu dương Bộ Công Thương trong vòng 3 ngày đã có chương trình hành động cụ thể triển khai Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 của Chính phủ. Đây là một hành động quyết liệt, với hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp cụ thể...
Năm 2019, Thủ tướng giao cho ngành Công Thương 10 nhiệm vụ:
Thứ nhất, giải pháp quan trọng để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ là ứng dụng khoa học công nghệ. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số, công nghiệp 4.0 là vấn đề đặt ra rất lớn đi liền đó là nguồn nhân lực tốt để nâng cao năng suất lao động trong ngành công nghiệp từ điện lực cho đến hóa chất... phải tính toán lại để cơ cấu lao động hợp lý có năng suất cao. Muốn vậy đào tạo nguồn nhân lực phải trở thành vấn đề quan trọng, then chốt.
Thứ hai, tập trung giải quyết vấn đề thể chế, đổi mới phương thức quản lý nhà nước trong lĩnh vực theo hướng chuyển tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm tạo môi trường thông thoáng trong đầu tư phát triển.
Thứ ba, đổi mới công tác triển khai lập, thẩm định, trình duyệt và công bố quy hoạch trong ngành Công Thương theo quy định lập quy hoạch để không vì quy hoạch mà xảy ra tình trạng xin, cho hoặc chậm trễ.
Thứ tư, tập trung triển khai quyết liệt đạt hiệu quả cao nhất, định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030 một cách cụ thể để thực hiện Nghị quyết 23 ngày 23/3/2018 của Bộ Chính trị trong đó có việc tái cơ cấu, cấp chi phí năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ năm, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu thuộc ngành Công Thương một cách thực chất, chặt chẽ và hiệu quả.
Thứ sáu, tiếp tục xử lý tồn tại, yếu kém của Dự án thuộc ngành Công Thương theo đúng phương án, kế hoạch được giao.
Thứ bảy, tiếp tục xử lý một cách căn bản hơn các vấn đề về xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường ngoài nước. Đi liền với đó là vấn đề phòng vệ thương mại, hội đồng cạnh tranh phải được tăng cường, củng cố. Trong vấn đề thị trường cũng như trong sản xuất, Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò của Hiệp hội, ngành hàng. Thủ tướng yêu cầu phản ứng chính sách, điều chỉnh chủ trương một cách mau lẹ. Coi trọng công tác theo dõi, bám sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế từ đó có hững phản ứng kịp thời hơn. Thủ tướng đã thành lập tổ công tác trong đó Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm tổ trưởng cùng các Bộ Tài chính, Ngân hàng, Bộ Kế hoạch, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tư pháp... làm thành viên để phản ứng mau lẹ hơn với tình hình thị trường.
Thứ tám, đối với kinh tế vĩ mô, lưu ý tình hình hiện nay, diễn biến hàng ngày để chúng ta có đối sách tốt hơn, đừng để trì trệ, đi liền với đó là tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường, tạo lập môi trường lành mạnh, công bằng cho sản xuất, kinh doanh trong nước, trực tiếp góp phần vào nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Đặc biệt, thứ chín là triển khai có hiệu quả chiến lược phát triển thương mại trong nước đồng bộ về giải pháp, coi trọng nội dung nền kinh tế. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương không mất thị trường bán lẻ trong nước. Một yêu cầu khẩn thiết được giao cho Bộ Công Thương và các tỉnh là tổng kết chủ trương người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, đặc biệt Chính phủ đã phát động thêm chủ trương mới là phát động Hàng Việt Nam chinh phục hàng Việt Nam.
Thứ mười, tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí, kỷ cương, kỷ luật hành chính trong ngành, giám trách nhiệm nêu gương các cấp lãnh đạo trongBộ, ngành Công Thương theo phương châm hành động của Chính phủ, thực hiện tốt công tác cán bộ, cán bộ thực sự vì công việc, có bản lĩnh,sáng tạo đảm đương tốt nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chú trọng một số nội dung khác như: chú ý đến an toàn thực phẩm cho sản xuất và tiêu dùng trong nước và xuất khẩu một cách tuyệt đối, xử lý nghiêm kể cả xử lý hình sự những tổ chức, cá nhân vi phạm luật an toàn vệ sinh thực phẩm đối với người tiêu dùng kể cả trong nước và ngoài nước. Các đồng chí ở các đơn vị thuộc Bộ phải tập trung thực thi nhiệm vụ có chương trình công tác cụ thể để thực hiện vượt mức các nhiệm vụ mà Bộ trưởng, Ban cán sự Đảng Bộ đã giao.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam có thể trở thành con hổ, con rồng hay không chính là phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển đột phá của ngành Công Thương Việt Nam trong thời gian tới. Với niềm tin và sự thành công liên tiếp trong ba năm vừa qua, Thủ tướng tin tưởng rằng toàn ngành Công Thương "chỉ có tiến và không có lùi" vì quyền lợi của dân tộc, vì đời sống của nhân dân.
Thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ và toàn thể người lao động ngành Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đối với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Bộ trưởng khẳng định, Bộ Công Thương sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến chì đạo của Thủ tướng, cụ thể hóa trong kế hoạch hành động của toàn Ngành, nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng thời để trả lời về những câu hỏi, những yêu cầu mà Thủ tướng đặt ra cho ngành Công Thương.
Phương Thảo, Hồng Hạnh (nguồn: moit.gov.vn)