Chương trình phát triển đoàn viên giai đoạn 2013 - 2018: Phát triển thêm hơn 2 triệu đoàn viên so với đầu nhiệm kỳ
Chương trình phát triển đoàn viên giai đoạn 2013 - 2018 đã được các cấp công đoàn tập trung triển khai thực hiện với nhiều giải pháp đa dạng và đạt kết quả quan trọng.
Tính đến 30.11.2017, cả nước đã có 10.051.052 đoàn viên sinh hoạt tại 126.313 CĐCS, tăng hơn 2,1 triệu đoàn viên so với đầu nhiệm kỳ, hoàn thành trước thời hạn gần 1 năm so với chỉ tiêu đặt ra tại Đại hội XI Công đoàn Việt Nam.
Hoàn thành chỉ tiêu trước thời hạn
Chỉ tiêu mới được Đại hội XI CĐ Việt Nam quyết định trong nhiệm kỳ (2013-2018) với mục tiêu phấn đấu đến năm 2018 cả nước có 10 triệu đoàn viên; 90% trở lên số đơn vị, doanh nghiệp sử dụng 30 lao động trở lên thành lập được tổ chức CĐCS. Đây là mục tiêu lớn, mang tính đột phá nhằm xây dựng tổ chức CĐ có quy mô lớn hơn. Tuy việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phát triển đoàn viên nhiệm kỳ 2013-2018 gặp một số khó khăn, thách thức, nhưng bằng sự nỗ lực và quyết tâm cùng cách tổ chức thực hiện khoa học nên đã hoàn thành chỉ tiêu Đại hội XI CĐ Việt Nam trước thời hạn.
Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã thành lập Ban Chỉ đạo chương trình và giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai chương trình đến các cấp CĐ, trong đó xác định những nhiệm vụ trọng tâm và giao chỉ tiêu cụ thể cho các đơn vị để thực hiện chương trình từ năm 2013 đến hết năm 2017; Chỉ đạo các LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành T.Ư, CĐ TCty trực thuộc Tổng LĐLĐVN tổ chức khảo sát, nắm tình hình DN, lao động; thực hiện đăng ký phát triển đoàn viên, CĐCS từ năm 2013 đến hết năm 2017.
Bên cạnh đó, giao chỉ tiêu cho 83/83 LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành T.Ư, CĐ TCty trực thuộc Tổng LĐLĐVN, từ năm 2013-2017: Đối với 63 LĐLĐ tỉnh, thành phố phát triển tăng thêm hơn 2,1 triệu đoàn viên; đối với 20 CĐ ngành T.Ư, CĐ TCty được giao phát triển mới 222.000 đoàn viên. Phấn đấu có 90% trở lên các đơn vị, DN sử dụng 30 lao động trở lên thành lập được tổ chức CĐCS. Đặc biệt, BCH Tổng LĐLĐVN chọn năm 2016 là “Năm phát triển đoàn viên” và kết quả đã tạo bước đột phá trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.
Đa số các đơn vị đã xác định công tác phát triển đoàn viên, xây dựng CĐCS vững mạnh là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của tổ chức CĐ. Chỉ tiêu kết nạp đoàn viên và nhiệm vụ xây dựng CĐCS vững mạnh được đưa vào nghị quyết đại hội CĐ cùng cấp, đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch và đề ra các giải pháp thực hiện công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong cả nhiệm kỳ.
Lễ ra mắt, kết nạp đoàn viên mới của CĐ Công ty CP Tân Phú Hà Nội, thuộc Công đoàn Công Thương Việt Nam
Kết quả đến hết năm 2017, đã có 44/83 đơn vị đạt và vượt chỉ tiêu Tổng LĐLĐVN giao trong nhiệm kỳ. Một số tỉnh, thành phố được giao cao nhưng vẫn phấn đấu và đã đạt kết quả cao như LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên (405,04%), Tây Ninh (337,66%), Bắc Ninh (213,67%), Bình Dương (162,97%), Hưng Yên (190,83%), Ninh Bình (170,86%). Một số đơn vị có số lượng đoàn viên tăng thêm lớn trong nhiệm kỳ như Bình Dương (189.027 đoàn viên), Đồng Nai (227.104 đoàn viên); Hà Nội (146.004 đoàn viên); TP.Hồ Chí Minh (345.249 đoàn viên).
Nắm bắt tâm tư, việc làm, đời sống rồi mới vận động
Các LĐLĐ tỉnh, thành phố và CĐ ngành T.Ư đã triển khai trong các cấp CĐ thực hiện phát triển đoàn viên theo phương pháp mới. Tiêu biểu có một số đơn vị đã đạt kết quả tốt như: LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Giang, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng... Các đơn vị thành lập theo phương pháp mới đã đảm bảo thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Điều 17, Điều lệ CĐ Việt Nam. Theo báo cáo của các đơn vị đến ngày 30.11.2017, có 45 LĐLĐ tỉnh, thành phố đã thành lập được 1.010 CĐCS theo phương pháp mới, với 97.231 CNLĐ đăng ký tham gia CĐ.
Thông qua việc triển khai, hướng dẫn thực hiện thành lập CĐCS theo phương pháp mới, đã có nhiều sáng kiến đa dạng hóa hình thức tiếp cận NLĐ để nắm bắt tình hình việc làm, đời sống, sinh hoạt của NLĐ tại nơi làm việc, khu nhà trọ và các nơi khác, nhằm vận động, tuyên truyền phát triển đoàn viên; xây dựng nhóm CNLĐ nòng cốt để tổ chức ban vận động thành lập CĐCS tại DN. Hướng dẫn tổ chức hội nghị thành lập CĐCS và đổi mới công tác lựa chọn, giới thiệu nhân sự BCH theo nguyên tắc đoàn viên đề cử từ dưới lên. Việc thành lập CĐCS theo phương pháp mới giúp NLĐ có sự chủ động, tích cực trong việc thành lập tổ chức đại diện của mình tại nơi làm việc, trực tiếp thực hiện quyền thành lập CĐ theo quy định của pháp luật, hạn chế sự can thiệp của người sử dụng lao động trong quá trình thành lập và hoạt động CĐ.
Sau 3 năm thực hiện Hướng dẫn số 1932/HD-TLĐ ngày 27.12.2014 về đánh giá, xếp loại CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở, trong đó khẳng định nhiệm vụ trọng tâm của các cấp CĐ là tập trung cho hoạt động phát triển đoàn viên, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ, các cấp CĐ đã chủ động dành nguồn lực tập trung đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động và đạt được một số kết quả quan trọng. Hằng năm có 100% số CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở và CĐCS, nghiệp đoàn đủ điều kiện đều được chấm điểm, đánh giá, xếp loại. Đối với CĐCS, nghiệp đoàn, sau khi triển khai thực hiện Hướng dẫn số 1931/HD-TLĐ đã có một số chuyển biến tích cực.
Phương thức đánh giá xếp loại chất lượng CĐCS, nghiệp đoàn chặt chẽ hơn. Tỉ lệ CĐCS vững mạnh bình quân giảm (năm 2017 đạt 75,77% vững mạnh, giảm gần 3% so với năm 2011 thực hiện Hướng dẫn số 187/HD-TLĐ). Kết quả đã phản ánh thực tiễn việc xếp loại chất lượng hoạt động CĐCS ngày càng thực chất, làm cơ sở thúc đẩy việc phấn đấu, nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS.
Một trong những kinh nghiệm để đạt kết quả phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức CĐCS vững mạnh là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở có trình độ, kỹ năng, tinh thần trách nhiệm, phương pháp hoạt động tốt để hướng dẫn, hỗ trợ CĐCS thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường chia sẻ những kinh nghiệm điển hình trong đổi mới nội dung, phương thức phát triển đoàn viên, xây dựng sức mạnh tập thể của đông đảo đoàn viên, NLĐ. Coi trọng, quan tâm đồng bộ về mối quan hệ gắn bó giữa phát triển đoàn viên với xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động CĐ, nâng cao lợi ích thiết thực cho đoàn viên để có đủ sức thu hút đông đảo NLĐ tham gia CĐ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền hiệu quả hoạt động CĐ để tác động mạnh mẽ đến tâm tư, tình cảm gắn bó của đoàn viên, NLĐ với tổ chức CĐ.
Nguồn: Laodong online