Đại hội III Công đoàn Công Thương Việt Nam: Ba khâu đột phá trong hoạt động công đoàn nhiệm kỳ mới
Đại hội Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN) lần thứ III, nhiệm kỳ 2018-2023 diễn ra trong bối cảnh, hoạt động tái cơ cấu ngành Công Thương đang diễn ra mạnh mẽ. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang là xu hướng toàn cầu, đồng nghĩa với việc người lao động sẽ bị đòi hỏi cao hơn về trình độ tay nghề nếu không muốn bị máy móc thay thế.
Vì vậy, Đại hội lần này không chỉ là sự kiện trọng đại của đội ngũ đoàn viên, CNVCLĐ ngành Công Thương, lựa chọn những thành viên xuất sắc nhất vào Ban Chấp hành CĐCTVN nhiệm kỳ 2018-2023, mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đề ra các quyết sách đổi mới tổ chức, hoạt động công đoàn cho phù hợp với tình hình mới.
CĐCTVN trao quà Tết cho công nhân trên tuyến đường dây 110 kV Hà Đông - Sơn Tây, đoạn qua xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai
Tôn vinh người lao động trực tiếp
Nhìn lại nhiệm kỳ 2013-2018, các cấp công đoàn của CĐCTVN đã tập trung triển khai nhiều hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho 165.222 đoàn viên, người lao động toàn Ngành với nhiều sự thay đổi tích cực.
Công tác truyền thông đã được CĐCTVN chú trọng đẩy mạnh, đổi mới hình thức phối hợp các loại báo hình, báo giấy, báo điện tử để thông tin các hoạt động công đoàn. Thư viện Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) điện tử được cập nhật với gần 400 TƯLĐTT, là kho dữ liệu vô cùng quý giá để các đơn vị tra cứu, học tập, làm lợi cho người lao động.
Phó Chủ tịch CĐCTVN Trịnh Xuân Tuyên trao tờ rơi về chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn và người lao động
Trong sản xuất, người lao động được chăm lo từ chất lượng bữa ăn công nghiệp đến an toàn vệ sinh lao động, đảm bảo môi trường làm việc tối ưu nhất. Công tác từ thiện xã hội của các đơn vị luôn ưu tiên công nhân lao động ngay tại đơn vị mình. Trong khen thưởng, các cấp công đoàn trong Ngành đặc biệt quan tâm tới người lao động trực tiếp.
5 năm qua, do tác động của việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tinh giản lao động, nên số lượng đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ toàn Ngành có xu hướng giảm. Do đó, CĐCTVN thường xuyên tổ chức tập huấn cho các cán bộ công đoàn cơ sở nắm được sự thay đổi của chính sách, cũng như trang bị những kỹ năng mềm để linh hoạt trong việc là cầu nối giữa người lao động và người chủ doanh nghiệp, sao cho người lao động được lợi nhất, nhưng cũng đảm bảo sự gắn kết quyền lợi và trách nhiệm với doanh nghiệp. Do đó, CNVCLĐ luôn tin tưởng và coi tổ chức công đoàn là chỗ dựa vững chắc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, 5 chương trình toàn khóa của Đại hội đã được đội ngũ cán bộ CĐCTVN bám sát và triển khai thực hiện với quyết tâm cao nhất, tạo sự đổi mới căn bản trong mọi hoạt động của CĐCTVN.
Nâng cao tính chủ động của tổ chức công đoàn
Giai đoạn 2018-2023 đặt ra cho tổ chức công đoàn nhiều thách thức. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc sử dụng công nghệ càng hiện đại sẽ càng đòi hỏi cao hơn đối với lực lượng lao động. Lao động phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có năng lực làm việc tốt, tinh thần và thái độ làm việc hăng say, nhưng đồng thời số lao động cần sử dụng lại giảm đi. Do đó, mất việc làm là nguy cơ hiện hữu đối với lực lượng lao động không đủ khả năng thích ứng và cạnh tranh.
Mặt khác, ngành Công Thương đang nỗ lực đẩy mạnh việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa, đặt ra những yêu cầu mới đối với việc làm, đời sống của đoàn viên, người lao động. Điều này đòi hỏi các cấp công đoàn phải đổi mới tư duy và phương thức hoạt động, vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, vừa khẳng định vị trí, nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn.
Do đó, trong nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp công đoàn của CĐCTVN sẽ tập trung thực hiện ba khâu đột phá: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn; nâng cao hiệu quả nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn và thiết thực chăm lo lợi ích của đoàn viên.
Tất cả các mặt hoạt động của tổ chức công đoàn đều được chú trọng đẩy mạnh, thể hiện vai trò chủ động của Ban Chấp hành công đoàn các cấp. Chuyển từ phương thức chỉ đạo hành chính sang phương thức trực tiếp hỗ trợ công đoàn cơ sở chủ động thực hiện nhiệm vụ. Công tác phối hợp chỉ đạo từ CĐCTVN xuống các công đoàn cơ sở và cấp trên cơ sở phải thật sát sao, kịp thời nắm bắt thông tin, trực tiếp hỗ trợ công đoàn cơ sở, cán bộ, đoàn viên và người lao động trong phạm vi quyền và trách nhiệm của từng cấp công đoàn.
Đại hội lần thứ III CĐCTVN với phương châm “Đoàn kết, đổi mới, dân chủ, trách nhiệm”, thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyết tâm của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ toàn Ngành nhằm tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tổ chức hoạt động công đoàn, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn vững mạnh.
Nguồn TCCT