Vừa qua, Bộ LĐTBXH đưa ra 2 phương án là tăng tuổi nghỉ hưu với nữ lên 60 và với nam là 62, hoặc 65 tuổi. Tuy nhiên, cả 2 phương án đều thực hiện theo lộ trình, mỗi năm tăng từ 3 - 4 tháng. Là chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ lao động, ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐVN - nhận định:
- Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu đã từng được đặt ra nhiều lần trong quá trình soạn thảo Luật Bình đẳng giới năm 2007, Bộ luật Lao động năm 2012 và Luật BHXH năm 2014. Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5.2019, tiếp tục đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu với 5 lý do chính sau đây:
1. Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam hiện đã tăng nhiều so với giai đoạn trước đây (trung bình 73,4 năm, trong đó nam 70,8 năm, nữ là 76,1 năm); trong khi tuổi hưu trung bình của nam là 54,2 tuổi và nữ là 52,6 tuổi, nghĩa là thời gian NLĐ sau khi nghỉ hưu vẫn có thể tiếp tục làm việc còn rất dài. Sẽ lãng phí nguồn lực cho phát triển KTXH nếu không tận dụng được nguồn nhân lực có kinh nghiệm, có trình độ. Ngoài ra, thực tiễn thị trường lao động cho thấy, nhiều người đã nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động, làm việc thêm và họ vẫn có đủ sức khỏe tham gia lao động tiếp.
2. Dân số nước ta đang chuyển từ thời kỳ dân số trẻ sang giai đoạn già hóa dân số, trong tương lai, lực lượng lao động trẻ sẽ thiếu hụt. Thời kỳ dân số già của Việt Nam quá ngắn (khoảng 15 năm), đòi hỏi phải có sự điều chỉnh các chính sách phát triển KTXH một cách nhanh chóng. Việc nâng tuổi nghỉ hưu là chuẩn bị cho tương lai sau này của lực lượng lao động, góp phần tận dụng được nguồn nhân lực cao tuổi nhưng có trình độ, kinh nghiệm trong bối cảnh sức khỏe người lao động ngày càng được cải thiện.
3. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã và đang điều chỉnh tăng tuổi hưu để ứng phó với xu hướng già hóa dân số và thiếu hụt lao động, có nước lên tới 67 tuổi.
4. Bảo đảm bình đẳng giới về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, phù hợp với công ước CEDAW về không phân biệt đối xử.
5. Là 1 giải pháp nhằm bảo đảm cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn. Nếu tiếp tục giữ nguyên các quy định đóng hưởng BHXH như hiện nay thì quỹ hưu trí, tử tuất sẽ mất cân đối trong dài hạn. Nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế và Ngân hàng Thế giới đều kết luận rằng, sau năm 2023 thì quỹ hưu trí - tử tuất của Việt Nam sẽ rơi vào trạng thái thu thấp hơn chi, phải dùng kết dư để chi trả, đến năm 2034 phần kết dư sẽ hết và phải dùng ngân sách nhà nước để bù đắp. Do vậy, phải tăng tuổi nghỉ hưu, thực chất là kéo dài thời gian đóng BHXH, rút ngắn thời gian hưởng để đảm cân đối quỹ hưu trí - tử tuất.
- Theo ông, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có phải là giải pháp chính để phòng ngừa việc “vỡ quỹ BHXH”?
- Cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu để tránh “vỡ quỹ BHXH” là chưa chính xác. Đúng là khi nghiên cứu sửa đổi Luật BHXH 2006 để ban hành Luật BHXH 2014, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) có khuyến nghị, nếu không cải cách chính sách về đóng - hưởng thì nguy cơ quỹ hưu trí và tử tuất sẽ mất cân đối trong dài hạn. Chính từ những khuyến nghị này mà Luật BHXH 2014 đã có nhiều sửa đổi như quy định mở rộng phạm vi đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tạo cơ chế linh hoạt và nâng chế độ ưu đãi cho người tham gia BHXH tự nguyện để mở rộng diện bao phủ; tăng điều kiện tuổi hưởng lương hưu đối với người bị suy giảm khả năng lao động cũng như tăng thời gian đóng BHXH để đạt tỉ lệ hương lương hưu tối đa 75% cho cả nam và nữ.
Để giải quyết nguy cơ mất cân đối quỹ hưu trí - tử tuất, chúng ta phải sử dụng nhiều giải pháp như: Mở rộng đối tượng tham gia BHXH, trong đó tập trung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; chống thất thu quỹ BHXH thông qua việc liên thông số liệu giữa cơ quan thuế và cơ quan BHXH, tăng cường công tác quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ BHXH; cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công nghệ thông tin, tiết kiệm chi phí quản lý quỹ. Sử dụng các hình thức đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH có hiệu quả; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử phạt doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH, giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH.
- Vậy vấn đề gì làm ông băn khoăn nhất trong đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ LĐTBXH?
- Việc tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề phức tạp, tác động đến nhiều yếu tố, vì vậy, cần phải được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, đánh giá tác động cả những yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa một cách khoa học, chính xác.
Băn khoăn lớn nhất về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là chính sách không phân biệt cho những nhóm lao động theo ngành nghề, theo công việc có những đặc thù cụ thể. Việc để “chung một giỏ” khi đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là dễ cho người làm chính sách nhưng sẽ có những tác động không tốt khi thực hiện chính sách. Việc tăng tuổi nghỉ hưu là không phù hợp đối với NLĐ làm việc trực tiếp trong các nhà máy, công xưởng và một số ngành nghề lao động đặc thù. Thực tế hiện nay, rất nhiều NLĐ, nhất là lao động nữ đang làm việc trong các ngành dệt may, da giày, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử bị người sử dụng lao động cho nghỉ việc ở tuổi 35 - 40 với lý do sức khỏe không đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Hiện tại, hầu hết NLĐ khu vực trực tiếp sản xuất, lao động chân tay đều về hưu với mức lương thấp hơn (chế độ hưu khi suy giảm khả năng lao động theo Điều 55, Luật BHXH 2014). Những NLĐ này không thể tham gia lao động trong doanh nghiệp đến lúc đủ tuổi (nam 60, nữ 55) để được hưởng chế độ hưu đầy đủ. Nếu tuổi nghỉ hưu tăng, đồng nghĩa NLĐ sẽ về hưu với tiền lương rất thấp và sẽ là gánh nặng cho chính NLĐ cũng như cho xã hội, thậm chí một số sẽ hưởng thấp hơn chuẩn nghèo.
- Xin cảm ơn ông.
Công nhân may 55 tuổi không xỏ được lỗ kim, tăng tuổi hưu ra sao? Nữ công nhân may ở tuổi 55 đã không còn xỏ được lỗ kim, 40 tuổi đã được doanh nghiệp tìm cách cho… về hưu. Vậy sắp tới, nếu nâng tuổi hưu lên nữa, những đối tượng này sẽ như thế nào? Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trần Văn Triều - Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, LĐLĐ TPHCM - chia sẻ ý kiến liên quan đến thông tin về việc Bộ LĐTBXH đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu (5 năm với lao động nữ và từ 2-5 năm đối với lao động nam). Ông Trần Văn Triều cho biết thêm: - Không nên tăng tuổi hưu đối với lao động trực tiếp sản xuất. Với những người tiếp xúc nhiều với công nhân trực tiếp sản xuất như chúng tôi, quan điểm này là trước sau như một. Nếu có tăng tuổi hưu thì nên chọn lọc đối tượng, có thể ở cán bộ quản lý, nghiên cứu khoa học. Vừa qua, Trung tâm tư vấn pháp luật LĐLĐ TPHCM có tiến hành nhiều cuộc khảo sát tại một số doanh nghiệp trực tiếp sản xuất như may, giày da, thủy sản, theo đó, 100% người lao động được hỏi không đồng ý tăng tuổi hưu đối với cả nữ lẫn nam. Còn đi lấy ý kiến một số đơn vị như bệnh viện, ngành giáo dục thì 50% số người được lấy ý kiến đồng ý tăng, còn lại không đồng ý. Hơn nữa, đối tượng quản lý, làm công tác khoa học không nhiều, cho nên, nếu lấy đối tượng này để xem xét tăng tuổi hưu cho tất cả lao động là không hợp lý. Như vậy, ngay trong đối tượng quản lý, đối tượng lao động trí óc cũng không đồng ý tăng tuổi hưu? - Đúng vậy, chỉ 50% là có ý muốn tăng tuổi hưu. Tôi cũng muốn chia sẻ thêm ở đối tượng lao động trực tiếp sản xuất. Lao động nữ trong nhóm này khi 55 tuổi thì sức khỏe đã rất yếu, tăng lên nữa là rất cực cho họ. Thời giờ làm việc, ăn uống, chăm sóc sức khỏe đối với lực lượng lao động trực tiếp sản xuất cũng không được tốt, sức khỏe họ suy giảm rất nhanh. Ví dụ công nhân may, khi 55 tuổi, họ xỏ lỗ kim không qua, tăng tuổi hưu nữa thì họ làm được gì? Về ý kiến cho rằng, nếu không tăng tuổi hưu thì sẽ vỡ quỹ BHXH, ông có ý kiến gì? - Khi đưa ra phương án tăng tuổi hưu, Bộ LĐTBXH có những lý giải, trong đó có ý kiến là tăng tuổi hưu để quỹ BHXH đảm bảo hơn. Tuy nhiên, nói đi thì cũng nói lại, hiện nay, lực lượng cán bộ công chức viên chức hưởng lương từ ngân sách khá lớn. Đối tượng này khi làm việc đến ngoài 55 tuổi (đối với nữ) và ngoài 60 tuổi (đối với nam) thì mức lương để làm căn cứ đóng BHXH khá cao, đặc biệt là đối tượng làm cán bộ quản lý. Như vậy, khi lực lượng lao động này tiếp tục lao động, tham gia BHXH thì ngân sách nhà nước phải chi một số tiền khá lớn để đóng BHXH cho họ, việc này cũng cần phải tính toán kỹ. Xin cảm ơn ông! LÊ TUYẾT thực hiện |
VIỆT LÂM (Nguồn Báo Lao động)