/Images/Upload/User/thanhhuong/2017/10/11-xuat-khau-trai-cay-1wyii-1508804498173.jpg
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh - thông tin cụ thể như sau:
1. Thị trường Trung Quốc thay đổi, nhiều DN Việt lao đao.
Chuyên trang Phụ nữ và Đời sống đưa tin: Doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi cách làm ăn với Trung Quốc nếu không muốn đánh mất thị trường rộng lớn vào tay các nước khác.
Lâu nay nhiều người đều cho rằng thị trường như TQ rủi ro cao. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hà Nam, Tổng Giám đốc Intimex Group, nhận xét: “Bản thân DN VN lại không hiểu rõ về thị trường này dù là nước láng giềng và đã xuất khẩu nhiều năm”.
Hậu quả là có khi DN xuất khẩu VN rơi vào nghịch cảnh. Ví dụ khi TQ ăn nhiều gạo cấp cao, gạo nếp, gạo thơm thì DN nước ta lại không có hàng để bán, dù bao nhiêu họ cũng mua. Trong khi gạo cấp thấp thì DN tồn kho lớn, bán không ai mua.
Đến thời điểm hiện nay, đa số hàng hóa nông sản, thủy sản VN xuất khẩu sang TQ đều xuất dạng thô, giá trị thấp do DN VN thường chọn cách dễ làm nhất để bán và bán được với khối lượng lớn. Trong khi đó nhu cầu sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng của TQ là rất lớn.
Thế nhưng đáng tiếc là DN VN lâu nay làm ăn hời hợt với đối tác TQ; chỉ dừng ở mối quan hệ hàng qua cửa khẩu là xong việc, không tiếp cận được với hệ thống phân phối bán lẻ, không tiếp cận được với người tiêu dùng nước này.
2. Vấn đề sửa đổi Luật Cạnh tranh.
Ngày hôm nay (24/10), trên nhiều báo có phản ánh về vấn đề sửa đổi Luật Cạnh tranh: Chiều 23/10, Chính phủ có tờ trình Quốc hội về Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Dự thảo sẽ bổ sung một số nội dung liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh và mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam...; mở rộng đối tượng áp dụng; quy định cấm đối với hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường được điều chỉnh theo hướng nhấn mạnh vào hậu quả, tác động hạn chế cạnh tranh.
3. Điều kiện kinh doanh nhập khẩu ô tô- Lợi cho ai?.
Được bàn thảo lấy ý kiến và chờ đợi khá lâu, nhưng khi Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô (NĐ 116) được ban hành, lập tức khiến cho các DN “bàng hoàng”.
Nhiều quy định mới chặt chẽ hơn, dự đoán sẽ tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh ô tô trong thời gian tới. Số DN đáp ứng được quy định sẽ còn rất ít, quyền lợi người tiêu dùng, một mặt được nâng lên song mặt khác cũng sẽ ảnh hưởng.
NĐ 116 được xem “hàng rào kỹ thuật” để giảm lượng xe NK. Việc Chính phủ phải tiến hành các giải pháp hạn chế ô tô NK là điều đương nhiên trong bối cảnh thuế NK trong khu vực về 0% vào năm 2018, xu thế NK ô tô sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, NĐ 116 cũng kỳ vọng sẽ tạo động lực cho ngành SXLR ô tô, vốn có đóng góp lớn cho ngân sách, giải quyết cho hàng trăm nghìn lao động hiện nay. Bởi rõ ràng nếu không có chính sách nhằm phát triển sản xuất công nghiệp ô tô tại Việt Nam, vào thời điểm năm 2018, nguồn xe NK từ Thái Lan, Indonesia và Malaysia sẽ khiến thị trường Việt Nam trở thành nơi tiêu thụ sản phẩm của các nước láng giềng. Khi đó, những DN đã và đang đầu tư vào ngành ô tô và sản xuất linh phụ kiện tại Việt Nam sẽ không có cơ hội phát triển, gây tổn tại lớn đối với nền kinh tế.
Tuy nhiên nói vậy không có nghĩa là các các DN SXLR trong nước không phải chịu các quy định “siết chặt” về điều kiện sản xuất, kinh doanh ô tô.
Có thể nói việc siết chặt các điều kiện về SXLR ô tô tại NĐ 116 sẽ giúp cho chiến lược phát triển ô tô của Việt Nam có những bước đi căn cơ hơn, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng hơn. Tuy nhiên “chặt” đến mức chỉ còn ít, thậm chí là rất ít DN đáp ứng được thì lại là vấn đề cần được tính đến nhằm đảm bảo một môi trường kinh doanh tự do, bình đẳng, canh tranh công bằng.
4. Xử lý 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương, hết sức lưu ý khâu định giá bất động sản.
Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém 12 dự án, DN. Quan điểm của Bộ là kiên quyết không cấp thêm vốn nhà nước và cho phá sản nếu không có khả năng khắc phục.
Trong báo cáo, Bộ Công thương nêu quan điểm bảo đảm thực hiện các phương án xử lý theo đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch; tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình thực hiện các chủ trương, giải pháp xử lý các dự án, doanh nghiệp; hết sức lưu ý đối với khâu định giá tài sản, nhất là giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Kiên quyết xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp; Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp nêu trên.
Bộ Công Thương đặt mục tiêu trong năm 2017 hoàn thành phương án xử lý đối với từng dự án, doanh nghiệp và kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai thực hiện. Đến hết năm 2018, xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp. Năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp.
LH (Nguồn VP Bộ CT)