Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh - thông tin cụ thể như sau:
1. Bộ Công Thương: 'Kiên quyết không cấp vốn cho các dự án thua lỗ'.
Trên nhiều báo đưa tin, Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả. Đồng thời, kiên quyết xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp.
Đây là quan điểm xử lý các doanh nghiệp nhà nước gây thua lỗ trong báo cáo gửi đến các vị đại biểu Quốc hội về kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cam kết tiến hành thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ những sai phạm, vi phạm pháp luật ở từng dự án, doanh nghiệp, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan, xử lý nghiêm minh và sớm hoàn tất các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật.
2. Ngành Công Thương: Chú trọng an toàn thực phẩm.
Thực hiện Đề án “Đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngành Công Thương” năm 2017, Sở Công Thương nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm (ATTP) cho người dân, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn.
Thực tế cho thấy, do nguồn kinh phí để triển khai công tác đảm bảo ATTP của ngành còn ít; lực lượng cán bộ phụ trách ATTP còn mỏng… nên công tác đảm bảo ATTP còn hạn chế.
Để thực hiện tốt hơn công tác quản lý ATTP năm 2017, Sở Công Thương các tỉnh kiến nghị, các bộ, ngành ngoài việc có chính sách phân bổ thêm kinh phí cần ban hành đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về thực phẩm làm cơ sở cho việc công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định và căn cứ để thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực ATTP…
3. Thực chất cho E5.
Từ ngày 1.1.2018, cả nước sẽ sử dụng xăng sinh học E5, thay thế cho xăng A92 vẫn quen sử dụng lâu nay. Và, từ năm 2019 trở đi, khai tử luôn xăng A95, mà cả nước chỉ sử dụng duy nhất một loại xăng E10. Thật ra, việc định hướng người dân sử dụng xăng E5 đã có từ ngày 1.12.2015. Tuy nhiên, quy định này đã... không như mong muốn, khi trên thực tế, dòng người đổ xăng tại các cửa hàng vẫn kẹt cứng xài A92 và A95.
Tiến sĩ kinh tế Lê Bá Chí Nhân cho biết: “Muốn thuyết phục đại đa số người dân sử dụng xăng E5, thì phải xây dựng cho xăng E5 một khuôn mặt... thực chất hơn. Không thể áp đặt mệnh lệnh hành chánh làm căn bản. Điều quan trọng là về giá, phải giảm từ 1.000-2.000 đồng/lít, mới đủ tạo cho xăng E5 sức cạnh tranh với xăng A92. Không thể có chuyện nhập nhèm đánh lừa người tiêu dùng loại xăng “E5-A92”, trong khi đã khai tử A92. Ngoài ra, phải tuyên truyền những ưu việt khi sử dụng xăng E5 về bảo vệ môi trường. Giảm các loại thuế, phí đầu vào cho xăng E5, để không tăng giá đầu ra...”.
Thật vậy, ở TPHCM, nếu như tháng 10.2016, bình quân tiêu thụ 8.330m3 xăng E5/tháng, thì tháng 8.2017, con số trên giảm còn 8.053m3/tháng, chiếm 6,2% tổng sản lượng xăng tiêu thụ - giảm 3,3% so với tháng 10.2016. Số cửa hàng bán xăng E5 vào tháng 10.2016 là 282/533 cửa hàng, thì nay con số trên cũng... giảm xuống 240/533 cửa hàng. Rõ ràng, để cho xăng E5 hấp dẫn được người tiêu dùng và để người dân bỏ thói quen sử dụng xăng A92, vẫn còn rất nhiều việc phải làm... thực chất hơn. Chứ không thể hình thức cho có hay tiểu xảo... nhập nhèm như đang diễn ra hiện nay.
LH (Nguồn VP Bộ CT)