banner2019
 
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Điểm tin ngành Công Thương ngày 13/10/2017
Cập nhật lúc 09:49 ngày 15/10/2017
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh - thông tin cụ thể như sau:
1. Dẹp giấy phép con chỉ là bước đầu để kỳ vọng doanh nghiệp “dễ thở” hơn.
VOV đưa tin, tín hiệu tích cực từ cuộc chiến với giấy phép con – điều kiện kinh doanh vô lý – khiến cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng môi trường kinh doanh sáng lên.
Sau khi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký Quyết định 3610a/QĐ-BCT về việc sẽ cắt giảm khoảng 675 điều kiện kinh doanh thuộc ngành Công Thương, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá đây là sự tiên phong, nhưng việc thực hiện loại bỏ giấy phép con sẽ còn rất khó khăn.
Thực ra, không dễ để có được tin tốt này từ Bộ Công Thương, khi các kiến nghị bãi bỏ điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực công thương thường là nóng nhất, bị kêu ca nhiều nhất và cũng thuộc diện lâu phản hồi nhất.
Viện trưởng CIEM chia sẻ sự tin tưởng vào kế hoạch mà Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã công bố vì nó có mục tiêu và phương án rõ ràng. “Đây không phải là lời tuyên bố suông vì có cơ sở để doanh nghiệp, truyền thông và cả xã hội giám sát”, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh. 
2. Giấc mơ ô tô Việt Nam: 20 năm sau liệu có thể hiện thực hóa?
Trên nhiều bài viết ngày hôm nay (13/10) phản ánh xung quanh những nội dung tại Hội thảo “Công nghiệp ô tô và cơ hội phát triển mạng lưới sản xuất tại Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức ngày 12.10, với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô, các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ để tìm ra phương hướng hiện thực hóa giấc mơ ô tô Việt Nam nhưng kết quả vẫn bế tắc.   
Bài viết nhấn mạnh, Bộ Công Thương thừa nhận sự thất bại của ngành công nghiệp ô tô sau 20 năm triển khai, tuy nhiên bàn giải pháp cho giấc mơ ô tô Việt trong 20 năm tới, cả chuyên gia và nhà quản lý vẫn loay hoay và bế tắc.
Để có cái nhìn tổng quan về ngành công nghiệp ô tô sau 20 năm phát triển, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trước đó Chính phủ đã chỉ đạo thành lập một Tổ công tác đặc biệt, trong đó chủ đạo là Bộ Công Thương để tiến hành khảo sát thực tế, xuống tận các doanh nghiệp sản xuất ô tô, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, qua đó đã có một báo cáo toàn diện về ngành công nghiệp ô tô để trình Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công Thương cũng thừa nhận thất bại trong việc nâng tỷ lệ nội địa hóa xe dưới 9 chỗ. Bộ từng xây dựng mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010. Tuy nhiên đến hiện tại chỉ đạt bình quân 7-10%.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng thừa nhận, ưu tiên hiện nay hơi ngược, hỗ trợ doanh nghiệp lớn nhằm tạo ra dung lượng đủ lớn mới kéo theo công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp lớn phát triển kéo theo doanh nghiệp nhỏ và vừa đi theo.
LH (Nguồn VP Bộ CT)