“Công đoàn (CĐ) là tổ chức chính trị xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, người lao động, thành viên của hệ thống chính trị Việt Nam, có vai trò cực kỳ quan trọng, nhất là trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Hoạt động CĐ góp phần to lớn vào xây dựng quan hệ lao động (QHLĐ) hài hòa ổn định, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế vì “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Chính vì vậy, tạo điều kiện, hỗ trợ để CĐ hoạt động không chỉ vì tổ chức CĐ, mà thực chất vì sự trong sạch, lớn mạnh của hệ thống chính trị, sự phát triển và tiến bộ của xã hội và vì sự gắn bó của người lao động với thể chế chính trị”.
Đó là khẳng định của PGS-TS Dương Văn Sao - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học CĐ - trong buổi trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về vai trò của tổ chức CĐ trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng.
- Ông đánh giá như thế nào về những thách thức đối với Việt Nam khi ngày càng hội nhập sâu rộng hơn, tham gia nhiều hơn các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới?
- Hội nhập quốc tế góp phần rất lớn đến phát triển kinh tế xã hội, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của Việt Nam là trình độ phát triển của Việt Nam còn thấp so với thế giới; hệ thống pháp luật chưa thực sự đồng bộ và tương thích với quốc tế; việc thực thi chưa nghiêm, kinh nghiệm vận hành nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế chưa nhiều, nên mặt trái của hội nhập và kinh tế thị trường sẽ tác động mạnh đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trước tiên là tác động vào lĩnh vực kinh tế, sau đó lan tỏa đến văn hóa, xã hội và chính trị.
Điều này đòi hỏi các ngành, các cấp và toàn xã hội phải nỗ lực phi thường để tận dụng mọi thời cơ, ngăn chặn đẩy lùi thách thức. Trong đó, cần quan tâm xây dựng, hoàn thiện cơ chế, hệ thống chính sách, pháp luật cho phù hợp với cơ chế thị trường và từng bước tương thích với các công ước và hiệp định mà Việt Nam đã ký kết. Đặc biệt, cần quan tâm đến tổ chức thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật để đảm bảo trật tự kỷ cương. Đồng thời với xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện nghiêm chính sách pháp luật cần tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống chính trị, tiến hành quyết liệt cải cách hành chính, theo hướng gọn nhẹ, tinh, hiệu lực, hiệu quả, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi quan liêu, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu nhân dân, để hệ thống chính trị của nước ta thực sự là của dân, do dân và vì dân, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
- Ông đánh giá như thế nào về vai trò quan trọng của tổ chức CĐ trong tình hình hội nhập sâu rộng hiện nay?
- Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với tư cách là tổ chức chính trị xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, giai cấp tiên phong, vận hành những công cụ sản xuất quan trọng nhất quyết định tốc độ phát triển của nền kinh tế, vai trò của CĐ ngày càng hết sức quan trọng không chỉ trong lĩnh vực xây dựng, củng cố và tăng cường, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị mà còn có vai trò đặc biệt trong lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa xã hội theo định hướng “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Điều này được thể hiện: Thứ nhất, CĐ là người gần gũi nhất với công nhân, lao động, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc và tập hợp trí tuệ của công nhân lao động, đại diện cho công nhân lao động tham gia với Đảng, Nhà nước đề ra đường lối chủ trương, chính sách, pháp luật đúng đắn, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước phồn thịnh.
Thứ hai, CĐ tuyên truyền, phổ biến, vận động và tổ chức công nhân lao động đi tiên phong trong thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm biến đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trở thành hiện thực sinh động trong xã hội. Giáo dục công nhân lao động nâng cao giác ngộ giai cấp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong lao động công nghiệp. CĐ giáo dục, bồi dưỡng công nhân lao động, nhằm giới thiệu cho Đảng những công nhân, lao động ưu tú để xem xét kết nạp góp phần xây dựng Đảng lớn mạnh.
Thứ ba, CĐ đại diện cho người lao động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, tham gia kiểm tra giám sát thực hiện chính sách, liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động, vận động, tổ chức công nhân lao động nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật lao động, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, vận động CNLĐ lao động với năng suất, chất lượng hiệu quả cao, góp phần xây dựng QHLĐ hài hòa ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội phát triển. Vận động, tổ chức công nhân, lao động đấu tranh chống tiêu cực và các tệ nạn xã hội, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Vì vậy, trong giai đoạn mới cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ hơn về vai trò của tổ chức CĐ. Cần tạo điều kiện, hỗ trợ để cho tổ chức CĐ hoạt động. Thực chất không phải chỉ vì tổ chức CĐ mà là còn vì sự phát triển của xã hội; vì lòng tin của CNLĐ với thể chế chính trị; và vì sự ổn định về chính trị và sự tiến bộ của xã hội.
Xin cảm ơn ông!
QUẾ CHI (THỰC HIỆN)
(Nguồn Báo Lao động)