banner2019
 
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Điểm tin ngành Công Thương ngày 27/9/2017
Cập nhật lúc 03:43 ngày 27/09/2017
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh - thông tin cụ thể như sau:
1. Bộ Công Thương chậm thoái vốn, 2 ông lớn ngành bia có thể bị chuyển về SCIC.
​ 
Tại cuộc họp báo sáng nay (27/9), lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, việc chuyển giao Sabeco, Habeco về SCIC để nhằm đảm bảo tiến độ thoái vốn nhanh hơn do SCIC là tổ chức chuyên trách thoái vốn, đã có kinh nghiệm, quy trình thoái vốn Nhà nước số lượng lớn. 
Tháng 10/2016, Bộ Công Thương đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thoái vốn Nhà nước tại Sabeco, Habeco với Trưởng ban là Thứ trưởng Cao Quốc Hưng và 10 thành viên là lãnh đạo các phòng ban chuyên trách tại Bộ Công Thương, lãnh đạo Sabeco, Habeco.
Tuy nhiên, sau khi hai doanh nghiệp này lên sàn, đến nay đã quá nửa năm 2017 trôi qua song tiến độ thoái vốn Nhà nước khỏi Sabeco và Habeco vẫn chưa có gì tiến triển.
Trước tiến độ cổ phần hóa DNNN vẫn ì ạch, khối lượng thoái vốn khiêm tốn, mới đây, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng phương án thoái vốn tại Habeco, Sabeco.
2. Tổng công ty Giấy công bố thông tin bất thường về thay đổi lãnh đạo.
Báo chí đưa tin, Tổng công ty Giấy Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố thông tin bất thường về việc thay đổi nhân sự. 
Cụ thể, theo thông tin từ Tổng công ty Giấy Việt Nam, ông Vũ Thanh Bình, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Giấy Việt Nam sẽ thôi chức vụ Tổng giám dốc để làm Thành viên chuyên trách Hội đồng thành viên kể từ ngày 21/9/2017.
Ông Nguyễn Việt Đức, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Giấy Việt Nam được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty cũng từ 21/9. Theo đó, ông Nguyễn Việt Đức cũng giữ vai trò là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
3. Kế toán trưởng PVN bị bắt và những "góc khuất" ở dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
Theo Dân trí , năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã có kết luận về một số sai phạm tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Một số sai phạm được đoàn kiểm toán làm rõ cũng có thể lý giải vì sao ông Lê Đình Mậu, Kế toán trưởng của PVN vừa bị khởi tố, bắt giam cùng 3 người khác.
Như Dân trí đưa tin, liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh đang được Bộ Công an điều tra mở rộng, cơ quan An ninh điều tra vừa tiếp tục bắt giữ ông Lê Đình Mậu, Kế Toán trưởng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cùng 3 bị can khác để điều tra một số sai phạm tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Thông tin từ cơ quan An ninh điều tra cho biết, liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh, cơ quan điều tra tiếp tục mở rộng vụ án và bị can Lê Đình Mậu bị bắt giữ để làm rõ số tiền tạm ứng cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Cùng liên quan đến vụ án này, trước đó cơ quan An ninh điều tra đã bắt giữ ông Vũ Đức Thuận cùng một số cá nhân khác tại PVC để làm rõ những sai phạm.
Sau khi cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lê Đình Mậu (45 tuổi), kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), đại diện PVN đã lên tiếng về sự việc này. 
Theo đại diện PVN, để phối hợp với cơ quan điều tra trong việc khởi tố, điều tra một số cán bộ, nguyên cán bộ liên quan đến hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tổng Công ty PVC làm tổng thầu, PVN đã tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Đình Mậu, Kế toán trưởng và một cá nhân đương chức liên quan.
“Lãnh đạo tập đoàn bố trí cán bộ thay thế nhằm đảm bảo duy trì mọi hoạt động. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan chức năng và báo chí để dư luận hiểu đúng bản chất của sự việc. Hơn 60 ngàn người lao động dầu khí vẫn đang ngày đêm làm việc miệt mài, vất vả để thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao”, đại diện PVN cho biết. 
4. Quanh việc cắt giảm hàng loạt thủ tục ở Bộ Công Thương: Lo giảm 1 phát sinh 3
Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, bên cạnh cắt giảm thủ tục hành chính, Bộ Công Thương cần cải cách, phân cấp cho các sở mạnh hơn nữa. Việc cải cách thủ tục hành chính không đơn thuần chỉ là việc cắt giảm các thủ tục mà phải kiểm soát, không làm phát sinh mới những thủ tục mới bất hợp lý. 
Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong bên lề Hội nghị lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, thủ tục hành chính ngành Công Thương, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 25/9, một số đại biểu tham dự hội nghị tỏ vẻ thất vọng. Theo các đại biểu, một hội nghị quan trọng liên quan lấy ý kiến về các thủ tục hành chính của Bộ Công Thương như vậy mà tổ chức trong phòng họp nhỏ với chưa đầy 100 người tham gia, số doanh nghiệp (DN) được mời lèo tèo trong vài lĩnh vực, thậm chí đếm ra còn ít hơn số nhà báo tham dự. “Đáng nhẽ với các hội nghị này sẽ phải mời thật đông đảo các đại diện doanh nghiệp thuộc nhiều đơn vị, ngành hàng đến dự. Đằng này đếm ra chỉ có chưa đến 30 đại diện doanh nghiệp, hiệp hội thế này thì chưa xứng tầm. Lãnh đạo Bộ cũng không có ai tham dự. Đến đây tôi mới biết lãnh đạo Bộ phải dự một hội nghị quan trọng khác”, một đại biểu nói.
5. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex): Hàng tồn kho to hơn... lợi nhuận.
Báo Pháp luật phản ánh, kế hoạch kinh doanh năm 2017 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 749 tỷ đồng. Tuy nhiên, báo cáo tài chính mới được công bố của Tập đoàn này cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận của Vinatex chỉ hơn 300 tỷ đồng, bằng 42% kế hoạch năm. Đặc biệt, hàng tồn kho của Vinatex tăng lên khá nhanh, chỉ trong 6 tháng tăng lên gần 400 tỷ đồng, đạt tổng giá trị hơn 3.600 tỷ đồng.
Dù đã cổ phần hóa nhưng sự tham gia của tư nhân trong chiến lược phát triển của Tập đoàn này là không nhiều. Cũng có thể do vốn Nhà nước đang chi phối hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh nên chịu sự rằng buộc quản lí của Nhà nước dẫn đến ảnh hưởng, kìm hãm đến sự phát triển của Tập đoàn này?
Vinatex cho rằng theo quy định hiện nay, Tập đoàn này không thuộc đối tượng Nhà nước nắm giữ vốn. Do đó, để tạo điều kiện cho Vinatex phát triển thì cần thoái vốn Nhà nước càng nhanh càng tốt. Trong bối cảnh hàng hóa dệt may cạnh tranh ngày càng quyết liệt trên thị trường thế giới, để thu hút được nhân tài cần đưa ra những khoản đãi ngộ phù hợp không theo bảng lương Nhà nước quy định. Ngoài ra, cũng cho rằng đang cần những cổ đông có năng lực quản trị chuyên nghiệp, có khả năng phát triển thị trường và hỗ trợ Vinatex công tác quản lý, tiêu thụ sản phẩm.
LH (Nguồn VP Bộ CT)