banner2019
 
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Điểm tin ngành Công Thương ngày 22/9/2017
Cập nhật lúc 04:34 ngày 22/09/2017
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh - thông tin cụ thể như sau:
1. Hà Nội: Giá thực phẩm rục rịch tăng theo giá xăng.
Tiếp tục phản ánh về vấn đền này, hôm nay 22/9, VOV đã khảo sát thị trường Hà Nội, các tiểu thương cho biết, hiện nay, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau củ quả tại Hà Nội tăng mạnh, trong khi nguồn hàng nhập về các chợ vẫn dồi dào. Theo lý giải của những người bán hàng, việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu là do giá xăng dầu liên tục tăng trong thời gian gần đây, mới nhất là đợt tăng giá chiều 20/9 vừa qua. 
Trước tình hình giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng mạnh như hiện nay, Sở Công Thương TP Hà Nội đang nắm bắt tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, trên cơ sở đó để cân đối cung cầu; đồng thời phối hợp với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc để khai thác hàng hóa đưa về Hà Nội, điều này nhằm tạo nguồn cung ổn định, lâu dài, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.
2. Bộ Công Thương cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh.
Trên nhiều báo sáng nay đưa tin, ngày 20/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018.
Theo Quyết định này, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh sẽ được cắt giảm, nhiều hơn khoảng 60 điều kiện so với dự kiến ban đầu và chiếm khoảng 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh của 27 nhóm ngành hàng.
Theo đánh giá của báo chí, đây Quyết định "lịch sử" của Bộ Công Thương, "675 là con số được cho là lớn chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương được các đơn vị thuộc Bộ đề nghị cắt giảm, cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện và chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh” Báo điện tử Dân trí nhấn mạnh.
3. Đằng sau gánh nợ khủng 38.000 tỷ đồng của Vinachem.
Báo Tiền phong phản ánh, bên cạnh những bất ổn vì liên tiếp các vụ khiếu kiện bổ nhiệm nhân sự, gánh nặng từ 4 dự án thua lỗ nhiều nghìn tỷ đồng của các đơn vị thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đang khiến tập đoàn này ngập trong nợ nần. 
Bộ Tài chính cũng cảnh báo, việc triển khai các dự án đầu tư mới của tập đoàn này đang tạo ra những rủi ro mới trong thời gian tới. 
4. Nhập siêu của Việt Nam giảm dần.
Tình hình nhập siêu của Việt Nam đã được cải thiện khi cả nước đã liên tục xuất siêu trong tháng 7, 8 và nửa đầu tháng 9.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9, Việt Nam đã xuất siêu 1,69 tỷ USD, đưa mức thâm hụt thương mại hàng hóa trong thời gian từ đầu năm tới nay giảm xuống còn gần 700 triệu USD. Đây được xem là một kết quả khá ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu bởi theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm, tháng nào Việt Nam cũng bị nhập siêu, dẫn đến cán cân thương mại bị thâm hụt gần 2,78 tỷ USD.
Tuy nhiên, tình hình đã được cải thiện khi cả nước đã liên tục xuất siêu trong tháng 7, 8 và nửa đầu tháng 9. Cũng theo cơ quan này, vấn đề nhập siêu hiện nay vẫn thuộc về khối doanh nghiệp trong nước, trong khi khối doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục xuất siêu. 
5. Cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi: Lại bất khả thi?
Chính phủ vừa mới ban hành Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh rượu, rất nhiều ý kiến chuyên gia và người dân đồng tình, song cũng đặt ra câu hỏi việc cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi liệu có khả thi hay không?
Đáng chú ý nhất trong Nghị định 105 của Chính phủ là việc cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi; bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet; bán rượu bằng máy bán hàng tự động. Tuy nhiên, Nghị định mới của Chính phủ đang nhận được sự hoài nghi của một số chuyên gia, luật sư và người dân về tính khả thi.
Vấn đề cần bàn ở đây là cơ chế nào để thực hiện triệt để, có hiệu quả đối với quy định này?. Rõ ràng rằng, nếu nhìn vào thực tiễn việc kinh doanh rượu hiện nay ở nước ta thì chúng ta thấy quy định này dường như không khả thi.
Pháp luật thì quy định rất chặt về các điều kiện liên quan đến sản xuất, bán buôn, bán lẻ rượu, tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động bán lẻ rượu và bán rượu để sử dụng tại chỗ gần như bị buông lỏng hoàn toàn và không phải chịu bất kỳ một cơ chế quản lý nào.
LH (Nguồn VP Bộ CT)