Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh - thông tin cụ thể như sau:
1. PVN nói về giá bán dầu thô của Việt Nam cho Trung Quốc.
Ngay sau khi một số báo đưa tin về “Việt Nam mất hơn 340 tỷ đồng vì bán dầu thô giá rẻ cho Trung Quốc”, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có thông tin phản hồi cho báo chí, theo PVN, giá trung bình xuất khẩu cho khách hàng Trung Quốc mua trực tiếp là 412 USD/tấn, cao hơn so với giá trung bình dầu thô Việt Nam xuất khẩu khoảng 9,59 USD/tấn. Việc xuất bán dầu thô của Việt Nam được thực hiện dưới sự kiểm soát rất chặt chẽ.
Đối với dầu thô bán cho Trung Quốc, PVN cho hay: Dầu thô Việt Nam được xuất bán đến thị trường Trung Quốc bao gồm một phần từ khách hàng Trung Quốc tham gia đấu thầu mua trực tiếp, một phần do các công ty kinh doanh dầu thô quốc tế mua dầu thô của Việt Nam rồi bán lại vào thị trường Trung Quốc.
Trong 8 tháng đầu năm 2017, khách hàng Trung Quốc - công ty Dầu Unipec đã tham gia trực tiếp mua dầu thô từ Việt Nam với tổng khối lượng mua khoảng 1,78 triệu tấn có tổng giá trị đạt 733 triệu USD. Số lượng này chiếm khoảng 20% tổng sản lượng dầu thô Việt Nam sản xuất và khoảng 35% tổng sản lượng dầu thô Việt Nam xuất khẩu.
2. Điện Quang 'trượt chân' và sự trỗi dậy của Rạng Đông.
Lần đầu tiên sau nhiều năm, vốn hóa thị trường của Rạng Đông đã vượt qua Điện Quang. Đều giữ vị thế là hai doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất thiết bị chiếu sáng, cổ phiếu DQC của Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang và cổ phiếu RAL của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông từng có chuỗi thời gian khá tương đồng. Với lượng cổ phiếu niêm yết nhiều hơn, Điện Quang theo đó cũng giữ khoảng cách an toàn với Rạng Đông về quy mô vốn hóa.
Tuy nhiên, khoảng cách này đã bị san bằng từ giữa năm 2017 với đà sụt giảm liên tục của DQC, trong khi RAL vẫn giữ được xu hướng tăng giá. Tính đến phiên giao dịch gần nhất (15/9), vốn hóa của Điện Quang chỉ còn gần 1.200 tỷ đồng, trong khi Rạng Đông là 1.358 tỷ.
3. Doanh nghiệp tìm cách tăng nguồn cung xăng E5.
Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu và hoạt động trong lĩnh vực liên quan đang nỗ lực tìm cách, chuẩn bị tăng nguồn cung xăng sinh học (E5) trước thời điểm ngừng bán hoàn toàn xăng khoáng RON 92 vào đầu năm sau.
4. Lại xin Chính phủ bảo lãnh vốn vay cho Dung Quất.
PVN cho rằng để đảm bảo khả năng thu xếp vốn cho dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cần thiết phải có một số cơ chế đặc thù, trong đó có việc bảo lãnh vốn của Chính phủ.
PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng Chính phủ nên đứng ra bảo lãnh vốn vay cho dự án này. Bởi trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã có nhiều chính sách ưu đãi từ Chính phủ nhưng chưa thực sự hiệu quả. Nếu Chính phủ tiếp tục đứng ra bảo lãnh vay vốn sẽ rất mạo hiểm, tạo ra lỗ hổng đối với ngân sách, đẩy nợ công tăng cao.
LH (Nguồn VP Bộ CT)