Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh - thông tin cụ thể như sau:
1. Việt Nam và giấc mơ ô tô thương hiệu Việt.
Thời báo Kinh tế Sài gòn đưa tin: Từ những liên doanh lắp ráp ô tô đầu tiên hình thành trong thập kỷ 1990 đến nay, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã trải qua chặng đường hai chục năm có lẻ. Quãng thời gian này không dài so với lịch sử ngành công nghiệp ô tô thế giới, nhưng cũng không ngắn so với thời gian cần thiết để một ngành công nghiệp hoặc một quốc gia có thể cất cánh trên con đường phát triển.
Nhìn lại, bất chấp tốc độ tăng trưởng khá cao về số lượng ô tô lắp ráp, nhập khẩu và tiêu thụ, cho đến nay thành tích của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn rất mờ nhạt. Tồn tại mâu thuẫn trong mục tiêu chính sách - vừa muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô, thị trường ô tô, vừa muốn tăng thu, tận thu thật nhiều từ ngành này - là một trong những nguyên nhân chính làm cho ngành công nghiệp ô tô nội địa phát triển chật vật dưới tiềm năng, lệch lạc.
2. Rủi ro khi thiếu thông tin thị trường.
Theo thông tin phản ánh của báo Đại đoàn kết, Trung Quốc luôn là thị trường tiêu thụ lớn hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi tham gia thị trường Trung Quốc vẫn là rất thiếu thông tin về thị trường này.
Số liệu thống kê cho biết, tính đến hết tháng 7/2017, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc đạt 47,2 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 15,6 tỷ USD, nhập khẩu 31,6 tỷ USD, nhập siêu 15,97 tỷ USD, giảm 3,49% so với cùng kỳ năm 2016.
Bài viết đã dẫn một số ý kiến phân tích của chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý về vấn đề nêu trên.
LH (Nguồn VP Bộ CT)