Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh - thông tin cụ thể như sau:
1. Rà soát điều kiện kinh doanh: Cuộc 'cách mạng' của ngành Công Thương.
Đây là tiêu đề bài viết trên báo điện tử VTC News ngày hôm nay (11/9) : Một số thay đổi của Bộ Công Thương được xem như hành động "cởi trói" cho doanh nghiệp, không chỉ về thủ tục mà còn giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã khẳng định quyết tâm cải cách thủ tục hành chính. Ông đã có phát ngôn được dư luận đặc biệt chú ý: “Quan điểm của chúng ta là làm một cách triệt để, khách quan và công tâm nhất. Chúng ta cải cách không phải vì Bộ Công Thương mà là vì doanh nghiệp và tiến tới mục đích xa hơn là vì xã hội, đại bộ phận dân chúng. Một khi doanh nghiệp còn phàn nàn, người dân còn kêu than, tức là nhiệm vụ của chúng ta vẫn chưa hoàn thành”.
Nhìn lại có thể thấy, đúng là vào cuối năm 2016 đầu năm 2017, nhiều qui định về điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương vốn được các doanh nghiệp phản ánh qua nhiều năm đã được liên tiếp xem xét, dỡ bỏ.
Nhưng có vẻ trong một thời gian khá dài gần đây, khoảng nửa năm vừa qua, không thấy xuất hiện những chuyển biến "mạnh mẽ" như vậy nữa. Bên cạnh những hoạt động khá tích cực có thể nhìn thấy thì đúng là chưa thấy có những chuyển biến mới trong tiến trình tiếp tục xóa bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh không phù hợp trong lĩnh vực Công Thương.
2. Hàng triệu tấn tro xỉ nhiệt điện than không chỗ chứa.
Trên Thanh niên phản ánh: Chỗ đâu để chôn lấp số xỉ than này và có ảnh hưởng gì đến môi trường không là câu hỏi chưa có đáp án, trong khi các dự án nhiệt điện vẫn tiếp tục được cấp phép.
Ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn - Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), thừa nhận: Phát triển nhiệt điện than luôn kèm với những thách thức về bảo vệ môi trường mà chủ yếu do khí thải và tro, xỉ. Với 21 nhà máy đang vận hành hiện nay, dự kiến tới năm 2020 có thêm 12 nhà máy đi vào hoạt động, tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn than thì tổng lượng tro bay, xỉ đáy lò phát sinh ước khoảng 22,6 triệu tấn/năm.
Nhiều chủ đầu tư khi làm dự án tuyên bố sẽ sử dụng tro xỉ để làm xi măng, vật liệu xây không nung... nhưng trên thực tế, điều này không hề đơn giản. Theo ông Trần Văn Lượng, trong số 21 nhà máy trên, có 7 nhà máy dùng công nghệ đốt lò hơi tầng sôi tuần hoàn (CFB), công nghệ này dùng đá vôi đốt kèm than khiến tro, xỉ lẫn vôi nên việc tái sử dụng còn gặp khó khăn. Một số nhà máy lại sử dụng phương pháp vận chuyển tro xỉ từ lò đốt ra bãi thải bằng nước biển nên tro bị nhiễm mặn, cũng khó dùng làm vật liệu xây dựng. Theo ông Lượng, tất cả tro, xỉ của 21 nhà máy đang vận hành đều được phân tích và xác định là chất thải rắn thông thường. Tuy nhiên, theo QCVN 07:2009/BTNMT về ngưỡng chất thải nguy hại thì tro bay của các nhà máy nhiệt điện than thuộc đối tượng “có khả năng” là chất thải nguy hại.
3. Điện gió khó hoàn vốn?
Câu hỏi này được báo Người Lao động đặt ra: Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ mức giá mua điện gió của các dự án trên bờ tương đương 8,77 cent/KWh do các nhà đầu tư cho rằng mức giá mua điện gió hiện nay (7,8 cent/kWh) là khá thấp, khiến các dự án khó khăn trong thu hồi vốn.
Các chuyên gia cho rằng cùng với tăng giá mua điện, Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan phải nghĩ đến bài toán giảm chi phí đầu tư cho điện gió và đặc biệt là có ưu đãi về lãi suất cho vay với các dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện gió.
Các nhà đầu tư khuyến nghị Chính phủ nên đưa ra mức giá hấp dẫn ngay lúc này để kích thích đầu tư rồi sau đó giảm dần, nhiều nước khác đã áp dụng và thành công (Việt Nam đang làm ngược lại, tức là đưa ra giá điện thấp rồi sau đó tăng dần, gây thất vọng cho các nhà đầu tư, không khuyến khích tăng trưởng nguồn năng lượng tái tạo)
LH (Nguồn VP Bộ CT)