Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh - thông tin cụ thể như sau:
1. Kiến nghị dừng mỏ sắt Thạch Khê: "Đích thân Bộ trưởng đã đi khảo sát".
Tại cuộc Họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8/2017 diễn ra chiều qua (30/8), vấn đề dự án mỏ sắt Thạch Khê và quan điểm trái chiều giữa 2 Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Thương về việc nên dừng hay tái khởi động dự án đã được báo chí quan tâm và đặt câu hỏi. Nói về đề xuất dừng mỏ sắt Thạch Khê, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Đây là một kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư dựa trên cân nhắc, tính toán. Trực tiếp Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đi thị sát và thấy quan ngại chứ không phải chỉ nghe báo cáo, đề xuất lên".
Mỏ sắt Thạch Khê quyết định dừng hay không vẫn chưa có cơ sở. Trong lần làm việc với Hà Tĩnh, Thủ tướng yêu cầu cần đánh giá trên cơ sở khoa học và cần có cơ quan đánh giá độc lập để đánh giá kỹ việc này. Sau khi có đánh giá Thủ tướng sẽ báo cáo Bộ Chính trị để quyết định.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết: "Có thể khẳng định rằng chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị dừng dự án mỏ sắt thạch khê vì 4 quan ngại". Theo Thứ trưởng, 4 lý do khiến Bộ đề xuất dừng dự án này bao gồm: năng lực của nhà đầu tư, tác động môi trường, thị trường tiêu thụ quặng sắt và vấn đề giao thông vận tải.
2. Thoát 10 năm tiền kiểm, thuỷ sản, bàn là, bếp điện được "thả cửa" về Việt Nam.
Một tin vui đối với nhiều doanh nghiệp (DN) nhập khẩu Việt Nam là bắt đầu từ ngày 5/10/2017, 114 mặt hàng sẽ không phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu và lưu thông tại Việt Nam sau hơn 10 năm phải chịu các quy định kiểm tra tiền kiểm phức tạp.
Tổng cục Hải quan cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 37/2017/QĐ-TTg bãi bỏ Quyết định số 50 (2006) về Danh mục sản phẩm hàng hoá phải kiểm tra chất lượng. Điều này đồng nghĩa với 114 sản phẩm, hàng hoá sẽ được loại bỏ khâu kiểm tra chất lượng đầu vào, trước khi nhập khẩu, lưu thông tại Việt Nam.
Thẩm quyền, trách nhiệm liên quan đến chất lượng của 114 mặt hàng vẫn phụ thuộc về các bộ như: Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương, Bộ GTVT và Bộ Xây Dựng...
3. 3.000 điều kiện “đè” người kinh doanh.
Bộ KH&ĐT vừa trình Chính phủ cắt giảm gần 3.000 điều kiện kinh doanh (ĐKKD). Trong khi các điều kiện kinh doanh vô lý chưa được cắt bỏ, doanh nghiệp vẫn từng ngày chịu chi phí bị đội lên cao ngất.
Tiền phong phản ánh, là đại diện cho Cty TNHH Gas Đắk Lắk, bà Nguyễn Thị Thanh Hải từng gửi đơn kiến nghị khắp nơi, ra tận Hà Nội kiến nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, khiến công ty rơi cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”.
Theo kết quả rà soát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tổng chi phí kiểm tra chuyên ngành DN có liên quan phải bỏ ra lên tới khoảng 14.300 tỷ đồng/năm, đứng đầu là giấy phép nhập khẩu; kiểm tra chất lượng, kiểm tra hiệu suất năng lượng… Số ngày công để hoàn tất các thủ tục này lên tới 28,6 triệu ngày/năm.
LH (Nguồn VP Bộ CT)