banner2019
 
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Điểm tin ngành Công Thương ngày 30/8/2017
Cập nhật lúc 02:24 ngày 30/08/2017
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh - thông tin cụ thể như sau:
1. Biến động bất ngờ ở Habeco: Tạm dừng quyền điều hành của Tổng giám đốc.
Trên một số báo sáng 30/8 đưa tin , Tổng công ty Cổ phần Rượu bia và Nước giải khát Hà Nội (Habeco) vừa bất ngờ tạm dừng quyền điều hành của Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Linh. Ông Ngô Quế Lâm, Phó tổng giám đốc được tạm thời ủy quyền thực hiện quyền, nhiệm vụ của Tổng giám đốc thay cho ông Linh.
Được biết, trước đó, ngày 21/8, Hội đồng quản trị của Habeco đã họp các cán bộ chủ chốt của Habeco, Người đại diện phần vốn nhà nước của Habeco tại các đơn vị thành viên, Giám đốc các công ty thành viên của Tổng công ty này để thông báo thay đổi nhân sự nêu trên.
Cụ thể, những người dự họp được thông báo: Hội đồng quản trị Habeco đã thống nhất ra Nghị quyết về việc ông Nguyễn Hồng Linh tạm dừng nhiệm vụ điều hành trên cương vị Tổng giám đốc để tập trung cho công việc thoái vốn nhà nước tại Habeco và thu hồi công nợ; xử lý các việc liên quan giữa Công ty Cổ phần bia Hà Nội-Nghệ An và Tổng công ty Hợp tác kinh tế Việt-Lào.
2. Chông chênh chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo
Thời báo Kinh tế Sài gòn 30/8 đăng tải bài 1 với chủ đề “Gọt chân cho vừa giày”. Bài viết phản ảnh, nếu so với thời hạn một năm được ấn định, Bộ Công Thương đã phải cần gấp 2,5 lần thời gian ấn định để “trả bài” chiến lược xuất khẩu gạo cho Chính phủ. Cho dù vậy, vẫn còn những “vết gợn” để có thể tin rằng, chiến lược này có thể đi vào cuộc sống.
Trước hết, dễ thấy sự khác biệt rất rõ ràng giữa “đề bài” đã được Chính phủ chỉ định với chiến lược do Bộ Công Thương dày công xây dựng vừa qua. Bởi lẽ, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ hồi đầu năm 2015, “Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương... nghiên cứu, xây dựng Chiến lược xuất khẩu gạo của Việt Nam...” để “...báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2015”, còn chiến lược vừa được ban hành tháng 7 vừa qua lại có tên “Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030”.
Sự khác biệt cơ bản về nội hàm ở đây chính là, với việc cấy thêm bốn từ “phát triển thị trường”, các nhà hoạch định chiến lược đã “né” tối đa nội dung sản xuất lúa gạo phục vụ xuất khẩu.
3. Hậu Giang muốn thu hồi Dự án Bột giấy Lee&Man.
Trong khi Dự án Giấy Lee&Man vẫn đang vướng những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường, thì Dự án Bột giấy Lee&Man đang bị Hậu Giang đề xuất thu hồi.  
Lý lẽ mà Lee&Man đã từng khẳng định, là Dự án đang triển khai chỉ là dự án sản xuất giấy nên không quá lo ngại về vấn đề môi trường, chuyện xả thải xút ra sông, biển... Tuy nhiên, với dự án sản xuất bột giấy lại khác. Đây là lĩnh vực sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao, nhiều địa phương đã nói không với các dự án trong lĩnh vực này.
Bộ Công Thương cũng đã từng cho rằng, nên xem xét dừng việc triển khai Dự án Bột giấy Lee&Man. Nay thì Hậu Giang cũng đã có những kiến nghị ban đầu về việc thu hồi Dự án. Chỉ riêng nguyên nhân dự án quá chậm trễ trong triển khai cũng đã đủ để đặt dấu chấm hết cho dự án này, chứ chưa nói đến nguy cơ nhãn tiền là gây ô nhiễm môi trường cho khu vực sông Hậu.
4. Xung quanh hội thảo “Nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
Về hội thảo này, báo chí 30/8 đặc biệt quan tâm và đăng tải thông tin đề cập và phân tích đến các vấn đề về giá điện chịu áp lực tăng vì tro xỉ hay đáng giá thế nào cho đúng vai trò nhiệt điện than. 
Tại bài viết của báo Tuổi trẻ, VOV  nhấn mạnh: Đã có nhà máy nhiệt điện đưa ra khả năng phải đóng cửa vì lượng tro xỉ quá lớn và đề nghị tính tiền xử lý môi trường vào giá điện. Điều này nếu được chấp thuận sẽ tăng áp lực lên giá điện. Việc phát triển nhiệt điện than là nhu cầu tất yếu nhưng vấn đề đảm bảo môi trường, trong đó có xử lý xỉ than, lại đang là vấn đề cấp thiết.
Ở một khía cạnh khác, báo Người Lao động cho rằng cần đánh giá cho đúng vai trò nhiệt điện than. Bài viết trích dẫn ý kiến của ông Trần Văn Lượng – Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp – Bộ Công Thương nhìn nhận để bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu cấp điện ổn định phục vụ sản xuất và tiêu dùng thì việc phát triển nhiệt điện than cần được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, cũng như nhiều ngành công nghiệp khác, phát triển nhiệt điện than luôn kèm với những thách thức về bảo vệ môi trường mà chủ yếu do khí thải và tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện than.
5. Thủ tướng: “Giấy phép con, giấy phép cháu vẫn còn nhiều”.
Tại phiên thường kỳ tháng 8.2017 của Chính phủ, Thủ tướng nói và yêu cầu tập trung tháo gỡ thủ tục, nhất là xử lý giải quyết "giấy phép con, giấy phép cháu". “Nhiều doanh nghiệp phản ánh chu kỳ sản phẩm sản xuất ra đã vất vả rồi nhưng thủ tục để đưa vào tiêu thụ, xuất khẩu còn phức tạp hơn. Có ý kiến nói rằng nuôi gà chỉ mất 40 ngày nhưng thủ tục để tiêu thụ, xuất khẩu gà thì còn phức tạp, dài ngày hơn nuôi gà”, Thủ tướng nói và yêu cầu tập trung tháo gỡ thủ tục, nhất là xử lý giải quyết "giấy phép con, giấy phép cháu" – Thủ tướng nhấn mạnh.
LH (Nguồn VP Bộ CT)