Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh - thông tin cụ thể như sau:
1. Thủ tướng yêu cầu Petro Vietnam sớm hoàn thành 3 việc lớn.
Thời báo Kinh tế Việt Nam đưa tin: Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm tổ trưởng vừa có kết luận về kết quả kiểm tra Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam).
Theo tổ công tác, trong 6 tháng đầu năm, giá dầu biến động song Petro Vietnam vẫn đạt sản lượng khai thác 7,9 triệu tấn dầu, vượt 161.000 tấn so với kế hoạch. Sản lượng khai thác khí đạt 5,25 tỷ m3, giảm 2,4% so với kế hoạch. Sản lượng điện đạt 1,111 tỷ kWh, phân đạm đạt 909.000 tấn, xăng dầu chế biến 2,99 triệu tấn.
Tuy nhiên, tổ công tác của Chính phủ nhấn mạnh Petro Vietnam còn nhiều hạn chế, bất cập, như chưa có giải pháp tốt về việc thăm dò dầu khí trong và ngoài nước, việc xử lý những tồn tại và yếu kém của các dự án thua lỗ còn chậm. Tiến độ nhiều dự án của Petro Vietnam bị chậm so với kế hoạch, việc xác định giá trị doanh nghiệp để xây dựng phương án cổ phần hoá chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác cán bộ còn nhiều yếu kém.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu Petro Vietnam phải tập trung chỉ đạo, có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh kịp thời.
2. Kê khai giá sữa bán lẻ: Bộ Công Thương cần hướng dẫn chi tiết để địa phương thực hiện.
Thời báo Kinh tế Việt Nam số 193 ngày 14/8 đưa tin: Từ ngày 10/8, Thông tư số 08 về đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ dưới 6 tuổi chính thức có hiệu lực. Theo đó, trong 30 ngày tới, các đơn vị kinh doanh sữa sẽ phải thực hiện thông báo về giá sữa đang bán trên thị trường mà chưa công bố giá.
Theo ý kiến của đại diện Công ty Vinamik, Bộ Công Thương cần thông tin cụ thể hơn về công bố giá sữa. Bởi vì một sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải trải qua nhiều khâu từ nhà sản xuất hay nhập khẩu đến nhà phân phối, rồi đến các đại lý và cửa hàng bán lẻ. Sở Công Thương các tỉnh thành cũng còn nhiều lúng túng.
Cũng đồng quan điểm trên, Sở Công Thương Đồng Nai cho rằng, Bộ Công Thương cần có hướng dẫn cụ thể để Sở Công Thương các địa phương biết và thực hiện. Đồng thời, cần có danh mục TPCN để cơ quan thị trường nắm và quản lý.
3. “Chưa thấy doanh nghiệp nào phá sản vì làm phân bón giả”.
Theo tác giả bài viết, Việt Nam hiện có đến 60 triệu dân đang sống bằng nông nghiệp, vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và đời sống và của người dân.
Một điều rất dễ nhận thấy, đó là phân bón giả làm mùa màng thất bát, giảm chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, khi chất lượng nông sản kém đi vừa khiến cho bản thân người tiêu dùng Việt Nam bị thiệt hại, sản phẩm nông sản xuất khẩu cũng không thể cạnh tranh được với các nước trên thế giới.
Tiếp tục chủ đề này, VOV điện tử đã phỏng vấn ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Chống hàng giả Việt Nam về vấn đề nêu trên. Theo ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Chống hàng giả Việt Nam, thực tế của vấn nạn phân bón giả thời gian qua đã và đang gây ra những ảnh hưởng, những hệ lụy vô cùng khủng khiếp.
LH (Nguồn VP Bộ CT)