Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh - thông tin cụ thể như sau:
1. ‘Ông lớn’ xin ưu đãi.
Báo Thanh niên phản ánh, việc hàng loạt “ông lớn” trong các ngành như dệt may, xi măng, than, thép, khoáng sản... đang xin ưu đãi thuế phí và cơ chế riêng, đặt ra câu hỏi có nên tiếp tục trao “đặc ân” cho các doanh nghiệp nhà nước này. Theo Thanh niên thì đó là “Điệp khúc” xin giảm thuế, xin cơ chế không chỉ Vinatex, việc xin ưu đãi, giảm thuế phí, cơ chế riêng diễn ra ở nhiều ngành, từ ngành than, thép, khoáng sản, xi măng…
Theo chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh, không nên tạo ra môi trường kinh doanh có quá nhiều ưu đãi tập trung vào một số DN lớn khiến mặt bằng kinh doanh “gồ ghề”, không bình đẳng trong nền kinh tế thị trường. Có những ưu đãi đặc biệt có thể chấp nhận, như những DN đang gặp khó khăn lớn, phá sản do thiên tai bão lụt mới đây.
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng nếu những kiến nghị trên có nằm trong quy định cổ phần hóa, DN được phép hưởng thì hợp lý. Còn ngược lại không có cơ sở để “phá lệ” cho riêng một DN nào.
2. Một chiếc bánh sôcôla phải cõng... 13 giấy phép.
Theo Báo Pháp luật, mỗi năm các DN phải bỏ ra khoảng 28,6 triệu ngày công và khoảng 14.300 tỉ đồng để đáp ứng các thủ tục về quản lý chuyên ngành. Một báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố cho biết các doanh nghiệp (DN) đang bị điêu đứng vì gánh nặng về thời gian và chi phí tiền bạc khi phải tuân thủ các thủ tục quản lý chuyên ngành.
Cụ thể là mỗi năm các DN phải bỏ ra khoảng 28,6 triệu ngày công và khoảng 14.300 tỉ đồng để đáp ứng các thủ tục về quản lý chuyên ngành. Đặc biệt, số lượng hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành lên đến khoảng 100.000 mặt hàng.
3. ''Lạm phát'' lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước.
Tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên/công chức ở Bộ Công Thương là 3/4, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ là 3/5... Thông tin này được nêu tại dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.
''Lạm phát'' cấp phó vốn là vấn đề được chất vấn không ít lần tại Quốc hội, nhưng kết quả giám sát vẫn cho thấy một số vụ, đơn vị thuộc bộ có số lượng cấp phó vượt quá quy định của Luật Tổ chức Chính phủ. Chẳng hạn tính đến 31/12/2016, Bộ Giao thông Vận tải có Cục Quản lý xây dựng đường bộ và Cục Quản lý đường bộ cao tốc đều có 4 phó; Bộ Công Thương có Cục Công nghiệp địa phương, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Quản lý thị trường (4 phó); Bộ Tài chính có 12/20 vụ, đơn vị thuộc Bộ có số lượng phó vụ trưởng vượt quá quy định (Vụ Pháp chế có 5, một số vụ, đơn vị khác là 4).
4. Quảng Ninh: Nhà máy ngàn tỷ “đắp chiếu”, công nhân ngồi cầu mưa để sống.
Đó là Nhà máy cán nóng thép tấm, thuộc Cty thép Cái Lân (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long); công suất nhà máy 500 ngàn tấn sản phẩm/năm, giá trị đầu tư 3.300 tỷ đồng; trên diện tích 14ha, đất vuông vắn, bằng phẳng, ngay sát bờ cảng nước sâu Cái Lân.
Nhà máy được đánh giá có công nghệ hiện đại, năng suất cao. Tháng 6/2010, nhà máy ra mẻ sản phẩm đầu tiên 5 ngàn tấn thép tấm, xuất khẩu sang Mỹ được 3 ngàn tấn, 210 công nhân lương bổng “rủng rỉnh”. Tưởng đà ấy, nhà máy sẽ phát đạt, ai ngờ “phú quý giật lùi”, càng sản xuất càng lỗ vốn. Càng sản xuất càng bộc lộ một nhà máy mở nghề “nhầm” chỗ, nhập phôi thép về giá còn cao hơn thành phẩm các doanh nghiệp bạn bán ra trên thị trường.
5. Đại dự án mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh: Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Theo các chuyên gia, bên cạnh vấn đề hiệu quả kinh tế của dự án, những vấn đề liên quan đến quặng chứa tỷ lệ kẽm quá cao so với mức bình thường, nguy cơ về ô nhiễm môi trường, xử lý cát khai thác sẽ là những trở ngại lớn cho dự án mỏ Thạch Khê. Việc tạm thời dừng dự án, đợi khi công nghệ xử lý quặng có tiến bộ mới đưa vào khai thác cũng chưa muộn.
LH (Nguồn VP Bộ CT)