Ngày 19-7, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ năm 2017-2018, Tổng LĐLĐ Việt Nam phấn đấu hoàn thành 10 thiết chế của Công đoàn (CĐ) tại các KCN - KCX, từ năm 2018 - 2020 hoàn thành và đưa vào sử dụng 40 thiết chế; phấn đấu đến năm 2030, tất cả KCN - KCX trên cả nước đều có thiết chế của CĐ
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng, thiết chế CĐ sẽ bao gồm tổ hợp các công trình như: khu căn hộ để bán, cho thuê, nhà trẻ, siêu thị, nhà thuốc, khu sinh hoạt văn hóa, khu tập luyện thể thao…Các thiết chế này được xây dựng và đưa vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách của công nhân, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ.
Nhà ở giá 100 triệu đồng được tỉnh Bình Dương xây dựng để bán cho công nhân
Tại Hội thảo "Góp ý Quy chế quản lý, sử dụng thiết chế CĐ; quy định về trình tự, thủ tục xét duyệt và tiêu chí lựa chọn đối tượng được mua, thuê nhà ở thuộc thiết chế CĐ" do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức mới đây ở Hà Nội, đại diện LĐLĐ tỉnh, thành góp ý: Đối với các dự án nhà ở, Tổng LĐLĐ Việt Nam không nên quy định cứng nhắc tỉ lệ bán tại mỗi dự án là 80% và cho thuê là 20%. Thay vào đó, nên lựa chọn phương án cho thuê hoàn toàn bởi tính ổn định trong công việc của công nhân không cao.
Các đại biểu cũng lưu ý đến việc xác định đối tượng cho thuê và đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét, không nên chỉ giới hạn trong phạm vi đoàn viên CĐ, NLĐ các KCN-KCX; cần mở rộng phạm vi để NLĐ nghèo ở mọi ngành nghề đều có cơ hội được mua, thuê nhà ở thuộc thiết chế CĐ.
Theo Báo NLĐ