Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh - thông tin cụ thể như sau:
1. Phó Thủ tướng “truy” lãnh đạo Tập đoàn dầu khí về dự án “đắp chiếu”
Chiều 5/7, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp về xử lý 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Nói về thực trạng của các dự án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: 75% vốn của 12 dự án là đi vay. Hiện nay có 6 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng cả 6 dự án đều thua lỗ, gồm: Nhà máy Đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, Nhà máy phân đạm DAP số 1 Đình Vũ, nhà máy phân đạm DAP số 2 Lào Cai, nhà máy đóng tàu Dung Quất và nhà máy thép Việt - Trung.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phê bình nghiêm khắc đối với lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tổ chức họp riêng với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia và làm rõ trách nhiệm cụ thể của từng người. “Xử lý sai phạm ở đây là xử lý cả quá trình, xử lý thông thường không được thì sẽ có những biện pháp mạnh hơn nữa.” - lãnh đạo Chính phủ kiên quyết.
2. Chuyên gia kinh tế nói gì về đề xuất Chính phủ trả nợ thay Đạm Ninh Bình?
Theo phương án đề xuất của Vinachem, từ ngày 21/7/2017 đến 21/7/2022, ngân sách Nhà nước sẽ phải ứng vốn để trả nợ cho phía ngân hàng China Eximbank của Trung Quốc thay cho Vinachem số tiền 162,5 triệu USD, còn Vinachem chỉ phải trả lãi và chi phí. Trên thực tế, tổng khoản vay để đầu tư dự án Đạm Ninh Bình trị giá 250 triệu USD trong thời hạn 15 năm. Tính đến 31/3/2017 dự nợ của khoản vay là 162,5 triệu USD, đã trở nợ gốc bảy kỳ với tổng số tiền là 87,5 triệu USD.
Tuy nhiên, điều đáng nói là theo Bộ Tài chính, Vinachem có thể cân đối được tài chính và dòng tiền để trả khoản nợ vay từ ngân hàng China Eximbank nhưng Tập đoàn này cũng như Đạm Ninh Bình đều kiến nghị Chính phủ trả nợ thay. Vinachem cũng không đưa ra được phương án để tái cơ cấu hoạt động cho hiệu quả. Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện Chính phủ đang phải trả nợ thay cho một số doanh nghiệp khác như Vinashin, Giấy Phương Nam… nên không thể hỗ trợ cho Vinachem.
Chia sẻ quan điểm với Báo Điện Tử Tổ Quốc, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Trung ương (CIEM) cho rằng, ông hoàn toàn ủng hộ với Bộ Tài chính về việc Chính phủ không trả nợ thay cho Đạm Ninh Bình. “Tôi cho rằng không nên tạo ra tiền lệ phải trả nợ cho các doanh nghiệp, dự án làm ăn thua lỗ. Chúng ta thử xem, tổng nợ phải trả của 12 dự án “đắp chiếu” đã công bố của Bộ Công Thương là hơn 55.000 tỷ đồng. Vậy nếu như Chính phủ trả nợ thay cho Đạm Ninh Bình, các dự án còn lại thì sao? Khi đó nguồn ngân sách Nhà nước sẽ đi đến đâu? Tôi đề nghị những người đã gây ra thất thoát cho dự án này phải có phương án trả nợ”, chuyên gia Lê Đăng Doanh nói.
LH (Nguồn VP Bộ CT)