banner2019
 
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Điểm tin ngành Công Thương ngày 12/5/2017
Cập nhật lúc 04:45 ngày 12/05/2017

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh - thông tin cụ thể như sau:

1. Luật Cạnh tranh chưa làm tròn sứ mệnh.


Sau hơn 10 năm ra đời, Luật Cạnh tranh chưa thực sự phát huy được hiệu quả trong quá trình thực thi. Có thể nói hình ảnh của cơ quan cạnh tranh còn mờ nhạt. Đó là ý kiến của nhiều đại biểu nêu ra khi tham dự Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức ngày 10/5. Cụ thể, trong thời gian đầu thực thi Luật Cạnh tranh (đến năm 2007) mới chỉ xử phạt được trên 80 triệu đồng về hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Đến năm 2016, số tiền này dù đã tăng lên 2,1 tỷ đồng, nhưng vẫn là con số rất nhỏ. Theo phân tích của Bộ Công Thương, mặc dù trên thị trường đã xuất hiện nhiều hành vi phản cạnh tranh, nhưng pháp luật cạnh tranh Việt Nam hiện hành chưa có đầy đủ căn cứ pháp lý điều chỉnh các loại hành vi thực hiện ở ngoài lãnh thổ. Vì vậy, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với những hành vi cạnh tranh diễn ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động hạn chế cạnh tranh tới môi trường kinh doanh của Việt Nam là cần thiết. Không chỉ vậy, mô hình cơ quan thực thi cũng được Bộ Công Thương đánh giá là chưa phù hợp (hiện Việt Nam có 2 cơ quan thực thi Luật Cạnh tranh là Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương và Hội đồng Cạnh tranh). Từ đó dẫn đến thực trạng là công tác phát hiện, điều tra, xử lý chưa đáp ứng được yêu cầu.

Từ thực tiễn phát sinh trong quá trình thực hiện, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cho phù hợp và sát thực tế hơn để Luật Cạnh tranh trở thành một công cụ quản lý nhà nước quan trọng nhất trong nền kinh tế thị trường hiện đại.

Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ thể chế hóa, hiện thực hóa và cụ thể hóa một cách nhanh chóng, kịp thời chủ trương xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, hợp tác, văn minh, cạnh tranh vì mục đích phát triển đất nước và bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, kiểm soát độc quyền trong kinh doanh, chống cạnh tranh không lành mạnh mà Nhà nước đề ra.

Liên quan đến vấn đề mô hình chưa phù hợp, trong bản dự thảo của Bộ Công Thương có đề xuất, sáp nhập Cục Quản lý cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh vào thành một cơ quan duy nhất là Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, là cơ quan thuộc Chính phủ, do Chính phủ thành lập để thực thi Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Tuy nhiên, đề xuất này của Bộ Công Thương đang nhận được những quan điểm trái chiều.

2. Chính phủ yêu cầu Bộ Công an vào cuộc xử nghiêm vi phạm bán hàng đa cấp.

Theo phân công của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương được giao phối hợp với Bộ Công an có giải pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong bán hàng đa cấp. Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017 vừa mới được ban hành, Chính phủ giao Bộ Công Thương khẩn trương tập trung xử lý cơ bản 12 dự án thua lỗ của ngành trong năm 2017 - 2018.

Bộ Công Thương đồng thời tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, nhất là các dự án điện để sớm đưa vào khai thác, sử dụng, bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt trong những tháng cao điểm mùa hè. Ngoài ra, bộ này còn được giao phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu; rà soát, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích hoặc trong nước sản xuất được, có tiêu chí kiểm soát về kỹ thuật và áp dụng các biện pháp phòng vệ phù hợp với cam kết quốc tế, nhất là đối với các mặt hàng nông sản để bảo vệ sản xuất trong nước và giảm nhập siêu.

Đáng chú ý, theo phân công của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Công an có giải pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong bán hàng đa cấp.

3. Mỏ sắt Thạch Khê: Vốn đầu tư tăng lên 14.500 tỷ đồng, lấn biển xả thải

Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) mới đây lại tiếp tục có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc tái khởi động lại dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh). Hiện mỏ sắt này được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á, được định giá lên đến 35 tỷ USD. Theo báo cáo mới nhất từ chủ đầu tư, dự án sẽ được điều chỉnh tăng vốn đầu tư so với thời điểm lập dự án lên đến 30%, tương đương với mức 14.517 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1, nguồn vốn đầu tư gồm 30% vốn góp của các cổ đông, 70% vốn vay và nguồn huy động khác.

Mặc dù Chính phủ, bộ ngành trung ương, cán bộ, nhân dân Hà Tĩnh đã tạo điều kiện thuận lợi, nhưng từ sau khi khởi công (tháng 9/2009) dự án triển khai có quá nhiều yếu kém, bất cập chưa được giải quyết.

Cụ thể quy mô dự án lớn, thời gian khai thác mỏ dài, nhưng năng lực nhà chủ đầu tư quá yếu kém, không huy động đủ vốn cần thiết để triển khai dự án như cam kết; Vị trí khai thác mỏ sát biển, nhưng các báo cáo, trình tự về đầu tư xây dựng, giải pháp kỹ thuật khai thác, chế biến, bảo vệ môi trường còn quá sơ sài, đơn giản. Một vấn đề khác liên quan đến chủ đầu tư đó là chưa triển khai phương án tuyển dụng, đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động của địa phương… Những bất cập nêu trên đã buộc Thủ tướng Chính phủ phải cho tạm dừng bốc đất tầng phủ và tái cơ cấu cổ đông của TIC vào tháng 7/2011.

Thông tin chi tiết xem tại đây

LH (Nguồn VP Bộ CT)