banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Một số công việc cần triển khai để Đại hội công đoàn cơ sở đạt hiệu quả
Cập nhật lúc 04:20 ngày 09/05/2017

Thực hiện Kế hoạch 52/KH-TLĐ ngày 28/11/2016 của Tổng Liên đoàn, công đoàn cơ sở (CĐCS) sẽ tiến hành đại hội từ 01/7/2017, hoàn thành trước 31/12/2017. Để tổ chức đại hội CĐCS hiệu quả, xin trao đổi một số nội dung chuẩn bị và tiến hành tổ chức đại hội ở cơ sở.

Đại hội công đoàn các cấp là dịp để đánh giá thực trạng tình hình CNVCLĐ, kết quả hoạt động Công đoàn nhiệm kỳ vừa qua và đề ra phương hướng, mục tiêu, giải pháp trong nhiệm kỳ tới. Đại hội CĐCS là bước đầu tiên để tổ chức đại hội công đoàn các cấp, tiến tới đại hội Công đoàn Việt Nam dự kiến vào quý III năm 2018.

Đại hội Công đoàn Cty CP Nhựa TNTP

Trong bối cảnh phần lớn các đơn vị, doanh nghiệp đã chuyển đổi không còn mang tính "Nhà nước", tập trung chủ yếu cho sản xuất kinh doanh, việc tổ đại hội ở cơ sở khó hơn so với các nhiệm kỳ trước về thời gian, kinh phí, địa điểm, cách thức tổ chức và cả nhân sự tham gia. Chính vì vậy công tác chuẩn bị cho việc đại hội CĐCS hết sức cần thiết, đảm bảo đúng quy định Điều lệ, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi đơn vị, doanh nghiệp. Để đại hội CĐCS hiệu quả thiết thực cần tiến hành thực hiện các bước: trước đại hội, trong đại hội và sau đại hội.

1. Những việc cần làm trước đại hội

Nếu chuẩn bị tốt, đầy đủ thì khi tiến hành đại hội sẽ đảm bảo thành công, hiệu quả cao. Ở CĐCS, cán bộ công đoàn đều kiêm nhiệm (rất ít cơ sở có cán bộ công đoàn chuyên trách), thời gian cho công việc Công đoàn rất hạn hẹp khó khăn, vì vậy cần đơn giản mọi thủ tục, nhất là phải phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở. Công tác chuẩn bị được phân công cho các thành viên BCH, mỗi người phải đảm nhận công việc cụ thể, tránh dồn hết việc cho chủ tịch hoặc phó chủ tịch. Trước hết cần xây dựng kế hoạch tổ chức đại hội bao gồm xác định hình thức tổ chức đại hội (toàn thể hoặc đại biểu), số lượng đại biểu tham gia, thời gian đại hội, hội nghị của công đoàn bộ phận, tổ công đoàn, dự kiến thời gian, địa điểm tổ chức đại hội CĐCS... kế hoạch được báo cáo với Đảng ủy cùng cấp (nếu có) và công đoàn cấp trên trực tiếp và thống nhất với cơ quan chuyên môn trước khi ban hành chính thức.

Sau kế hoạch cụ thể là lịch trình triển khai công việc: Phân công BCH chỉ đạo bộ phận, tổ công đoàn tiến hành đại hội, hội nghị theo quy định, chú trọng việc tiếp thu ý kiến của đoàn viên tham gia, đánh giá, kiến nghị ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của CĐCS, ý kiến đề xuất, kiến nghị với công đoàn cấp trên và bầu đại biểu tham dự đại hội CĐCS. Ở bộ phận, tổ công đoàn nên tổ chức ngắn gọn, đi vào những việc cụ thể của bộ phận, tổ. Cùng với việc tổ chức đại hội, hội nghị ở bộ phận, tổ công đoàn, BCH CĐCS chuẩn bị báo cáo đánh giá nhiệm kỳ và phương hướng, mục tiêu nhiệm kỳ tiếp theo. Báo cáo cần ngắn gọn, cụ thể, tránh chung chung né tránh những việc không làm hoặc làm không đạt theo chỉ tiêu, nghị quyết mà cần tìm nguyên nhân để rút kinh nghiệm khắc phục. Báo cáo của CĐCS nên dưới 10 trang A4. Nếu báo cáo quá dài cần có báo cáo tóm tắt để trình bầy tại đại hội. Báo cáo cần lấy ý kiến tham gia của thành viên BCH, bộ phận, tổ công đoàn.

Chuẩn bị đề án nhân sự BCH nhiệm kỳ tiếp theo. Đây là công việc tập trung sự tham gia của BCH, sự chỉ đạo của Đảng ủy cùng cấp và công đoàn cấp trên trực tiếp. Hiện nay do áp lực công việc, do mô hình quản lý thay đổi nên phần lớn ở cơ sở không có nhiều người "tình nguyện" làm cán bộ công đoàn. Lựa chọn cán bộ công đoàn (nhất là với chức danh chủ tịch, phó chủ tịch) phải là người nhiệt tình, đồng thời phải có trình độ, uy tín để có đủ khả năng làm việc với lãnh đạo chuyên môn, đại diện bảo vệ được cho đoàn viên, người lao động. Mọi hoạt động công đoàn chủ yếu ở cơ sở nhưng quyền lợi và sự bảo đảm cho cán bộ công đoàn còn nhiều bất cập nên chưa khuyến khích được nhiều người tham gia. Để hoạt động công đoàn thuận lợi nên xây dựng cơ cấu BCH, Ủy ban kiểm tra công đoàn hợp lý, tránh chỉ tập trung ở một phòng ban, bộ phận. Lấy ý kiến giới thiệu từ đoàn viên thông qua tổ, bộ phận, ý kiến của BCH đương nhiệm theo dự kiến cơ cấu của đề án nhân sự. Chọn cán bộ chủ chốt cho tổ chức CĐCS cần ý kiến của cấp ủy Đảng và đồng thuận của lãnh đạo chuyên môn.

Xây dựng chương trình đại hội và phân công các thành viên điều hành công việc của đại hội cũng cần cụ thể. Chuẩn bị nhân sự tham gia đoàn chủ tịch đại hội, ban thư ký, ban bầu cử. Đoàn chủ tịch đại hội CĐCS số lượng nên có 3 hoặc 5 người, có thể nên mời lãnh đạo chuyên môn (nếu là đoàn viên) tham gia đảm nhận điều hành phần bầu cử BCH khóa mới. Chuẩn bị dự thảo nghị quyêt đại hội ngắn gọn, tập trung vào mục tiêu, chỉ tiêu dễ nhớ. Một số đại hội khi đoàn thư ký lên trình bầy dự thảo nghị quyết lại đọc biên bản đại hội vừa không đúng vừa mất thời gian. Trên cơ sở hướng dẫn chung, xây dựng chương trình đại hội phù hợp (ví dụ có thể lồng ghép phần tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu với khai mạc đại hội), tập trung thời gian cho phần tham luận, ý kiến tham gia của đoàn viên,  nhất là thảo luận, tranh luận những mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cho nhiệm kỳ tiếp theo. Khá nhiều đại hội thời giạn đọc báo cáo, thời gian dành cho đại biểu khách mời (lãnh đạo, đảng ủy cơ sở, công đoàn cấp trên, công đoàn địa phương) phát biểu, nên chỉ có 1 - 2 ý kiến (đọc bài đã chuẩn bị sẵn) mang tính hình thức, không hiệu quả.

Công tác chuẩn bị địa điểm, trang trí khánh tiết, tuyên truyền, hậu cần là khâu quan trọng cho thành công đại hội. Làm tốt công tác tuyên truyền, khánh tiết cho đoàn viên, người lao động biết về đại hội, biết về tổ chức công đoàn, để đại hội công đoàn trở thành một hoạt động nổi bật trong năm của đơn vị doanh nghiệp. Tài liệu, quà lưu niệm (nếu có) tại đại hội cũng nên cân nhắc mang tính thiết thực, tránh lãng phí. 

2. Công việc tiến hành trong thời gian đại hội 

Khi công tác chuẩn bị tốt thì việc tiến hành đại hội sẽ ít gặp vướng mắc. Cần xây dựng kịch bản cho các bước thực hiện chương trình đại hội, trong đó phân công cụ thể công việc của từng người. Có thể gặp những tình huống không nằm trong dự tính (đại biểu phát biểu quá dài, phần giới thiệu danh sách đề cử BCH mới, thậm chí kỹ thuật âm thanh trục chặc...), đoàn chủ tịch cần bình tĩnh xử lý điều hành, tránh gây lộn xộn. Thông thường đại biểu cấp trên phát biểu sau cùng trước khi kết thúc phần thảo luận, phần phát biểu của cấp trên là sự chỉ đạo cho hoạt động của nhiệm kỳ tiếp và định hướng cho công tác bầu cử nhân sự BCH.

Bước quan trọng trong đại hội là điều hành phần bầu cử BCH mới. Đầu tiên thông qua đại hội đề án nhân sự đã được Đảng ủy và Công đoàn cấp trên phê duyệt, trong đó có số lượng, cơ cấu dự kiến BCH nhiệm kỳ mới. Đoàn chủ tịch cần xin ý kiến đại hội từng mục như: Đề án nhân sự, số lượng, cơ cấu BCH, danh sách ứng cử, đề cử và chốt danh sách đề cử cuối cùng trước khi chuẩn bị phiếu bầu. Phiếu bầu cử cần làm theo đúng mẫu hướng dẫn, tránh nhầm lẫn và nhất là để các đại biểu thấy được sự phân bổ, cơ cấu của danh sách dự kiến BCH khóa mới. Để tránh nhiều ý kiến trái chiều (thậm chí cố tình gây khó khăn cho công tác bầu cử), đoàn chủ tịch cần bình tĩnh thảo luận hoặc xin ý kiến đại hội biểu quyết những nội dung còn tranh luận. Thời gian kiểm phiếu nên để đại hội giải lao hoặc tiếp tục thảo luận những chỉ tiêu cần thực hiện của nhiệm kỳ tới.

Khi có kết quả bầu cử, BCH mới ra mắt đại hội, đoàn chủ tịch cần chỉ định triệu tập viên kỳ họp thứ nhất BCH khóa mới để bầu các chức danh lãnh đạo CĐCS (nhiều đại hội cơ sở đã bỏ qua phần thủ tục này). Thông thường đại hội CĐCS chỉ tổ chức trong một buổi nên kỳ họp thứ nhất thường tiến hành sau đại hội, hoặc có thể vài ngày sau.             

Trong đại hội nên có phần khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ, cám ơn, chia tay các đồng chí không tiếp tục tham gia BCH nhiệm kỳ mới, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, khích lệ mọi người.

 3. Công việc sau đại hội

Đã có hướng dẫn chi tiết về một số thủ tục phải làm sau đại hội như: Công văn kèm biên bản đại hội gửi về công đoàn cấp trên trực tiếp, đánh giá rút kinh nghiệm tổ chức đại hội... Một số công việc khác CĐCS cũng cần tiến hành, đó là: Ra quyết định công nhận nhân sự tổ công đoàn, công đoàn bộ phận trực thuộc theo kết quả cấp dưới. BCH mới được bầu tiếp nhận điều hành công việc công đoàn ngay sau khi được bầu, thủ tục pháp lý cuối cùng là quyết định công nhận của công đoàn cấp trên trực tiếp. 

Công tác lưu trữ các văn kiện, giấy tờ, phiếu bầu, biên bản đại hội cũng rất cần thiết. Đây là một trong những tài liệu BCH cũ bàn giao cho BCH mới tiếp nhận và giải quyết những vấn đề liên quan đến đại hội

Thời gian này, CĐCS đã đang tiến hành đại hội. Để tạo điều kiện và thống nhất chỉ đạo chung công đoàn cấp trên cơ sở cần chuẩn bị các mẫu báo cáo, đề án nhân sự, kịch bản điều hành đại hội, biên bản, nghị quyết đại hội.... Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cần hướng dẫn, giúp đỡ, phê duyệt trước mỗi đại hội, nhất là ở các cơ sở đang gặp khó khăn, đang có nhiều vướng mắc, không có sự thống nhất, hợp tác của cơ quan chuyên môn. Công đoàn cấp trên phối hợp với CĐCS để công tác chuẩn bị đại hội đầy đủ, cụ thể góp phần đại hội CĐCS thuận lợi đạt hiệu quả cao.  

Nguyễn Xuân Thái