banner2019
 
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 24/4/2017
Cập nhật lúc 09:50 ngày 24/04/2017

Nhiệt điện than cần chọn được công nghệ và chủ đầu tư “sạch” là vấn đề được phản ánh trên trang nhất báo Đầu tư ngày hôm nay 24/4. Việc phát triển nguồn nhiệt điện than đang đặt ra nhu cầu cấp thiết khi chưa có thêm nguồn khí mới; lùi thời hạn xây dựng các tổ máy điện hạt nhân hay đã hết nguồn thủy điện lớn; điện gió, điện mặt trời có giới hạn về tiềm năng và đặc biệt là chuẩn bị vào tháng cao điểm về tiêu thụ điện.

Nhiệt điện than có lượng khí thải lớn, nhưng theo TS. Nguyễn Mạnh Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng, cho biết với công nghệ hiện đại, nguồn phát thải sẽ được quản lý. Theo TS. Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Ban Quản lý các dự án than Đồng bằng Sông Hồng của Vinacomin cho biết với công nghệ của nhà máy nhiệt điện than và lọc bụi hiện nay thì nhiệt điện than không bao giờ bẩn cả, mà vấn đề là chủ đầu tư có “sạch” hay không.

Tại Việt Nam, thị trường bán lẻ điện chưa được vận hành đầy đủ theo cơ chế thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Bên cạnh đó, giá mua điện của nguồn năng lượng tái tạo cao hơn so với giá bán lẻ điện bình quân hiện nay. Do đó, thách thức về thu hút đầu tư đang ngày càng căng thẳng hơn.

Cũng trong số báo Đầu tư ra ngày hôm nay có đề cập thông tin Giá điện và áp lực đầu tư. Theo đó, nhằm đảm bảo nguồn cung ứng năng lượng phục vụ phát triển kinh tế, sức ép về vốn đầu tư đang đè nặng lên vai ngành điện. Hơn nữa, giá than năm 2017 sẽ tăng thêm 3.500 tỷ đồng. Đây là gánh nặng không nhỏ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Giá điện là vấn đề mấu chốt cần giải quyết. Đây là ý kiến của ông Franz Genner, Trưởng nhóm chuyên gia Năng lượng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam. Ông cho rằng có cải thiện giá điện, EVN mới trở thành đơn vị vững về tài chính và thu hút được vốn đầu tư tư nhân.

Giá điện bất động từ 2 năm nay đang làm méo mó thị trường, giá điện thấp gây cản trở việc thu hút đầu tư phát triển nguồn, lưới điện, đặc biệt là điện từ nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Phá sản lộ trình xăng sinh học; TKV được khen thưởng giữa tâm bão nợ nần; Đại dự án “khóc ròng” vì nhà thầu Trung Quốc.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                       

1. Phá sản lộ trình xăng sinh học.


Báo Người Lao động phản ánh: Số phận lộ trình xăng E5 phụ thuộc rất lớn vào các nhà máy sản xuất ethanol nhưng tất cả nhà máy này đều đang trong tình trạng thua lỗ, “đắp chiếu”.

Theo cơ quan chức năng, dự kiến xăng sinh học (E5) sẽ thay thế hoàn toàn xăng RON 92 từ ngày 01/01/2018. Như vậy, một lần nữa, lộ trình triển khai xăng E5 phải lùi lại. Nhiều kế hoạch triển khai xăng E5 từng được đưa ra nhưng đều lỗi hẹn.

Để phục vụ chủ trương thay thế xăng khoáng bằng xăng E5, nhà nước đã đầu tư không ít dự án sản xuất ethanol. Tuy nhiên, hiện 3 nhà máy sản xuất ethanol sinh học đều thuộc danh mục dự án thua lỗ, “đắp chiếu” của Bộ Công Thương. Để làm sống lại các dự án này thì không dễ và dù đã có hàng loạt phương án được kỳ vọng nhưng vẫn chưa có phương án chính thức nào được công bố.

2. TKV được khen thưởng giữa tâm bão nợ nần.

Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) sở hữu khối nợ phải trả lên tới hơn 100.000 tỷ đồng chính là kết quả thanh tra được Bộ Tài chính công bố thời gian qua. Thay vì việc phải truy cứu trách nhiệm và xử lý đối với những cá nhân, tập thể trong quá trình điều hành sản xuất dẫn đến tình hình kinh doanh ảm đạm nợ nần thua lỗ thì đơn vị này lại tổ chức một buổi Lễ hoành tráng vinh danh các điển hình tiên tiến.

Có thể đánh giá năm 2016 các đơn vị trong Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã hoàn thành kế hoạch được giao. Để ghi nhận những thành tích xuất sắc trong công tác của các tập thể và cá nhân của các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn; Chủ tịch nước đã tặng Huân chương lao động cho 5 tập thể; 3 cá nhân; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 3 tập thể, 17 cá nhân và Bộ trưởng Bộ Công thương tặng Bằng khen cho một số tập thế và cá nhân của các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn đã có thành tích xuất sắc trong năm 2016.

3. Đại dự án “khóc ròng” vì nhà thầu Trung Quốc.

Báo Dân trí đưa tin, tại cuộc họp tổ công tác của Thủ tướng xử lý 12 dự án yếu kém, thua lỗ thuộc ngành Công Thương diễn ra mới đây, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Hầu hết dự án thua lỗ, yếu kém của ngành công thương đều đang vướng thủ tục quyết toán, nhiều dự án quy trình thủ tục khi triển khai chưa đúng quy định. Trong các dự án thua lỗ, có dự án âm cả vốn sở hữu, có dự án lỗ lũy kế lớn hơn vốn chủ sở hữu rất nhiều, chưa nói cộng cả nợ phải trả.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài chính, hệ lụy của các dự án này đối với nền kinh tế, đời sống người lao động là vô cùng lớn. Hiện nay các dự án đều vướng đến thủ tục quyết toán. Nguyên nhân một phần xuất phát từ việc đàm phán, ký kết hợp đồng với các nhà thầu nước ngoài còn lúng túng, ít kinh nghiệm. Đa phần các nhà thầu này đến từ Trung Quốc. Trong đó đáng chú ý là các điều khoản kỹ thuật không rõ ràng dẫn đến phát sinh tranh chấp, vướng mắc khó giải quyết.

Ông cho rằng công tác lập dự án, thẩm định dự án của chúng ta còn yếu kém. Đi kèm với đó là công tác giám sát còn lỏng lẻo dẫn đến không kịp thời phát hiện, làm cho tình trạng chậm tiến độ kéo dài. Từ đó khiến tổng mức đầu tư đều vượt so với dự toán phê duyệt ban đầu, làm tăng giá thành sản phẩm.

LH (Nguồn VP Bộ CT)