Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH đánh giá kỹ tác động của các chính sách về các vấn đề liên quan đến quyền lợi lao động nữ, tăng thời giờ làm thêm, tuổi nghỉ hưu, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tiền lương và các vấn đề lớn, phức tạp khác. Từ đó, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức liên quan soạn thảo dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đúng trình tự, thủ tục; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nội dung cơ bản của dự án bộ luật và việc tiếp thu, chỉnh lý dự án bộ luật trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan trước khi trình Chính phủ dự án bộ luật này.
Trước đó, trong dự thảo Bộ luật Lao động, Bộ LĐ-TB&XH chính thức đưa ra hai phương án về tuổi nghỉ hưu.
Phương án một, tuổi nghỉ hưu giữ như hiện hành, nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi.
Phương án hai, là tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Cụ thể, kể từ ngày bộ luật có hiệu lực, tuổi nghỉ hưu của người lao động bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường là nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi nhưng cứ mỗi năm tăng thêm ba tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ 60 tuổi.
Đối với phương án hai, người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá năm năm so với quy định.
Theo Báo Pháp Luật tp.HCM