Tiếp theo loạt phóng sự phản ánh về hiện tượng ô nhiễm nghiêm trọng gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân gần Nhà máy giấy Lee&Man, báo Tuổi trẻ ngày hôm nay (31/3) trong bài viết bài viết “Nhà máy giấy Lee&Man vận hành thử nghiệm gây ô nhiễm: Mùi hôi từ khu ép bùn” cho biết, ngày 30/3, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường khẩn trương phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang và các cơ quan liên quan kiểm tra thông tin báo Tuổi Trẻ nêu về tình hình ô nhiễm môi trường nêu trên.
Hôm nay (31/3), việc áp trần giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi tạm thời chấm dứt sau hơn 2 năm thực hiện. Theo phản ánh của báo Người lao động trong bài viết “Không lo loạn giá sữa?”, trên địa bàn TP.HN chưa thấy DN cung ứng nào thông báo điều chỉnh giá cũng như điều chỉnh nguồn cung. Hiện nay, các DN kinh doanh sữa vẫn đang chờ thông tin gỡ bỏ giá trần chính thức từ Bộ Công Thương và chờ xem sắp tới, chính sách quản lý giá sữa ra sao mới có tính toán cụ thể.
Các DN cho rằng trong hơn 2 năm Bộ Tài chính áp trần giá sữa, rất nhiều tiến bộ khoa học trong lĩnh vực sữa được thế giới áp dụng đưa vào sản phẩm nhưng tại Việt Nam thì gần như “án binh bất động”. Nguyên nhân là việc áp giá trần chung đã triệt tiêu tính cạnh tranh thị trường.
Các chuyên gia kinh tế cũng đồng tình với quyết định bỏ giá trần của Bộ Công Thương. Bởi lẽ, theo nguyên tắc, khi xác định có độc quyền thì mới áp giá trần. Trước nỗi lo ngại tái diễn tình trạng loạn giá sữa, các DN cho rằng thị trường sữa bột dành cho trẻ em phân chia rõ ràng theo 3 phân khúc cao cấp, trung cấp và bình dân, do đó, tùy theo nhu cầu, người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Sẽ đấu giá hạn ngạch nhập 89.500 tấn đường; Dự án Đạm Ninh Bình: Làm rõ trách nhiệm hợp đồng với Trung Quốc; EVN vẫn chưa thể trình kịch bản giá điện 2017.
Thông tin cụ thể như sau:
1. Sẽ đấu giá hạn ngạch nhập 89.500 tấn đường.
Theo đánh giá từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, việc Bộ Công Thương quyết định đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường là thể hiện sự ghi nhận những kiến nghị trước đây của Hiệp hội.
Năm 2017, từ kết quả điều hành hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016, Bộ Công Thương đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục điều hành nhập khẩu đường theo phương thức đấu giá thí điểm. Số lượng đường đấu giá là 89.500 tấn, bằng mức tối thiểu cam kết WTO năm 2017. Hiện nay, Bộ Công Thương đang chờ ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, tổng hợp để xây dựng văn bản theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho việc tổ chức đấu giá năm 2017.
Theo đánh giá từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, việc đấu giá sẽ tạo sự công bằng cho tất cả các công ty, thương nhân đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến mặt hàng đường. Qua đó cũng sẽ giúp giảm dần tình trạng “xin - cho” qua hình thức phân bổ hạn ngạch cho doanh nghiệp như những năm qua.
2. Dự án Đạm Ninh Bình: Làm rõ trách nhiệm hợp đồng với Trung Quốc.
Vietnamnet đưa tin, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ liên quan đến hợp đồng tổng thầu (EPC) nhà máy đạm Ninh Bình 12.000 tỷ thua lỗ.
Việc xử lý tồn tại của hợp đồng EPC dự án nhà máy đạm Ninh Bình thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu. Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nghiên cứu, chỉ đạo Ban quản lý dự án Đạm Ninh Bình và chịu trách nhiệm xử lý dứt điểm các tồn tại về hợp đồng. Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát tính pháp lý của hợp đồng EPC của dự án, bảo đảm tuân thủ các quy định về hợp đồng xây dựng, làm rõ trách nhiệm của các bên tham gia, trách nhiệm của các cá nhân trong quá trình thực hiện.
Trước đó, trong kết luận thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình, Bộ Công Thương đã chỉ ra nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án này với nhà thầu Trung Quốc là Tổng công ty Thiết kế và Thầu khoán Hoàn Cầu.
3. EVN vẫn chưa thể trình kịch bản giá điện 2017.
Mới đây Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ liên quan đề xuất kịch bản điều hành giá điện năm 2017 trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/3. Song đến thời điểm này, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, Cục vẫn chưa nhận được kịch bản giá điện 2017 của EVN.
Do giá nguyên liệu đầu vào là giá than tăng nên EVN chưa thể trình được kịch bản giá điện 2017. Riêng giá than cho điện tăng thêm 7% từ 24.12.2016 sẽ làm chi phí đội lên hơn 4.692 tỷ đồng.
Mặc dù chưa khẳng định sẽ tăng giá điện trong năm nay, nhưng có thể thấy các yếu tố tác động đến đầu vào của ngành điện đang gây áp lực tăng giá điện trong năm 2017.
LH (Nguồn VP Bộ CT)