banner2019
 
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 23/3/2017
Cập nhật lúc 04:27 ngày 23/03/2017

Hàng chục nghìn xe ô tô lắm xong, nhập về “đắp chiếu” chờ hai Bộ là thông đáng chú ý đăng trên Lao động ngày hôm nay (23/3). Bài viết phản ánh: Với mục tiêu giảm lượng khí thải, Quyết định 49/QĐ-TTg ra đời ngày 1.9.2011 và nêu rõ các loại xe ôtô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 từ ngày 1.1.2017. Tuy nhiên, tới cuối năm 2016, động thái của các cơ quan quản lý nhà nước đều cho thấy sẽ hoãn chưa thực hiện theo lộ trình với xe sử dụng động cơ diesel do nhiên liệu chưa đáp ứng được.

Cụ thể, theo Thông báo số 398/TB-VPCP ngày 9.12.2016, ôtô du lịch, xe buýt gắn động cơ diesel sẽ áp dụng Euro 4 từ ngày 1.1.2018; còn ôtô tải gắn động cơ diesel sẽ áp dụng vào năm 2022 và công văn đề xuất của Bộ Công Thương lấy ý kiến các bộ, ngành cũng thấy xu thế “chưa thực hiện” lộ trình này. Do chưa thấy có hướng dẫn gì và cũng chưa có nhiên liệu đạt chuẩn, các DN tiếp tục ký hợp đồng mua linh kiện, phụ tùng, vật tư hoặc nhập nguyên chiếc với các đối tác nước ngoài với động cơ ôtô tiêu chuẩn Euro 2.

Tuy nhiên, ngay từ ngày 1.1.2017, Cục Đăng kiểm ra thông báo báo tạm dừng không cấp phiếu xuất xưởng cũng như giấy chứng nhận đăng kiểm cho xe sản xuất và nhập khẩu đạt mức khí thải Euro 2. Kết quả hàng nghìn xe đã ký hợp đồng không thể nhập khẩu về nước hoặc mắc kẹt ở cảng mà không được thông quan hoặc sản xuất ra không được xuất xưởng.

Theo phản ánh của nhiều DN, thị trường xe tải, xe buýt gần như “đóng băng” để chờ đợi quyết định của Chính phủ cũng như sự triển khai, hướng dẫn của các cơ quan quản lý chức năng.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Thép Trung Quốc chính thức bị áp thuế phá giá; Nhập khẩu thịt bẩn từ Brazil: Bộ Công thương gửi công văn hỏa tốc; Quảng Ninh, Hải Phòng... 'nóng' kinh doanh than trái phép; Doanh nghiệp kêu về điều kiện kinh doanh khí.

Thông tin cụ thể như sau:  

1. Thép Trung Quốc chính thức bị áp thuế phá giá.


Tuổi trẻ đưa tin: Do lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc chiếm hơn 90% tổng lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra vào Việt Nam, với biên độ bán phá giá từ 21,18% tới 36,33%, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 957/2017 việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số mặt hàng thép hình chữ H nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc. Việc chậm áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời sẽ ngăn cản đáng kể sự hình thành của ngành sản xuất trong nước và khó có thể khắc phục được.

2. Nhập khẩu thịt bẩn từ Brazil: Bộ Công Thương gửi công văn hỏa tốc.

Liên quan tới việc nhập khẩu thịt bẩn từ Brazil đang được dư luận quan tâm, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc gửi Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính đề nghị các bên phối hợp chặt chẽ và kiểm soát mặt hàng thịt nhập khẩu từ Brazil. Bộ Công thương cũng sẽ theo dõi sát diễn biến.

Trước đó, thương vụ Việt Nam tại Brazil cho biết, cảnh sát liên bang Brazil ngày 17/3 đã thông báo mở cuộc điều tra vụ việc được cho là vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử ngành nông nghiệp, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thịt của nước này.

3. Quảng Ninh, Hải Phòng... 'nóng' kinh doanh than trái phép.

Hiện nay tình trạng kinh doanh, khai thác than trái phép vẫn còn diễn ra nhiều trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng... với những rủi ro tiềm ẩn về môi trường. Điển hình, địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn còn các cá nhân lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, sử dụng các thủ đoạn tinh vi để khai thác than trái phép. Trong khi đó, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn chưa được giải quyết triệt để, vẫn đang tồn khối lượng xít than ước tính hàng triệu tấn đang được quản lý tại các mỏ, không được sử dụng gây khó khăn cho các mỏ về bãi chứa và công tác quản lý.

Trước thực trạng trên, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với UBND các tỉnh tăng cường kiểm tra các bãi tập kết, mua bán than trái phép; sớm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế, chính sách đặc thù đảm bảo đủ điều kiện phát triển ngành than theo quy hoạch. Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN&MT sớm hoàn thành khoanh định và công bố các khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ đối với than theo quy định làm căn cứ để cấp phép khai thác theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

4. Doanh nghiệp kêu về điều kiện kinh doanh khí.


Dự thảo Nghị định về kinh doanh khí lần thứ 2 so với bản dự thảo lần thứ nhất tuy đã loại bỏ hầu hết các điều kiện không phù hợp trên cơ sở ý kiến phản hồi của DN thời gian qua đối với thương nhân phân phối, ghi nhận việc tiếp thu ý kiến DN của cơ quan chủ trì soạn thảo, nhưng nhiều DN vẫn chưa hài lòng, chỉ ra nhiều điều kiện kinh doanh vô lý gây cản trở hoạt động của DN trong lĩnh vực này.

Theo các doanh nghiệp kinh doanh khí, gas, điều kiện kinh doanh đối với một số ngành nghề là cần thiết, nhưng nếu lạm dụng sẽ gây cản trở cho hoạt động của người dân, DN.

Một số nội dung được DN kiến nghị như: điều kiện thương nhân phải sử dụng hợp pháp kho chứa khí được cấp có thẩm quyền phê duyệt là không cần thiết, mà chỉ cần quy định các kho chứa khí này phải đáp ứng điều kiện an toàn về PCCC theo quy định hiện hành. Đối với điều kiện phải đăng ký nhãn hiệu hàng hóa với Bộ Công Thương, điều này sẽ gây khó cho thương nhân, bởi một số tổng đại lý, đại lý không thể có nhãn hiệu hàng hóa, không có thương hiệu riêng, không có vỏ gas thuộc sở hữu…

5. Thủy điện chây ì trả nợ rừng.

Dù Chính phủ đã chỉ đạo các nhà máy thủy điện phải nghiêm túc trồng rừng thay thế, nếu không sẽ chấm dứt hoạt động nhưng nhiều nhà máy vẫn phớt lờ. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Một trong những nội dung quan trọng của công điện là yêu cầu thực hiện nghiêm quy định trồng rừng thay thế; kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với những dự án không chấp hành trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng; yêu cầu trong năm 2017 phải hoàn thành việc trồng rừng thay thế đối với các công trình thủy điện đã vận hành khai thác.

Trước đó, tháng 7-2016, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với dự án không chấp hành việc trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Bài viết cũng cho biết thêm, khó khăn trong việc trồng rừng thay thế là không bố trí được quỹ đất. Nếu doanh nghiệp đóng tiền để trồng rừng thay thế cũng chỉ thực hiện trên diện tích đất lâm nghiệp có rừng bị phá chứ không trồng trên một diện tích đất mới để bù đắp diện tích rừng đã mất.

LH (Nguồn VP Bộ CT)