Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế, ngành Công Thương đã có nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, một số doanh nghiệp, Tổng Công ty đang trong quá trình tái cấu trúc, sắp xếp lại lao động đã ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, quyền và lợi ích của người lao động. Nhằm vượt qua khó khăn, Công đoàn Công Thương Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” và coi đây là động lực để phát triển SXKD và hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Ngành.
Hướng tới kỷ niệm 10 thành lập Công đoàn Công Thương Việt Nam (2007 - 2017), cán bộ CNVCLĐ và đoàn viên Công đoàn Ngành luôn nhận thức sâu sắc vai trò của công tác thi đua và trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, vận động công nhân viên chức lao động và đoàn viên công đoàn tham gia. Đặc biệt, trong tổ chức phong trào thi đua, các cấp công đoàn trong Ngành luôn chú trọng đến đổi mới phương thức và hình thức về bề rộng và chiều sâu, lấy năng suất chất lượng hiệu quả là trọng tâm, bám sát vào mục tiêu kinh tế của địa phương, đơn vị và của Ngành, phù hợp với từng loại hình cơ sở, thu hút được công nhân lao động tham gia, chú trọng khen thưởng cho công nhân trực tiếp sản xuất.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú và Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng trao bằng khen cho người lao động tại Lễ tuyên dương Lao động giỏi, Lao động sáng tạo của CĐCTVN
Từ định hướng đó, các cấp công đoàn đã vận dụng sáng tạo và tổ chức nhiều phong trào thi đua, nhiều hội thi mang tính ngành, nghề phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh, của doanh nghiệp, tiêu biểu như: Phong trào “Luyện tay nghề giỏi”, “Kinh doanh giỏi”, quản lý tốt”, “Mỗi kỹ sư một đề tài, mỗi tổ công đoàn một sáng kiến”, phong trào thi đua “ba tốt” (Quản lý vật tư tốt, làm kế hoạch tốt, tổ chức lao động tốt), “đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động”, “trồng cây xanh, làm sạch không khí", phong trào “thi đua 2 tốt” gắn với cuộc vận động “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và cuộc vận động “Chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục” đối với khối Trường, phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ. Nét đặc trưng nổi bật trong năm qua là các phong trào không chỉ dừng lại ở phạm vi đơn vị, Ngành mà còn có sức lan tỏa ra toàn quốc như: Phong trào thi đua liên kết xây dựng các công trình trọng điểm nhà nước “ Nhà máy Thuỷ điện Lai Châu”, “Nhà máy lọc dầu Dung Quất”...
Qua đó, nhiều tập thể, cá nhân đã thực sự khẳng định tiềm năng sáng tạo của cá nhân, đơn vị mình. 5 năm qua, toàn Ngành đã có hơn 100.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi trên 20.000 tỷ đồng; số tiền thưởng cho các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật gần 100 tỷ đồng; tiết kiệm nhiều vật tư nguyên liệu với số tiền 150 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều sáng kiến giải pháp không tính được bằng tiền nhưng có ý nghĩa lớn về mặt xã hội. Tổng LĐLĐVN đã tặng 980 Bằng Lao động sáng tạo cho các các nhân thuộc các đơn vị trong Ngành. Những sáng kiến này đều được áp dụng vào thực tiễn và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Công đoàn Công Thương Việt Nam đã gắn biển cho 40 công trình chào mừng Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI với tổng giá trị các công trình là hơn 9.000 tỷ đồng. Tiêu biểu phải kể đến Công đoàn Tập đoàn Hoá Chất Việt Nam. Trong 5 năm, cán bộ, CNVCLĐ Tập đoàn đã có được 15.704 sáng kiến, với số tiền làm lợi trên 292,843 tỷ đồng. Nhiều sáng kiến tiêu biểu như: “Nghiên cứu công nghệ, thiết kế lắp đặt hệ thống thu gom xử lý nước thải có chứa amôniắc và nước thải, khí thải khu vực lò hơi” của đ/c Nguyễn Anh Dũng - Công ty Phân đạm và Hóa chất Bắc đã làm lợi 1.167 triệu đồng/năm. Sáng kiến “Thiết kế mở rộng khai thác quặng 2 khai trường 17 hiệu quả kinh tế cao” của đ/c Nguyễn Văn Sơn - Kỹ sư khai thác - Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam làm lợi 3,310 tỷ đồng; sáng kiến "Các giải pháp ổn định chất lượng NPK, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm” của đ/c Quản Viết Bính - Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm thao làm lợi gần 3 tỷ đồng… Ngoài ra, phong trào tập hợp ý tưởng sáng tạo đã được Công đoàn Công nghiệp Hoá chất phát động và các đơn vị hưởng ứng mạnh mẽ mà điển hình là Công ty CP Công nghiệp Cao su miền Nam, Công ty CP Phân lân Ninh Bình, Công ty CP Que hàn Điện Việt Đức...
Kinh nghiệm trong việc phát động phong trào thi đua ở Tập đoàn Công nghiệp Hoá chất là mỗi CB, CNVLĐ bất kỳ làm công việc gì, môi trường nào đều suy nghĩ, phát huy một ý tưởng, mỗi ý tưởng đều được ghi nhận, trân trọng, được Công đoàn và Giám đốc gửi thư khen và thưởng từ 100.000 đến 200.000đ. Sau đó, ý tưởng được chuyển cho Hội đồng sáng kiến để nghiên cứu triển khai; nếu phát triển thành sáng kiến được áp dụng trong thực tiễn được thưởng tiếp theo quy chế khen thưởng sáng kiến của cơ sở. Chính vì vậy, từ phong trào này, nhiều CBCNVCLĐ đã có sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp hàng trăm tỷ đồng, nhiều công nhân trực tiếp sản xuất đã được tặng Bằng lao động sáng tạo. Tỷ lệ công nhân trực tiếp sản xuất được tặng Bằng lao động sáng tạo năm sau luôn cao hơn năm trước.
Thép ra lò (ảnh Trần Minh Hoàng)
Bên cạnh đó có thể nhắc đến CĐ TCty Thép Việt Nam. Trong 5 năm qua. toàn TCty đã có nhiều phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao và ứng dụng các khoa học công nghệ mới, điển hình là: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình kiểm soát, quản lý văn bản đi đến, xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình, xây dựng Website mới cho Tổng Công ty Thép Việt Nam, thành lập diễn đàn thông tin thị trường thép; giải pháp triển khai thực hiện bình ổn giá và kiềm chế lạm phát tại Tổng Công ty; xử lý chống ngập hệ thống cáp điện ngầm tại Công ty Thép miền Nam, xây dựng sổ tay các đơn vị đo lường ... Số người có sáng kiến, sáng tạo trong Tổng Công ty là 1.704 người (trong đó, công nhân trực tiếp sản xuất: 1.239 người, cán bộ quản lý: 260 người, cán bộ khoa học: 105 người, cán bộ nữ: 100 người). Giai đoạn 2007 - 2012, toàn tổng Công ty có 224 bằng lao động sáng tạo, các đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được áp dụng vào thực tế và đã làm lợi 157,591 tỷ đồng; có 03 sáng kiến đoạt giải cấp toàn quốc.
Đối với Công đoàn Tổng Công ty Thuốc Lá Việt Nam, trong 5 năm qua, toàn Tổng Công ty đã có 591 sáng kiến, làm lợi hàng chục tỷ đồng, thực hiện 98 đề tài nghiên cứu, nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ và Tổng Công ty. Tiểu biểu như: Công ty Thuốc lá Sài Gòn, đơn vị đi đầu trong phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật với hơn 300 sáng kiến làm lợi hàng chục tỷ đồng, đã tự thiết kế chế tạo được 22 máy móc thiết bị nguyên chiếc các loại; Công ty Thuốc Lá Thăng Long có 74 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nhiều tập thể và cá nhân đã thực hiện và được Công ty Thưởng trên 400 triệu đồng; Công ty Thuốc lá Bến tre có 21 công trình cải tiến, sáng kiến hợp lý hoá sản xuất; Công ty Thuốc lá Bắc Sơn với 25 sáng kiến; Công ty Thuốc lá Cửu Long với sáng kiến “Thay đổi kết cấu cắt và ghép kính máy bóng kính W7T trên dây chuyền máy BM-01” và đề tài “Cụm chi tiết và bấm tem” Công ty Thuốc lá An Giang với sáng kiến “Thiết kế hệ thống làm mát phân xưởng ... Toàn TCty trong 5 năm qua có 15 đồng chí được Tổng LĐLĐVN tặng Bằng lao động sáng tạo, 16 đồng chí đạt Công nhân giỏi ngành Công Thương, 237 đồng chí đạt danh hiệu công nhân giỏi cấp Công đoàn Tổng Công ty. Trong phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu như anh Đặng Xuân Phương, Giám đốc Công ty Thuốc Lá Thăng Long 3 lần được TLĐLĐVN tặng Bằng LĐST; công nhân sản xuất trực tiếp như anh Nguyễn Văn Sơn – thợ cơ khí 7/7, Công đoàn Công ty Thuốc Lá Bắc Sơn là cây sáng kiến của đơn vị, nhiều năm liền đạt danh hiệu LĐST của TLĐ, công nhân giỏi ngành Công Thương, giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh của Tổng Liên đoàn; đồng chí Đặng Minh Cương, thợ sửa chữa phân xưởng bao cứng, Công ty Thuốc Lá Thăng Long, nhiều năm liền đạt danh hiệu Công nhân giỏi, 2 lần đạt danh hiệu lao động sáng tạo của TLĐ và là cây sáng kiến của Công ty Thuốc Lá Thăng Long.
Ngoài ra, còn một số đơn vị tiêu biểu trong phong trào thi đua như: Công đoàn Xăng dầu Việt Nam; Công đoàn Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp; Công đoàn Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam; Công đoàn Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, Công đoàn Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh, Công đoàn Trường Cao đẳng Công nghiệp Xây dựng, Công đoàn Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh...
Có thể nói, phong trào LĐG, LĐST đã thực sự trở thành điểm sáng trong thực hiện các phong trào thi đua của Công đoàn Công Thương VN. Trưởng thành từ phong trào này, nhiều công nhân trực tiếp sản xuất đã vươn lên đã trở thành những cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, đốc công, trưởng ca xuất sắc, trở thành các quản đốc, giám đốc xí nghiệp giỏi, đáng dấu sự trưởng thành của giai cấp công nhân. Những gương “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được Công đoàn Công Thương Việt Nam tôn vinh hàng năm, là những bông hoa đẹp đi lên từ phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo của ngành Công Thương. Dù được tôn vinh ở cấp cơ sở, cấp ngành hay cấp Tổng Liên đoàn, họ đều giữ vững danh hiệu và ngày càng phát huy tốt và họ chính là nguồn nhân lực chất lượng cao của đơn vị. Sự phong phú, đa dạng của những tấm gương “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” có sức lôi cuốn, truyền cảm hứng, khơi dậy, phát huy những giá trị truyền thống của giai cấp công nhân lao động, phát huy sức mạnh tập thể và thúc đẩy sự phát triển của đơn vị, doanh nghiệp.
Những sáng kiến, sáng tạo của người lao động trực tiếp đã góp phần tăng cường nhận thức và trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai phong trào thi đua, công tác thi đua khen thưởng của các cấp uỷ Đảng, chuyên môn, các tổ chức đoàn thể và công nhân, viên chức, lao động trong Ngành. Sự thành công trong phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" của Ngành Công Thương đã được các cấp, các Ngành đánh giá cao. Đạt được kết quả như trên là nhờ vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp với chuyên môn, họ là những người luôn chăm lo tới người lao động về tinh thần, vật chất, gần gũi chia sẻ khó khăn với người lao động hàng ngày và luôn tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn hoạt động.
Đặc biệt, năm 2017 là năm kỷ niệm 10 năm thành lập Công đoàn Công Thương Việt Nam, Công đoàn Công Thương Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai những phong trào thi đua thiết thực hướng về cơ sở, vì lợi ích đoàn viên. Dự kiến, tại lễ kỷ niệm sẽ có 28 công nhân trực tiếp sản xuất được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Những người lao động này đã trưởng thành từ phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong suốt những năm qua. Đây cũng khẳng định một lần nữa phong trào thi đua của Công đoàn Công Thương Việt Nam luôn hướng tới và động viên kịp thời người lao động và phong trào này sẽ còn được nhân rộng hơn nữa trong những năm tiếp theo.
Lê Tâm