banner2019
 
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 15/3/2017
Cập nhật lúc 04:46 ngày 15/03/2017

Bộ Công Thương siết quản lý, rượu dân tự nấu là thông tin được báo chí quan tâm, phản ánh trong ngày 15/3. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ban hành Chỉ thị 02/CT-BCT yêu cầu tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến, pha chế, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Bộ Công Thương đã có những văn bản gửi các Sở Công Thương và UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương để nhanh chóng nắm bắt tình hình, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, ngăn ngừa những vụ ngộ độc rượu xảy ra.

Bên cạnh đó, Trên 18.000 lít rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ bị phát hiện cũng được dư luận, báo chí đặc biệt quan tâm. Từ đầu tháng 3 đến nay, Hà Nội đồng loạt ra quân kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn và truy tìm rượu chứa methanol. Theo Chi cục An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội vừa có thêm một trường hợp tử vong do ngộ độc methanol, như vậy từ ngày 22/2 đến sáng 14/3 đã ghi nhận 27 bệnh nhân ngộ độc rượu methanol, trong đó 3 trường hợp tử vong.

Từ đầu tháng 3 đến nay, ngành y tế, Công Thương và UBND các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô đã đồng loạt ra quân kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn và truy tìm rượu chứa methanol. Qua kiểm tra 1.264 cơ sở, cơ quan chức năng đã tiêu hủy 140 lít rượu; niêm phong 18.328,5 lít rượu và 215 chai rượu các loại, 2 can rượu, 4 bình rượu và 2 chum rượu, 4,9 kg men rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ; xử phạt 172 cơ sở với số tiền trên 406 triệu đồng.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Hé lộ những khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng của Tập đoàn Than - Khoáng sản; TKV lên tiếng về dự án bôxit lỗ lớn; Áp dụng biện pháp tự vệ nếu xe ô tô nhập ảnh hưởng xe trong nước; Bán hàng giả, không niêm yết tại lễ hội hoa Anh đào bị xử phạt; Bình Dương: Nổ trong nhà máy thép, 8 công nhân bị bỏng nặng; Chi 31 tỉ đồng mỗi ngày nhập trái cây Thái. Thanh niên phản ánh.

Thông tin cụ thể như sau:           

1. Hé lộ những khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng của Tập đoàn Than - Khoáng sản.


Dân trí phản ánh: Báo cáo kết luận thanh tra về việc thanh tra tài chính tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã hé lộ một số khoản đầu tư tài chính không hiệu quả của Tập đoàn này. Theo báo cáo có 4/6 doanh nghiệp được thanh tra đầu tư tài chính tại thời điểm 31/12/2015 là hơn 17.157 tỷ đồng. Trong đó, có 3/6 doanh nghiệp đầu tư tài chính dài hạn và một số đơn vị chưa hiệu quả. Có 9 công ty kinh doanh thua lỗ số tiền hơn 592 tỷ đồng trong năm 2015 và tính lũy kế đến 31/12/2015 thì có 11 công ty lỗ hơn 1.407 tỷ đồng.

Điển hình là Tổng công ty Điện lực - Vinacomin lỗ hơn 828 tỷ đồng; Công ty cổ phần Vận tải thuỷ - Vinacomin lỗ 139 tỷ đồng; Công ty Cromit Cổ Định Thanh Hoá - TKV lỗ 115 tỷ đồng; Công ty Đóng tàu Sông Ninh - Vinacomin lỗ 90 tỷ đồng; Công ty liên doanh Aluminna (Campuchia - Việt Nam) lỗ 69 tỷ đồng; Công ty cổ phần Than Tây Nam Đá Mài - Vinacomin lỗ gần 70 tỷ đồng và Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê lỗ hơn 17 tỷ đồng…

2. TKV lên tiếng về dự án bôxit lỗ lớn.

Tuổi trẻ đưa tin, trước thông tin dự án bôxit Tân Rai lỗ tới 3.696 tỉ đồng, ông Nguyễn Văn Biên, phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) xác nhận song cho biết năm nay dự án sẽ bắt đầu có lãi... Thực tế là sau ba năm vận hành, đến nay dự án đã làm chủ được công nghệ và các chỉ tiêu cũng tốt hơn rất nhiều, chất lượng sản phẩm tăng lên. Các chỉ tiêu tiêu hao về vật tư cũng giảm đáng kể do làm chủ được công nghệ và có cải tiến.

Đối với dự án bôxit Nhân Cơ, ông Biên cho biết: về công nghệ, hiện nay đã vận hành ổn định. Dự án Nhân Cơ khi quyết định đầu tư tập đoàn đã điều chỉnh sang công nghệ có hiệu suất cao hơn, các chỉ tiêu tiêu hao và chất lượng sản phẩm được nâng lên tốt hơn. Quan trọng nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng đã được xây dựng đồng bộ, đủ khả năng đáp ứng khi công suất mỗi dự án được tăng lên gấp đôi là 1,3 triệu tấn. Nếu trong tương lai Chính phủ tiếp tục cho mở rộng, triển khai thì hiệu quả dự án còn cao hơn.

3. Áp dụng biện pháp tự vệ nếu xe ô tô nhập ảnh hưởng xe trong nước.

Chính phủ vừa có chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đưa ra giải pháp phát triển ngành công nghiệp ô tô khi Việt Nam giảm thuế do cam kết hội nhập. Đồng thời, trước nguy cơ xe nhập tăng đột biến, Chính phủ yêu cầu nghiên cứu biện pháp tự vệ nếu xe nhập tăng đột biến, ảnh hưởng sản xuất trong nước. Cụ thể, Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt yêu cầu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến các bộ: Công Thương, Tài Chính, Khoa học và Công nghệ và các bộ ngành liên quan khác để đánh giá toàn diện thị trường ô tô, có chính sách phù hợp cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ ô tô và liên doanh ô tô trong nước thời gian tới.

Bên cạnh đó, thị trường ô tô Việt Nam đang có nhiều dòng xe ô tô của nước ngoài đổ bộ nhiều hơn, nhiều dòng xe giá rẻ, nguy cơ làm ảnh hưởng đến thị trường và nền sản xuất ô tô non trẻ trong nước. Phó Thủ tướng chỉ đạo: "Các Bộ, ban ngành liên quan nghiên cứu khả năng áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến và ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước..."

4. Bán hàng giả, không niêm yết tại lễ hội hoa Anh đào bị xử phạt.


Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Ninh vừa tiến hành xử phạt đối với 5 quầy hàng kinh doanh tại khu vực trưng bày, quảng bá giới thiệu và bán sản phẩm trong khuôn khổ Lễ hội hoa Anh đào - Mai vàng Yên tử năm 2017 do vi phạm các qui định trong hoạt động thương mại hàng hóa.

Cụ thể, trước đó qua kiểm tra, lực lượng QLTT đã phát hiện hàng giả tại quầy hàng bán đồ thể thao đến từ tỉnh Phú Thọ. Lực lượng QLTT đã tiến hành thu giữ toàn bộ số hàng giả, không rõ nguồn gốc trên. Đồng thời xử phạt hành chính lỗi vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng, lỗi vi phạm hàng hóa không rõ nguồn gốc, không niêm yết giá.

5. Bình Dương: Nổ trong nhà máy thép, 8 công nhân bị bỏng nặng.

Báo chí trong ngày đưa tin, vụ nổ xảy ra vào sáng 14- 3, nhóm công nhân nấu mẻ nhôm tại Công ty Thép Nam Kim (KCN Đồng An 2, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) khiến tám công nhân đứng gần chảo thép bị bỏng. Theo tìm hiểu ban đầu khi các công nhân đang làm việc tại khâu nấu kẽm thì có một tiếng nổ lớn là văng chảo chứa dung dịch kẽm, một số công nhân không chạy kịp nên bị bỏng. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

6. Chi 31 tỉ đồng mỗi ngày nhập trái cây Thái.

Thanh niên phản ánh. Tính trung bình, mỗi ngày người Việt chi 31 tỉ đồng để mua rau củ quả từ xứ chùa vàng. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam chi 164 triệu USD (tương đương 3.720 tỉ đồng), tăng 54,7% so cùng kỳ năm 2016, để nhập rau củ quả. Tính trung bình, mỗi ngày người Việt đang chi 62 tỉ đồng để mua rau quả ngoại.

Trong đó, lớn nhất là thị trường Thái Lan, trong 2 tháng VN nhập khẩu các mặt hàng rau củ quả từ thị trường này lên đến 82,6 triệu USD, chiếm hơn 50% giá trị nhập khẩu rau củ quả của cả nước (tương đương 31 tỉ đồng/ngày). Sau Thái Lan, nhập rau quả từ Trung Quốc đạt 31 triệu USD, chiếm hơn 19% giá trị nhập khẩu cả nước. Tính chung, rau củ quả nhập từ Thái và Trung Quốc chiếm gần 70% tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này của cả nước.

Thanh niên dẫn lời của Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: Đã đến lúc nhà sản xuất và phân phối trong nước phải nhắm đến thị trường trái quả nội địa với 93 triệu dân để trái cây, rau quả Việt không bị lép vế tại sân nhà.

LH (Nguồn VP Bộ CT)