Cảnh báo nhập siêu trở lại là thông tin đáng chú ý trên một số báo ra ngày 7/3. Báo chí phản ánh: Nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ, điện thoại di động và rau củ quả 2 tháng đầu năm tăng mạnh đang tác động lớn lên cán cân thương mại. Các mặt hàng này đang góp phần đẩy tỷ lệ nhập khẩu của cả nước trong 2 tháng đầu năm tăng đến 20% so cùng kỳ năm trước.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nếu nhập khẩu máy móc để mở rộng sản xuất là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế, nhưng gia tăng nhập khẩu nhiều mặt hàng như ô tô, điện thoại nói một cách nào đó là thiếu yếu tố bền vững trong cán cân thương mại. Ngoài ra, nông thủy hải sản là nhóm hàng xuất khẩu chiếm kim ngạch lớn, nay có việc gia tăng nhập khẩu cũng cần xem xét lại. Số liệu mới này có thể coi là cảnh báo mới. Nếu đà này tiếp tục, sau nỗi vui mừng xuất siêu, chúng ta sẽ đối diện lại nhập siêu.
Lạm phát có thể tăng mạnh do xu hướng tăng giá xăng dầu? là thông tin đáng chú ý khác được VOV đưa tin, bình luận. Theo đó, lạm phát năm 2017 sẽ tiếp tục xu thế tăng và có thể tăng mạnh hơn năm 2016 nếu việc tăng giá dịch vụ công không được kiểm soát chặt chẽ. Lạm phát tháng 2/2017 tăng 0,69% so với đầu năm nhưng tăng tới 5,02% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do chịu tác động một phần của việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình tại một số tỉnh, thành, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do giá nhóm giao thông tăng 9,97% so với cùng kỳ.
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Bất cập trong quy trình gia hạn chứng nhận kinh doanh xăng dầu ở Cà Mau; Nan giải về vấn đề an toàn thực phẩm; Mở rộng điều tra vụ nhập xe BMW vào Việt Nam; Tràn lan khai khoáng, hiểm họa khó lường.
Thông tin cụ thể như sau:
1. Bất cập trong quy trình gia hạn chứng nhận kinh doanh xăng dầu ở Cà Mau
Theo phản ánh trong bài viết, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tỉnh Cà Mau đã chủ động nộp hồ sơ làm thủ tục gia hạn giấy phép kinh doanh theo đúng quy định nhưng không nhận được kết quả theo đúng hẹn, thậm chí thời gian chờ được cấp lại thủ tục có khi kéo dài đến cả một năm. Trong khi đó, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh lại đến kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính vì giấy chứng nhận đủ điểu kiện kinh doanh đã hết hiệu lực.
Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp rất bức xúc vì đã không nhận được nhận kết quả đúng hẹn, không có lời xin lỗi từ các cơ quan chức năng, mà còn bị xử phạt vi phạm hành chính hàng chục triệu đồng .
2. Nan giải về vấn đề an toàn thực phẩm.
Trên nhiều báo đưa tin, lâu nay nguồn thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch vẫn tràn lan trên thị trường bởi thực trạng quản lý chồng chéo, không hiệu quả giữa các Bộ liên quan bao gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công Thương.
Tại hội thảo Đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 khu vực phía Nam, các đại biểu đều đồng tình rằng việc quản lý thực phẩm cần tập trung về một đầu mối để dễ quản lý, dễ quy trách nhiệm thay cho việc để 3 bộ cùng quản như hiện nay.
Do đó, mô hình thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm tại TP HCM được nhiều đại biểu kỳ vọng sẽ làm nên chuyện. Ban quản lý được lập trên cơ sở tổ chức lại Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm thuộc Sở Y tế và một số bộ phận trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Sở Công thương.
Mô hình trên được thực hiện thí điểm trong 3 năm, nếu thành công sẽ được nhân rộng ra cả nước. Ban quản lý An toàn Thực phẩm ra đời sẽ chấm dứt thực trạng 3 bộ cùng quản lý 1 mâm cơm đã tồn tại lâu nay.
3. Mở rộng điều tra vụ nhập xe BMW vào Việt Nam.
Liên quan đến việc Công ty cổ phần (CTCP) Euro Auto bị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan yêu cầu tạm dừng thông quan, đề nghị khởi tố vì hành vi giả mạo giấy tờ trong nhập khẩu, kinh doanh ô tô, ngày 6/3, Tổng cục Hải quan cho biết, Thanh tra Bộ tài chính đang lật lại hồ sơ để làm rõ quá trình nhập khẩu xe của CTCP Euro Auto để phục vụ quá trình điều tra về các sai phạm của nhà nhập khẩu này.
Bộ Tài chính cũng cho biết, đại diện Tập đoàn BMW đã khẳng định một số chứng cứ của CTCP Euro Auto làm thủ tục hải quan không phải do Tập đoàn BMW AG phát hành. Tập đoàn này đã cam kết sẽ phối hợp với Hải quan Việt Nam và thông tin đến Chính phủ, các cơ quan ngoại giao, cơ quan báo chí và Hiệp hội ô tô Châu Âu về bản chất sự việc.
4. Tràn lan khai khoáng, hiểm họa khó lường.
Thời gian gần đây, tại một số thôn, xã thuộc tỉnh Bắc Kạn lại xảy ra hiện tượng sụt lún đất. Trước đó, vào năm 2008, hiện tượng này cũng đã từng xảy ra tại xã Ngọc Phái mà nguyên nhân được kết luận là do khai thác chì kẽm tại mỏ Nà Tùm của Cty TNHH khai khoáng Bắc Kạn. Tỉnh đã công bố việc sụt lún do mỏ kẽm hút nước nhưng công ty chưa khắc phục khiến người dân rất bức xúc. UBND Huyện đã báo cáo tỉnh và Bộ Tài nguyên & Môi trường để chờ công bố cuối cùng.
Lãnh đạo nhiều tỉnh miền núi từng bày tỏ kỳ vọng rằng, kinh tế tỉnh nhà sẽ “thay da đổi thịt” khi cấp phép cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Thế nhưng sau khi DN lấy hết tài nguyên, người dân nơm nớp sống bên đống bãi thải, còn chính quyền địa phương đau đầu với những khoản nợ thuế, phí khó đòi.
LH (Nguồn VP Bộ CT)