banner2019
 
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 23/2/2017
Cập nhật lúc 04:01 ngày 23/02/2017

Tăng kiểm soát nhập khẩu là bài viết đáng chú ý trên Đại đoàn kết 23/2, phản ánh: Do hàng rào kỹ thuật không hiệu quả, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với việc gia tăng nguy cơ không kiểm soát được hàng hóa nhập khẩu.

Điều này dễ dẫn tới việc Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm kém chất lượng. Đây là mối quan ngại trước bối cảnh các cam kết hội nhập từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), một mặt tạo ra cơ hội nhưng đồng thời tạo ra nhiều thách thức lớn với Việt Nam. Giới chuyên gia nhận định, vấn đề thứ nhất là tỷ lệ nhập khẩu lớn về nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất thể hiện tính gia công trong ngành còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở bên ngoài. Điều đó khiến cho nền kinh tế gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Bài viết nhấn mạnh: Lo nhất, như nhận định của Bộ Công Thương, là việc gia tăng nguy cơ không kiểm soát được hàng hóa nhập khẩu do các hàng rào kỹ thuật không hiệu quả, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng kém, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng cần tiếp tục triển khai các biện pháp quản lý nhập khẩu.           

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Thiếu liên kết, khó phát triển logistics Việt Nam; Hạt gạo Việt đang bị giấy phép 'trói chân trói tay'; Cần có chính sách kéo giá xăng E5 xuống thấp hơn nữa. Thông tin cụ thể như sau:      

1. Thiếu liên kết, khó phát triển logistics Việt Nam.


Dù là lĩnh vực có nhiều tiềm năng nhưng hơn 2/3 thị phần logistics lại đang thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Một trong những nguyên nhân là bởi các doanh nghiệp trong nước vẫn còn làm ăn manh mún, thiếu liên kết. Theo đại diện Bộ Công Thương, việc thiếu các trung tâm logistics tập trung cũng khiến cho các doanh nghiệp không tạo ra được giá trị gia tăng để giảm giá thành vận tải và mở rộng cung ứng dịch vụ một cách chuyên nghiệp. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành chương trình hành động nhằm phát triển lĩnh vực logistics, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành dịch vụ này sẽ đóng góp khoảng 10% cho GDP, thay vì chưa đến 4% như hiện nay. 

2. Hạt gạo Việt đang bị giấy phép 'trói chân trói tay'.

Sau sáu năm thực hiện, Nghị định 109 quy định những điều kiện xuất khẩu gạo đã bộc lộ một số điểm bất cập, cần sửa đổi để tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nói riêng và ngành lúa gạo Việt Nam. Với những điều kiện ngặt nghèo được quy định tại Nghị định 109, xuất khẩu gạo dường như đang trở thành sân chơi của các “ông lớn”, có ưu thế trên thị trường, đủ khả năng áp đặt các điều kiện bất lợi cho các chủ thể khác, đặc biệt là nông dân. Về quy định về thị trường xuất khẩu gạo, đại diện một DN xuất khẩu gạo cho biết không chỉ vấn đề về giấy phép, chính sách xuất khẩu gạo của Việt Nam còn tạo ra nhiều “bó buộc” khác về đầu ra cho DN tư nhân. 

3. Cần có chính sách kéo giá xăng E5 xuống thấp hơn nữa.

Báo Tin tức ngày  cho biết. Kinh doanh xăng E5 chưa đem lại hiệu quả kinh tế như với xăng Ron 92; các cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất, kinh doanh xăng E5 vẫn trong quá trình hoàn thiện nên doanh nghiệp chưa nhận được hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước; hệ thống cửa hàng có bán xăng E5 cho khách hàng còn hạn chế, chưa thuận lợi cho khách hàng trong quá trình tiếp cận, sử dụng xăng E5. Để đẩy mạnh triển khai kinh doanh xăng E5 theo đúng lộ trình, một số chuyên gia đưa ra kiến nghị cần có chính sách về giá, thuế, phí, chi phí kinh doanh xăng E5; bảo đảm khuyến khích DN bán xăng E100, E5, nhất là trong thời gian triển khai kinh doanh. Ngoài ra, vấn đề về vùng nguyên liệu cho việc sản xuất ethanol cũng gặp khó khăn. Đồng thời, phải có chính sách cụ thể để tái khởi động, việc trồng và mở rộng vùng nguyên liệu sắn sản xuất ethanol, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất.

LH (Nguồn VP Bộ CT)