Báo chí trong ngày đưa tin đậm nét về vụ việc Sabeco chính thức miễn nhiệm ông Vũ Quang Hải. Sáng nay (16/2), tại Đại hội đồng cổ đông bất thường tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), với đa số phiếu thán thành (trên 99%), Đại hội đồng cổ đông Sabeco đã thông qua việc miễn nhiệm tư các Thành viên Hội đồng quản trị Sabeco nhiệm kỳ 2013-2018 và chức danh Phó Tổng giám đốc đối với ông Vũ Quang Hải. Đồng thời, miễn nhiệm tư cách Thành viên Ban Kiểm soát đối với ông Chung Chí Dũng.
Đại hội cổ đông Sabeco cũng đã thông qua việc bổ nhiệm Thành viên Hội đồng quản trị với ông Nguyễn Thành Nam và bổ nhiệm tư cách Thành viên Ban Kiểm soát với ông Nguyễn Văn Minh.
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Các “ông lớn” Bộ Công Thương công khai giá mua điện, xăng, dầu; Xăng, dầu sắp tăng giá?; Xuất khẩu gạo Việt thêm áp lực.
Thông tin cụ thể như sau:
1. Các “ông lớn” Bộ Công Thương công khai giá mua điện, xăng, dầu.
Báo chí đưa tin: Thực hiện nhiệm vụ định kỳ được giao tại Chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 22.4.2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu, Cục Điều tiết Điện lực ngày 13.2.2016 vừa công bố giá mua điện bình quân tháng 12 năm 2016 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các thông số đầu vào cơ bản của quý IV/2016, công suất khả dụng của Hệ thống điện tháng 12.2016.
Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đều báo cáo giá bán than, xăng dầu, khí, cơ cấu sản lượng điện và năng lượng khác.
2. Xăng, dầu sắp tăng giá?
Theo chu kỳ, ngày 18-2 là thời điểm cơ quan quản lý công bố giá cơ sở, từ đó doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối điều chỉnh giá bán lẻ các mặt hàng này. Trao đổi với PV HNMO, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối tại miền Bắc cho biết, giá xăng, dầu thế giới đang chững lại nhưng những ngày qua lại liên tục tăng. Vì thế, chưa tính yếu tố tỷ giá VND/USD tăng, doanh nghiệp đang bị lỗ khoảng 300 đồng/lít xăng và 250 đồng/lít dầu. Giá xăng, dầu trong nước vài ngày tới có tăng hay không còn phụ thuộc vào giá thế giới vào hôm nay và ngày mai. Nếu giá đi ngang, trong kỳ điều chỉnh tới, giá các mặt hàng này tại thị trường trong nước có thể đi lên.
Cũng theo lãnh đạo trên, cơ quan quản lý có thể sử dụng hai phương án khi điều hành giá xăng, dầu trong kỳ tới. Phương án đầu tiên là vừa xả Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu vừa tăng giá bán lẻ các mặt hàng này; phương án thứ hai là chỉ xả Quỹ Bình ổn và giữ nguyên giá bán lẻ như hiện hành. Nếu phương án đầu tiên được lựa chọn, giá xăng, dầu sẽ tăng không nhiều, chỉ khoảng 100-200 đồng/lít.
3. Xuất khẩu gạo Việt thêm áp lực.
Thanh niên, Đại đoàn kết đưa tin: Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực VN (VFA) về thị trường gạo thế giới năm 2017, nguồn cung dồi dào do sản lượng tăng kỷ lục, vượt ngưỡng 120 triệu tấn. Trong khi đó nhu cầu yếu, nhiều thị trường nhập gạo truyền thống như: Philippines, Indonesia… không cần hoặc giảm nhập khẩu, các thị trường châu Phi chỉ tăng nhẹ. Chính vì vậy mà xu hướng giá tiếp tục suy yếu do cạnh tranh gay gắt giữa các nguồn cung. Một trong những áp lực chính của lúa gạo Việt Nam là Thái Lan. Nước này đặt mục tiêu bán hết 8 triệu tấn gạo tồn kho trong nửa đầu năm 2017.
Nhưng Trung quốc mới đáng sợ. Theo các doanh nghiệp, áp lực với xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay không phải từ Thái Lan mà chính là từ Trung Quốc. Trung Quốc là nước sản xuất, tiêu dùng và nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Hiện tồn kho của TQ được dự báo lên đến 69 triệu tấn trong năm 2016/2017, cao nhất từ trước tới nay. Con số này tương đương 60% dự trữ toàn cầu. Trước những thực tế trên, VFA đưa ra nhiều kiến nghị nhằm giữ vững thị trường gạo Việt.
LH (Nguồn VP Bộ CT)