banner2019
 
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 14/2/2017
Cập nhật lúc 07:51 ngày 15/02/2017

Dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại vừa được Bộ Công Thương công bố tiếp tục nhận được ý kiến của đại diện VCCI “Độc quyền Nhà nước 20 hàng hoá, dịch vụ: Lý do đưa ra chưa thực sự thuyết phục”. Nghị định này không xác định thời hạn độc quyền, điều này được hiểu rằng, 20 ngành nghề này là độc quyền không xác định thời hạn. Điều này chưa phù hợp với Luật Thương mại.

Đại diện VCCI khuyến nghị cách tốt nhất để xử lý Nghị định này là loại bỏ toàn bộ các ngành nghề được đưa vào danh mục với lý do tư nhân không thể hoặc không muốn tham gia. Đồng thời, chỉ giữ lại những ngành nghề mà sự tham gia của tư nhân có thể nảy sinh tác động tiêu cực, nhưng đi kèm với đó là phải xác định rõ thời hạn tối đa là 3 năm để Nhà nước chuẩn bị cơ chế quản lý phù hợp. Hết thời hạn đó phải để cho tư nhân tham gia. Bên cạnh đó, nên thay thế Nghị định này bằng một đạo luật vì chỉ đạo luật của Quốc hội mới hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Siết chặt công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ còn dư hơn 2.000 tỉ đồng; Dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”, dân nơm nớp lo nhà sập, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nói gì?; Không thu hồi được nợ: Tổng giám đốc EVN nguy cơ mất chức; Lô thuốc lá Trung Quốc 42 tỷ 'lạc' về Việt Nam; Thủy điện phải điều hành xả lũ trực tuyến.  

Thông tin cụ thể như sau:                                                                        

1. Siết chặt công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước.


Báo Đầu tư Chứng khoán đưa thông tin đến thời điểm tổng hợp, ngày 31/12/2016, mới có 241/620 doanh nghiệp (chiếm 38,87% số doanh nghiệp) gửi báo cáo đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện công bố thông tin trên Cổng thông tin doanh nghiệp tại địa chỉ http://www.business.gov.vn. Trong số khoảng 380 doanh nghiệp còn lại chưa thực hiện công bố thông tin, có nhiều công ty con do công ty mẹ nắm 100% vốn tại một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (5 doanh nghiệp), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (2 doanh nghiệp), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (6 doanh nghiệp), Tập đoàn Cao su Việt Nam (4 doanh nghiệp). Đáng lưu ý là trong tổng số 9 loại báo cáo phải thực hiện công bố theo quy định của Nghị định số 81/2015/NĐ-CP thì hầu hết các doanh nghiệp trong số 241 doanh nghiệp đã công bố thông tin chưa thực hiện công bố đầy đủ, trung bình mỗi doanh nghiệp chỉ công bố khoảng 4/9 loại báo cáo.

Đơn cử, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Công ty mẹ mới chỉ công bố báo cáo thực hiện nhiệm vụ công ích, trách nhiệm xã hội, báo cáo tài chính và lương thưởng. Do kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2016 không được công bố, cũng như kế hoạch 5 năm không có, nên dù có soi rất kỹ những báo cáo trên cũng không thể biết được, doanh nghiệp thực hiện được bao nhiêu so với kế hoạch. Hay Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam mới công bố 2/9 báo cáo là sắp xếp đổi mới doanh nghiệp và lương thưởng, các con số về hoạt động kinh doanh hoàn toàn vắng bóng. Một số tổng công ty lớn như Tổng công ty Thuốc lá, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty Phát triển đường cao tốc, Tổng công ty Cà phê, Tổng công ty Đảm bảo an toàn hàng hải Miền Bắc chưa thực hiện công bố báo cáo tài chính năm 2015.

2. Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ còn dư hơn 2.000 tỉ đồng.

Bộ Tài chính vừa có thông báo về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu quý IV và cả năm 2016. Cụ thể, trong quý IV/2016 (từ ngày 1.10.2016 đến hết ngày 31.12.2016), tổng số trích Quỹ BOG xăng dầu là 1.399,036 tỉ đồng, tổng số sử dụng quỹ là 1.187,252 tỉ đồng, lãi phát sinh trên số dư quỹ BQG dương là 3,077 tỉ đồng, lãi phát sinh trên số dư quỹ BOG âm là 103 triệu đồng. Như vậy, số dư quỹ BOG đến hết quý IV và cả năm 2016 (đến hết ngày 31.12.2016) là 2.389,891 tỉ đồng.

Trong số 27 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, đến hết quý IV và cả năm 2016 Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có số dư quỹ lớn nhất, với hơn 1.831 tỉ đồng. Có 9 doanh nghiệp âm quỹ, nhiều nhất là CTCP xăng dầu và dịch vụ Hàng Hải âm gần 33 tỉ đồng, doanh nghiệp âm quỹ ít nhất là Công ty TNHH Petro Bình Minh, doanh nghiệp mới tham gia thực hiện chức năng thương nhân đầu mối xăng dầu, chỉ âm quỹ 14 triệu đồng.  

3. Dự án nghìn tỷ “đắp chiếu, dân nơm nớp lo nhà sập, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nói gì?


Ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã trả lời phỏng vấn báo điện tử Dân trí về: dự án khu đô thị Đồi Chè tại phường Cao Xanh, TP Hạ Long, Quảng Ninh với quy mô đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng “đắp chiếu”. 750 hộ dân tại đây đang phải sống nguy hiểm trong những căn nhà tường nứt và những sụt lún của hố tử thần chờ chương trình di dân. Để giải quyết thực trạng này cần lắm sự chung tay của chính quyền và ngành than.

Theo ông Hậu Dự nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ là do dự án ngày từ năm 2012 nhưng đến nay mới có mấy chục hộ dân được di dời khẩn cấp, hiện tại thì vẫn còn 750 hộ dân sống trong vùng sụt lún cần được di dời. Tỉnh Quảng Ninh đã họp với ngành than và giao ngành than triển khai, ngành than đã tiếp cận và giao cho các đơn vị tư vấn lập kế hoạch triển khai. Theo báo cáo của ngành than, vấn đề di dời người dân trong khu vực này chậm liên quan đến việc khai thác than, vì thế quy trình vận hành, di dời dân và khai thác than phải được Bộ Công Thương phê duyệt. 

Dự án Khu đô thị mới Đồi Chè có từ năm 2011, đến nay đã 6 năm mà dự án chưa có chuyển động gì. Theo ông Hậu cho rằng việc chậm này là trách nhiệm của ngành Than phải khẩn trưởng làm vì không còn con đường nào khác, vấn đề khai thác ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Trước mắt có thể di dời các hộ trong diện di dời khẩn cấp khoảng hơn 70 hộ, hiện nay đang có lộ trình để làm việc đó, còn về dài hơi, di dời hơn 1000 hộ dân phải có lộ trình.  

4. Không thu hồi được nợ: Tổng giám đốc EVN nguy cơ mất chức.

Chính phủ đã ban hành nghị định ban hành quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Nghị định có hiệu lực từ ngày 1-4-2017. Theo đó, EVN được quyền chủ động quản lý vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN theo quy định; quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn có hiệu quả. EVN được quyền huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để đáp ứng nhu cầu vốn của EVN và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn huy động, hoàn trả đầy đủ cả gốc và lãi vay cho chủ nợ mà EVN đã cam kết.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định về quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN, trong đó việc xử lý trách nhiệm khi để không thu hồi được các khoản nợ được đề cập rõ rang và tới đây EVN sẽ không được huy động vốn để đầu tư vào các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, bất động sản, tài chính.

Nghị định quy định vốn vủa EVN bao gồm vốn do Nhà nước đầu tư tại EVN, vốn do EVN tự huy động và các loại vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Theo đó, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc EVN có trách nhiệm xử lý kịp thời các khoản nợ phải thu khó đòi, nợ không thu hồi được.

Nợ phải thu không có khả năng thu hồi, EVN có trách nhiệm xử lý bồi thường của cá nhân, tập thể có liên quan. Số còn lại được bù đắp bằng khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi. Số tiền thu hồi được hạch toán vào chi phí kinh doanh của EVN. 

5. Bộ Công thương cần hỗ trợ doanh nghiệp phân phối, bán lẻ trong nước.


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, có giải pháp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong nước phát triển. Bên cạnh đó, các địa phương cần tuân thủ theo đúng quy định liên quan của pháp luật trong cấp phép, quản lý hoạt động phân phối, bán lẻ cho doanh nghiệp FDI.Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật điều chỉnh lĩnh vực phân phối, bán lẻ. Đồng thời, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ việc triển khai thực hiện, nhất là đối với việc mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, bảo đảm phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tuân thủ Luật Đầu tư và lộ trình, cam kết quốc tế. Đi kèm với giấy phép hoạt động, nhà đầu tư nước ngoài phải có cam kết hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước. 

6. Lô thuốc lá Trung Quốc 42 tỷ 'lạc' về Việt Nam.

Nguồn tin từ Cục Hải quan tỉnh Bình Định chiều 12/2 cho biết, đến thời điểm này, lô hàng 21 container thuốc lá điếu nhập cảnh vào cảng Quy Nhơn vẫn đang bị Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính tạm giữ vì chưa có doanh nghiệp, cá nhân nào khai nhận là chủ sở hữu. Lô hàng nêu trên gồm 21 container chứa 20.335 thùng carton thuốc lá điếu, có tổng trị giá hơn 42 tỷ đồng, được 5 tàu vận tải biển nước ngoài vận chuyển đến cảng Quy Nhơn từ ngày 28-7 đến 17-9-2016. 

Trong chuyến công tác tại Bình Định ngày 20-1, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương phối hợp các cơ quan chức trách khẩn trương giải quyết vụ việc dứt điểm, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phải chuyển giao hồ sơ cùng tang vật cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành khởi tố, điều tra và xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật về hình sự. 

7. Thủy điện phải điều hành xả lũ trực tuyến.

Đó là chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam với các chủ hồ thủy điện trên địa bàn tại cuộc làm việc hôm 13/2, liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn theo quyết định của Thủ tướng.

Tiền phong đưa tin Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam lưu ý các chủ hồ trong mùa kiệt cần có kế hoạch sử dụng nước và điều tiết các hồ thủy điện, phối hợp nhịp nhàng giữa thời gian xả nước và thời gian lấy nước, giữa tổng lượng xả với các đợt xả lũ… Khi căng thẳng về nguồn nước thì việc điều tiết cần thực hiện hàng tuần, và chuyển sang hình thức điều hành trực tuyến chứ không chờ văn bản. Việc bố trí hệ thống camera tại các hồ thủy điện đặc biệt là camera quan sát xả lũ cần hợp lý hơn.

LH (Nguồn VP Bộ CT)