banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Tăng lương tối thiểu vùng năm 2017: Vai trò nổi bật của các công đoàn cơ sở
Cập nhật lúc 08:43 ngày 13/02/2017

Theo Nghị định 153/2016/NĐ-CP, tăng lương tối thiểu (LTT) vùng được thực hiện từ ngày 1.1.2017. Đến thời điểm này, tại nhiều địa phương, nhiều DN đã thực hiện việc tăng LTT vùng, đảm bảo quyền lợi của NLĐ. Để các DN thực hiện nghiêm túc tăng LTT vùng, các CĐCS đã có vai trò nổi bật với những cách làm bài bản, thể hiện rõ chức năng bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ.

Thực hiện bài bản

Theo LĐLĐ tỉnh Phú Thọ, các DN đều điều chỉnh mức lương cho NLĐ theo mức tối thiểu vùng theo quy định, trong đó, mức điều chỉnh ở vùng 2 tăng so với năm 2016 là 7,1%; vùng 3 tăng so với năm 2016: 7,41%; vùng 4 tăng so với 2016: 7,5%. Hôm qua (10.2) là ngày Cty Yakjin Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất hàng may mặc tại KCN Thụy Vân, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) bắt đầu trả lương cho CN theo mức tăng LTT vùng mới áp dụng cho năm 2017 theo Nghị định 153/2016/NĐ-CP. Để có được mức LTT vùng mới cho gần 5.000 CNLĐ của Cty, không thể không nhắc đến vai trò của CĐCS Cty với những việc làm cụ thể, bài bản.

Theo bà Phạm Thị Ánh Ngọc - Chủ tịch CĐ Cty - ngay khi có Nghị định của Chính phủ, CĐ Cty đã tổ chức các cuộc họp tại các tổ CĐ để ghi nhận ý kiến, nguyện vọng của CN về tăng LTT vùng, thưởng tết. Sau đó, BCH CĐ Cty họp nội bộ để có văn bản tổng hợp các ý kiến trên, gửi cho lãnh đạo Cty. Trên cơ sở văn bản của CĐ, lãnh đạo Cty tại Việt Nam có văn bản đề xuất gửi Cty “mẹ” tại Hàn Quốc.

Tiếp đó, BCH CĐ Cty và lãnh đạo Cty ngồi họp với nhau 1 lần; Ban Thường vụ CĐ có 2 cuộc họp với lãnh đạo Cty để bàn và thống nhất việc tăng lương, thưởng tết. Khi đã có quyết định cuối cùng, CĐ và Cty ra thông báo việc tăng lương, mức thưởng tết cho toàn thể CN được biết. “Chính vì được thông báo sớm, nên trước và sau tết, CN rất yên tâm làm việc, quan hệ lao động trong Cty luôn hài hòa. Ngay từ những ngày đầu tiên làm việc của năm mới, tỉ lệ CN đến làm việc rất cao; phấn khởi bước vào một năm làm việc mới sau khi nghỉ tết” - bà Ngọc chia sẻ.

Tăng lương trước, tăng cao hơn cho CN

Cty TNHH điện tử Foster Việt Nam (100% vốn Nhật Bản, chuyên sản xuất loa ôtô, tai nghe điện thoại tại KCN VSIP Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) đã thực hiện tăng LTT vùng cho CN trước 10 ngày so với quy định của Nghị định 153/2016/NĐ-CP. “Đặc thù của Cty điện tử Foster Việt Nam là có 4 nhà máy (tại Bắc Ninh, Bình Dương, Quảng Ngãi, Đà Nẵng). Khi có Nghị định 153, CNLĐ trong các nhà máy thường hay xôn xao, bàn tán. Chính vì vậy, CĐ Cty đề xuất triển khai hoạt động tăng LTT trước để ổn định tư tưởng của CN” - ông Hồ Sỹ Lĩnh - Chủ tịch CĐ Cty - cho biết.

Theo đó, khi có văn bản quy định về tăng LTT, CĐ Cty đã họp với đại diện khối sản xuất, tổ trưởng CĐ, các phòng ban liên quan để nắm bắt các ý kiến của CN, NLĐ. Tiếp đó, đầu tháng 12.2016, CĐ 4 nhà máy họp với nhau để đề xuất phương án tăng LTT, các khoản trợ cấp. Sau khi thống nhất, CĐ từng Cty họp với khối hành chính, nhân sự Cty và lãnh đạo Cty Foster Việt Nam để cùng thảo luận với các đề xuất của CĐ. Khi có quyết định của Cty Foster Việt Nam, Cty cùng CĐ Cty thông báo rộng rãi với CNLĐ ngay từ cuối năm âm lịch để họ nắm được, yên tâm làm việc, ổn định tư tưởng.

Ông Lĩnh cũng cho biết thêm, thể hiện vai trò giám sát của CĐ với tăng LTT vùng, hằng tháng CĐ Cty đều tổ chức một lần họp với các tổ trưởng CĐ để lắng nghe các ý kiến phản hồi của CN; 3 tháng 1 lần CĐ Cty tổ chức họp với Ban giám đốc Cty, từ đó giúp Ban giám đốc nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của CN, của CĐCS, trên cơ sở đó có những sự điều chỉnh phù hợp, đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa trong DN.

Cty TNHH may Tinh Lợi (Hải Dương) hiện có 14.400 CNLĐ. Hằng năm, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng không những được thực hiện một cách nghiêm túc mà còn được điều chỉnh cao hơn quy định. Cụ thể, CNLĐ của Cty làm việc ở nhiều địa bàn khác nhau (ở TP, xã và huyện) nhưng với đề xuất của CĐ, nhiều năm nay, Ban GĐ đã đồng ý áp dụng tăng lương cho CNLĐ theo cùng một mức vùng 2, thay vì có cả vùng 3 (đối với xã, huyện).

Theo ông Phạm Đình Hòa - Chủ tịch CĐ Cty - có được kết quả trên là do BCH CĐ một mặt luôn đi sâu, đi sát với quyền lợi của NLĐ, mặt khác cũng luôn quan tâm đến tình hình sản xuất kinh doanh của Cty. Có như thế mới có sự thấu hiểu, chia sẻ giữa NLĐ và người sử dụng LĐ. Bên cạnh đó, các cán bộ CĐ cũng phải luôn cập nhật các văn bản pháp luật để chủ động tham gia với chủ DN. “Thực tế, hằng năm Cty phải bỏ ra chừng chục tỉ đồng để làm công tác tuyển dụng. Vì vậy, ngay từ đầu, BCH CĐ đã tham mưu với Ban giám đốc thực hiện tốt Nghị định của Chính phủ để DN vừa thực hiện nghiêm những quy định của Nhà nước, vừa góp phần “giữ chân” NLĐ, ổn định sản xuất kinh doanh.

Tất Thảo, Trương Hoàng